Chính quyền Seoul đau đầu vì 'thảm họa xác sống'
Seoul đã trở thành thành phố tiếp theo trên thế giới đang phải đau đầu với “thảm họa xác sống”. Những “xác sống” ở đây không phải là một loại quái vật như trong bộ phim bom tấn “Train to Busan” mà nước này mới sản xuất, mà chỉ những khách bộ hành chỉ biết cúi gằm mặt vào màn hình di động, bất chấp hiểm họa rình rập trên đường phố.
Một người dùng di động trong lúc băng qua đường gần quảng trường Gwanghwamun ở Seoul, Hàn Quốc. (Nguồn: WashingtonPost).
Chính quyền thành phố Seoul mới đây đã phải ra cảnh báo về một thực trạng đáng lo ngại trên đường phố: Người dân cúi gằm mặt vào chiếc điện thoại di động của họ bất kể lúc nào, dù là trên đường phố hay đang lái xe, trên vỉa hè hay trên các đại lộ… Thứ duy nhất khiến họ chú ý là các mẩu tin nhắn mới, thư thoại, mạng xã hội hay các game bom tấn như Pokémon Go…
Đối với một trong số các quốc gia được kết nối nhất trên hành tinh như Hàn Quốc, nơi có đến 80% dân số sở hữu một chiếc điện thoại thông minh, thì không khó để người ta bắt gặp những “xác sống” như vậy. Người dân nước này thậm chí còn đặt biệt danh cho những người chỉ biết cắm mặt vào điện thoại di động như “Xác sống di động”, Smombie, người bộ hành tin nhắn…
“Tôi suýt bị xe hơi tông phải khi đang dùng điện thoại trên phố” - Shin Ji-won, một thanh niên 24 tuổi sống tại thủ đô Seoul của Hàn Quốc, chia sẻ trên mạng xã hội Facebook - “Tôi chưa từng nghĩ nó nghiêm trọng đến vậy nên thường nhắn tin khi đi bộ… Có khi tôi đã không nhận ra việc đó nguy hiểm đến mức nào”.
Chính quyền Seoul “bó tay”
Trong một bản báo cáo thống kê mới đây, chính quyền thành phố Seoul cho hay số lượng các vụ tai nạn giao thông có liên quan tới sử dụng điện thoại thông minh tại thành phố này đã tăng gấp 3 lần so với 5 năm gần đây.
Báo cáo trên không nêu chi tiết về số lượng các vụ tai nạn liên quan tới khách bộ hành, hay mức độ nghiêm trọng của các vụ tai nạn, nhưng dù vậy thì con số lớn này cũng đủ để chính quyền thành phố phải có hành động nhằm tăng ý thức của người dân, theo ông Kang Jin-Dong, người đứng đầu cơ quan quản lý Giao thông Seoul.
Hiện nay, tại 5 khu vực tập trung đông người đi bộ nhất ở thành phố này, chính quyền đã cho lắp đặt hàng loạt biển báo mới nhằm cảnh báo nguy hiểm với những người đi bộ trên vỉa hè.
“Hãy cẩn thận với điện thoại thông minh khi đi bộ” - Dòng chữ trên một tấm biển báo mới có ghi, cùng hình ảnh một người đi bộ dùng di động đang lao về phía một chiếc xe hơi. Một biển báo khác mà người ta thường nhầm với biển cấm hút thuốc cũng ghi rõ: “Đi bộ an toàn”.
Ông Kang cũng thừa nhận rằng, dự án kéo dài 6 tháng và tiêu tốn 33.000 USD của họ vẫn chưa hoàn toàn mang lại hiệu quả. Ví dụ, nhiều người đi đường vẫn không biết là chính quyền đã đặt một biển cảnh báo mới gần Tòa thị chính Seoul dù qua lại nhiều lần, nguyên nhân chính là họ còn bận rộn với việc nhìn vào màn hình điện thoại.
“Có lẽ biển báo nên được làm to hơn để họ có thể nhìn thấy” - Kim Yong-il, một người dân 33 tuổi ở Seoul, nói - “Tôi cho rằng ý tưởng của dự án là tốt, nhưng lại chưa thực sự hiệu quả”.
Trong khi đó, ông Kang cho hay họ đang phối hợp với các quan chức ngành giao thông để ghi nhận các thiếu sót và có khả năng sẽ mở rộng dự án này trên khắp cả nước trong năm tới.
Seoul không phải thành phố đầu tiên trên thế giới phải đối mặt với thực trạng người đi bộ lỡ đễnh vì điện thoại di động.
Ở Augsburg, gần thành phố Munich (Đức), người đi bộ gần các đường ray xe điện được cảnh báo bằng hàng loạt chiếc đèn LED đỏ nhấp nháy liên tục lắp dưới đường. Trong năm 2014, thành phố Trùng Khánh, Trung Quốc còn vẽ thêm một tuyến đường kéo dài 30 dành riêng cho những người vừa đi bộ vừa nhắn tin.
Có một thị trấn nhỏ tên Rexburg ở bang Idaho (Mỹ) hồi năm 2011 đã thông qua một bộ luật trong đó đưa ra mức phạt 50 USD đối với bất kỳ ai nhắn tin lúc đang đi qua đường.
Chứng nghiện di động là có thật
“Một số nghiên cứu gần đây đã cho thấy có khoảng 15% người dùng điện thoại di động ở Hàn Quốc bị nghiện món đồ công nghệ này” - bà Hyun-Seob Cho, nhà tâm lý học và là Giáo sư làm việc tại Đại học Chongshin, cho hay.
Theo bà Cho, bộ phận những người bị nghiện điện thoại di động đều cảm thấy thiết bị này như một phần mở rộng thêm của cơ thể họ, và thường cảm thấy lo lắng, bồn chồn khi không có chúng bên mình. Một trong những trường hợp nặng nhất mà bà Cho từng thấy là một người đàn ông đòi mang theo di động theo mọi nơi, kể cả lúc đi tắm.
Bà Cho cho hay hiện nay không có cách chữa hiệu quả đối với chứng nghiện di động bởi người ta không thể đòi hỏi ai đó không sử dụng điện thoại được. Thay vào đó, cách duy nhất chính là tự thân mỗi cá nhân kiềm chế bản thân mình.