Dự án khu dân cư Bắc Trần Huỳnh (Bạc Liêu): Người dân khiếu kiện

Việt Sử 16/08/2016 07:10

Năm 1997, sau khi tỉnh Bạc Liêu được tái lập, UBND tỉnh Bạc Liêu đã quy hoạch khu dân cư Bắc Trần Huỳnh với diện tích 218.661m2, thu hồi quyền sử dụng đất của 129 hộ dân đang sinh sống tại khu vực này giao cho Công ty xây dựng và phát triển nhà tỉnh Bạc Liêu thực hiện. Thế nhưng sau gần 20 thực hiện, Dự án lại phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, không có sự đồng thuận giữa Nhà nước và nhân dân dẫn đến khiếu kiện.

Một góc khu dân cư Bắc Trần Huỳnh.

Lập lờ trong bồi thường giải tỏa

Ngay sau khi UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 671/ QĐ-UB ngày 5/11/1998, các ngành chức năng của tỉnh và thị xã Bạc Liêu cùng Công ty xây dựng và phát triển nhà đã rốt ráo kê khai hiện trạng nhà, đất, vườn cây ăn trái của 129 hộ dân để tiến hành phương án bồi thường và tái định cư cho các hộ dân.

Thế nhưng trong suốt một thời gian dài, dự án Bắc Trần Huỳnh vẫn thực hiện chưa xong vì có quá nhiều lý do. Nào là áp giá bồi thường quá thấp so với thực tế, nào là Giám đốc công ty lạm dụng trong quản lý cấp đất sai đối tượng, không thu hồi được phần đất của dân theo Quyết định 671/QĐ-UB của Chủ tịch UBND tỉnh.v.v. Người dân dở khóc, dở cười vì đất không được làm giấy CNQSDĐ và không được xây dựng nhà ở theo quy định.

Vì sao khu dân cư Bắc Trần Huỳnh lại rơi vào thảm cảnh trên? Qua điều tra của chúng tôi, khi chủ trương của tỉnh Bạc Liêu thu hồi đất của 129 hộ dân khu Bắc Trần Huỳnh để thực hiện dự án, người dân rất đồng tình ủng hộ vì họ nghĩ rằng sẽ được hưởng lợi từ các công trình phúc lợi xã hội gồm: Hệ thống đường giao thông, điện, nước sạch, chợ…thuận lợi cho việc kinh doanh, mua bán, đi lại…

Nhưng tiếc thay, những điều mà người dân mong đợi thì chủ đầu tư và một số ngành chức năng thực hiện không nghiêm túc, thiếu minh bạch. Ông Nguyễn Văn Hòn, 68 tuổi, ngụ tại khóm 7, phường 1 cho biết: “Gia đình tôi có 13.000 m2 đất gồm có nhà ở và đất nông nghiệp.

Trong suốt mấy chục năm qua, gia đình gồm 14 nhân khẩu chỉ biết dựa vào phần đất trên để sản xuất nông nghiệp sinh sống. Thế rồi, cán bộ bồi thường giải phóng mặt bằng lấy đất gia đình tôi không có một quyết định thu hồi đất và không có phương án bồi thường nào.

Công ty chỉ cho gia đình tôi tạm ứng lắt nhắt tổng cộng số tiền là 200 triệu đồng và tái định cư cho gia đình 168 m2 đất. Đã vậy khi chuyển mục đích sử dụng 168m2 đất mà Công ty tái định cư cho gia đình tôi phải đóng tiền chuyển quyền sử dụng đất là 250 triệu đồng. Xem như gia đình tôi bỗng dưng mất trắng 13.000 m2 đất mà không biết bằng cách nào để đòi lại. Gần 20 năm qua gia đình tôi rơi trong thảm cảnh làm thuê sinh sống qua ngày. Tôi làm đơn yêu cầu thì không nơi nào giải quyết.

Cùng cảnh ngộ, hộ ông Trương Văn Nhì, có diện tích đất 3.227m2, năm 1982 ông Nhì mua phần đất trên của ông Cao Tấn Hòa để cất nhà ở và sinh sống. Lúc mua đất có giấy xác nhận của UBND phường 4 (cũ) do ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch ký tên, đóng dấu. Hiện trạng đất của ông có giấy chứng nhận QSH nhà-đất do Sở Xây dựng cấp ngày 10/5/1993.

Bà Lâm Ghết Dứ, vợ ông Nhì cho biết: “Đất tôi đang ở và sử dụng bỗng dưng vào năm 1998, UBND tỉnh Bạc Liêu ban hành Quyết định 671/QĐ-UB ngày 5/11/1998 thu hồi quyền sử dụng đất giao cho Công ty xây dựng và phát triển nhà tỉnh Bạc Liêu cùng danh sách 129 hộ dân. Gần 20 năm trôi qua, gia đình tôi chưa nhận được quyết định nào về thu hồi đất và cũng chẳng ai đến thương lượng giá cả bồi hoàn như thế nào, tái định cư là bao nhiêu.

Hiện tại, tôi muốn xây cất nhà cũng không được mà làm giấy CNQSDĐ cũng không xong. Chính quyền cứ cho là đất nằm trong dự án quy hoạch. Tôi đề nghị tỉnh, thành phố phải minh bạch rõ ràng, nhưng cũng bằng thừa. Chính việc làm thiếu khách quan, không khoa học nên dẫn đến tình trạng lãng phí quỹ đất, gây mất lòng tin trong dân kéo dài trong suốt thời gian qua”.

Tạo áp lực để buộc dân thực hiện giao đất

Bà Lê Thanh Thoa, ở khóm 7, phường 1 cho biết: Năm 1986, sau khi nhận nhiệm vụ tăng cường về Minh Hải để dạy học, gia đình bà đã khăn gói từ Bình Trị Thiên về định cư tại thị xã Bạc Liêu để dạy học tại Trường THCS Võ Thị Sáu. Sau bao năm vất vả, tích cóp từ đồng lương dạy học và chăn nuôi, bà mua được 3.980 m2 đất thổ cư để ở. Năm 1992 bà mua thêm được 4.000m2 đất nông nghiệp để canh tác.

Đến năm 1998 thì có Quyết định của UBND tỉnh Bạc Liêu thu hồi hết phần đất mà bà đang sử dụng gần 8.000m2 nhưng chỉ tái định cư cho gia đình bà 300m2 để ở. Gia đình bà Thoa cũng không nhận được quyết định nào về thu hồi đất, kể cả phương án bồi thường. Sau đó con đường Nam Sông Hậu được khởi công đi qua phần đất của gia đình bà hơn 1.100m2 nhưng vẫn không có quyết định thu hồi và phương án bồi thường gì cả.

Bà tức tốc làm đơn gửi khắp nơi để can thiệp, nhưng bà vẫn không nhận được quyết định thu hồi đất từ cơ quan chức năng kể cả việc bồi thường phần đất đã làm con đường mà chỉ có Qyết định bổ sung chi trả bồi thường cho bà 160 triệu đồng giai đoạn từ năm 2010-2012. Riêng phần đất còn lại 7.000m2 cũng không ai nhắc đến phương án bồi thường.

Gần 20 năm qua gia đình bà đăng ký làm giấy chứng nhận QSDĐ luôn bị khước từ. Thậm chí, đăng ký điện, nước để phục vụ sinh hoạt cũng bị từ chối. Bà Thoa cho biết: “Lúc còn giảng dạy ở Trường THCS Võ Thị Sáu, cứ vài ngày thì nhà trường có một cuộc họp để kiểm điểm tôi vì không giao đất cho chủ dự án.

Tôi chỉ trả lời với Ban giám hiệu nhà trường, đây là tài sản cá nhân vợ chồng tôi tạo ra, khi Nhà nước thu hồi thì phải có quyết định hẳn hoi và kèm theo đó là phương án bồi thường hợp tình, hợp lý thì tôi sẽ thực hiện, chứ bản thân tôi hoàn toàn không chống đối gì cả? Vì quá bức xúc nên tôi cùng các hộ dân khăn gói ra tận Hà Nội để đệ đơn nhờ cấp trên xem xét giải quyết vì đây là quyền lợi hợp pháp và chính đáng của gia đình tôi và các hộ dân.

Không riêng những trường hợp đã nêu trên mà hiện tại dự án Bắc Trần Huỳnh còn có 30 hộ dân cũng nằm trong thảm cảnh tương tự.

Việt Sử