Khoảng trống doanh nghiệp nội

Hồ Hương 16/08/2016 10:10

Đất nước đang bước vào giai đoạn hội nhập sâu, nhiều hiệp định thương mại kinh tế song phương và đa phương được ký kết. Khá nhiều cơ hội, thời cơ được mở ra nhưng tận dụng cơ hội tới đâu thì doanh nghiệp nội cần phải xem lại. Thực tế thì doanh nghiệp nội đang ở thế bị động và bị lợi dụng, trục lợi bởi một số doanh nghiệp ngoại với nhiều dẫn chứng cụ thể trong thời gian qua.

Nhà bán lẻ nội vẫn cần phải nỗ lực rất nhiều.

Mối nguy từ buông lỏng thị trường

Như ở lĩnh vực du lịch, mới đây, Sở VH -TT&DL Đà Nẵng đã đưa ra quyết định xử phạt ở mức khung cao nhất với Công ty TNHH MTV Thương mại và Du lịch Landscape, trụ sở tại đường Trần Phú, Đà Nẵng với hành vi dẫn khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam, sau đó gây ra những hành động phản cảm, đã chính thức gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh việc giám sát dịch vụ lữ hành du lịch đang có nhiều lỗ hổng.

Cũng trong tháng 6/2016, Tổng cục Du lịch cũng phối hợp với Thanh tra Bộ VH-TT&DL tiến hành thanh tra Công ty Silent Bay tại Nha Trang về việc sử dụng hướng dẫn viên “chui”. Cụ thể sau khi kiểm tra, đã phát hiện công ty này sử dụng hơn 60 người làm hướng dẫn viên cho công ty mà không có hợp đồng lao động, không có đầy đủ hồ sơ kiểm soát và thực tế hoạt động bất hợp pháp trên đất Việt Nam.

Và rồi Sở VH-TT&DL tỉnh Khánh Hòa đã công bố một thông tin, toàn tỉnh hiện có 40 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế, cùng với 7 chi nhánh, 11 văn phòng đại điện của các công ty lữ hành quốc tế, tập trung khai thác 2 thị trường lớn là Nga và Trung Quốc.

Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh lữ hành quốc tế chủ yếu là của các doanh nghiệp trong nước. Nhiều doanh nghiệp buộc phải chọn hợp tác với các công ty lữ hành nước ngoài theo kiểu “nối tour”.

Chuyện này cũng chẳng xa lạ, nhưng vì không quản lý, kiểm soát nổi nên đã dẫn đến câu chuyện nhiều hướng dẫn viên người Trung Quốc hoạt động chui tại Việt Nam và xuyên tạc lịch sử Việt Nam. Cả hai dẫn chứng trên đều cho thấy một thực tế doanh nghiệp du lịch nội đang có những khoảng trống trong việc tự chủ và khai thác thị trường.

Và không chỉ ở mảng du lịch, câu chuyện doanh nghiệp nội phải nhờ bóng doanh nghiệp ngoại để xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản trở thành phổ biến. Một doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu bàn ghế mỹ nghệ ở Bắc Ninh trong một lần trò chuyện với phóng viên kể: công ty xuất khẩu hàng sang Trung Quốc, sau đó công ty tại Trung Quốc sẽ đóng mác và xuất hàng sang châu Âu.

Đáng chú ý là ở lĩnh vực bán lẻ, sự lớn mạnh của những tên tuổi lớn của ngành bán lẻ trong nước đã phần nào chứng minh, doanh nghiệp Việt Nam đã cải cách để không bị tụt hậu. Tuy nhiên, so sánh với các nhà bán lẻ ngoại giàu tiềm lực tài chính, lớn về quy mô và kinh nghiệm, lại thêm kỹ thuật hiện đại thì nhà bán lẻ nội vẫn cần phải nỗ lực rất nhiều.

Còn ông Vũ Vinh Phú- Chủ tịch Hội siêu thị thành phố Hà Nội đề xuất, cách tốt nhất để liên kết chặt chẽ là ràng buộc về kinh tế. Bên nào vi phạm cam kết sẽ bị phạt nặng. Hai bên phải cùng chia sẻ lợi nhuận cũng như khó khăn để hợp tác lâu dài, ổn định.

Việt Nam đang bước vào giai đoạn hội nhập sâu, nhiều hiệp định thương mại kinh tế song phương và đa phương được ký kết. Khá nhiều cơ hội, thời cơ được mở ra nhưng tận dụng cơ hội tới đâu thì doanh nghiệp nội cần phải xem lại. Các doanh nghiệp nội do yếu thế về vốn, chưa có nhiều tên tuổi đã không thể tự chủ được trong việc khai thác thị trường, dẫn đến việc phải phụ thuộc doanh nghiệp ngoại. Song việc “làm nối đuôi” trở nên rất nguy hiểm.

Tìm cách bảo vệ thương hiệu

Theo các chuyên gia kinh tế, hội nhập là xu thế tất yếu để Việt Nam phát triển, doanh nghiệp Việt Nam mạnh lên và không bị tách rời khỏi sự phát triển chung của thế giới. Nói cách khác, nhiều doanh nghiệp nhìn nhận đàm phán và trở thành một phần trong chuỗi sản xuất, phân phối sản phẩm.

Song lật lại vấn đề có thể thấy, ở mảng du lịch, hoạt động kinh doanh lữ hành quốc tế của các doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp không tự xây dựng chiến lược khai thác khách. Doanh nghiệp nội chỉ tổ chức phục vụ khách du lịch nước ngoài khi đã vào Việt Nam theo hình thức hợp đồng ủy quyền của các doanh nghiệp lữ hành quốc tế ở TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang …

Thực ra, nhiều doanh nghiệp, công ty nội do yếu thế, cũng như vì lợi nhuận buộc phải “phối hợp” với các doanh nghiệp ngoại để làm ăn. Song thương hiệu của doanh nghiệp rất quan trọng. Doanh nghiệp nội khi làm việc với các đối tác quốc tế cần phải biết cách bảo vệ thương hiệu.

Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết - Giám đốc Công ty Cổ phần Dự án công nghệ Nhật Hải (OIC) cho hay, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà với hoạt động xúc tiến thương mại, dù đây là hoạt động có ý nghĩa sống còn đối với họ. Theo bà Tuyết, Việt Nam nên có sự chuẩn bị và tạo ra một quy trình liên kết doanh nghiệp như tạo lập danh bạ những doanh nghiệp quốc gia trong cùng lĩnh vực để khi doanh nghiệp hay nhà đầu tư cần thông tin có thể dễ dàng tra cứu.

Giới chuyên gia cho rằng, khi các doanh nghiệp nội phối hợp và liên kết, xây dựng được cổng thông tin gồm danh sách các ngành nghề trong xã hội. Qua đó, chỉ cần một cú click chuột sẽ hiện ra đầy đủ những doanh nghiệp trong lĩnh vực đó, cùng đầy đủ thông tin như địa chỉ, website, phương thức hoạt động và quy mô của doanh nghiệp.

Điều này sẽ giúp nhà đầu tư có cơ hội để tiếp cận doanh nghiệp một cách nhanh chóng. Đó cũng là cơ hội quảng bá thương hiệu cho doanh nghiệp trong nước khi họ tham gia các hội thảo hay diễn đàn nước ngoài.

Còn theo ông Đào Ngọc Nam - Giám đốc Công ty An Việt, để mạnh hơn, các doanh nghiệp nội phải liên kết với nhau, cũng như liên kết với nhà sản xuất, tạo ra chuỗi từ sản xuất tới phân phối, hạn chế dư địa để hàng ngoại chen chân vào.

“Doanh nghiệp nội phải bắt tay với nhau. Nếu đấu đá nhau trên sân nhà, chỉ có doanh nghiệp nước ngoài trục lợi” - ông Đào Ngọc Nam nói.

Hồ Hương