Cô đỡ thôn bản
Trên thực tế, vai trò của “cô đỡ thôn bản” đã được khẳng định. Họ được ví như cánh tay “vươn dài” của ngành y tế địa phương, là cầu nối giữa các cơ sở y tế với bà con nhân dân.
Đào tạo cô đỡ thôn bản. Ảnh minh họa.
Tại Cao Bằng, từ năm 2009 đến nay, toàn tỉnh đã đào tạo được 124 cô đỡ thôn bản tại 124 xã đặc biệt khó khăn thuộc 7 huyện: Bảo Lạc, Bảo Lâm, Nguyên Bình, Thông Nông, Hòa An, Thạch An, Trà Lĩnh về các kỹ năng cơ bản trong phát hiện và quản lý thai nghén, đỡ đẻ sạch và an toàn, chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh ngay sau sinh; tư vấn và thuyết phục người dân đến khám thai tại các cơ sở y tế... Trong đó có 52 cô đỡ kiêm nhân viên y tế thôn bản.
Cộp My là xóm đặc biệt khó khăn của xã Quang Trung (huyện Hòa An), có 45 hộ, 100% là dân tộc Mông, địa hình cách trở, giao thông khó khăn, từ xóm đến trung tâm xã phải mất 2 giờ đi bộ men theo đường mòn, phong tục tập quán của người dân còn lạc hậu.
Trước năm 2011, phần lớn phụ nữ mang thai không đi khám thai, không được phát hiện các biểu hiện bất thường về thai nghén, tỷ lệ phụ nữ tự sinh con tại nhà chiếm trên 90%. Chính vì thế nhiều phụ nữ mắc tai biến sản khoa dẫn đến tử vong mẹ và trẻ sơ sinh.
Song, từ năm 2012 đến nay, được sự tuyên truyền, hướng dẫn của cô đỡ thôn bản, phụ nữ đã đến Trạm Y tế xã đăng ký quản lý thai, khám thai và đến cơ sở y tế để sinh đẻ, tiêm phòng uốn ván cho mẹ và tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin cho trẻ em trong độ tuổi; …
Chị La Thị Dân- cô đỡ xóm Cộp My chia sẻ: Ngoài việc đỡ đẻ an toàn cho những trường hợp sinh con tại nhà và xử trí ban đầu các trường hợp xảy ra tai biến trong quá trình đẻ tại nhà và chuyển đến cơ sở y tế, tôi còn kịp thời phát hiện nhiều nguy cơ tai biến trong quá trình thai kỳ cho các sản phụ, như: trong quá trình tư vấn và khám thai, phát hiện trường hợp thai phụ bị phù nề, trường hợp thai bị chết lưu đưa đến cơ sở y tế xử lý kịp thời.
Nhận xét về vai trò của các cô đỡ thôn bản, chị Hoàng Thị Hồng Thắm- Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh Cao Bằng cho biết: Với những kiến thức sản khoa đã được trang bị, các cô đỡ thôn bản có thể tiên lượng, phát hiện và chuyển tuyến kịp thời cho thai phụ có nguy cơ tai biến sản khoa, hạn chế trường hợp tử vong mẹ và sơ sinh, góp phần hoàn thiện mạng lưới cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe dựa vào cộng đồng tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tuy nhiên, do mức phụ cấp quá thấp, 200 nghìn đồng/tháng (trường hợp cô đỡ thôn bản kiêm y tế thôn bản thì chỉ được phụ cấp y tế thôn bản 575 nghìn đồng/tháng), trong khi công việc vất vả, đi lại khó khăn là những bất cập khiến mô hình này thiếu tính bền vững. Ngoài ra, việc đào tạo cô đỡ thôn bản cũng đang gặp không ít khó khăn về nguồn tuyển vì theo yêu cầu, họ phải là người dân tộc thiểu số, ...
Do vậy, để tiếp tục phát huy hiệu quả của mô hình cô đỡ thôn bản và góp phần nhân rộng hơn nữa mô hình ý nghĩa này đến các bản làng vùng sâu, vùng xa không phải là việc riêng của ngành Y tế mà cần có sự chung tay vào cuộc của cả cộng đồng.