Sống ở làng
Trong chuyến công tác tại Nghệ An mới đây, về xã nông thôn mới Nam Giang (huyện Nam Đàn), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: “Cái gốc của nông thôn mới là thu nhập, đời sống của người nông dân phải tốt hơn”. Đây chính là căn cốt của vấn đề, bởi nói gì thì nói, cuộc sống vật chất lẫn tinh thần của người nông dân phải được nâng lên, từ đó họ mới có thể yêu làng quê, gắn bó với ruộng vườn.
Không ít xã muốn xây dựng nhanh đường giao thông nông thôn trong quá trình xây dựng nông thôn mới, đã dẫn đến nợ nần.
Xây dựng nông thôn mới (NTM) là Chương trình quốc gia triển khai trên phạm vi nông thôn toàn quốc, căn cứ tinh thần của Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (ngày 5/8/2008).
Chương trình giai đoạn 2010-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 4/6/2010. Chương trình bao gồm 11 nội dung, 19 tiêu chí cần đạt để có thể được công nhận xã NTM. Cũng từ đó, phong trào xây dựng NTM được triển khai mạnh mẽ trong phạm vi cả nước. Tới nay, không những nhiều xã đã đạt chuẩn NTM, mà còn không ít huyện cũng đã đạt tiêu chuẩn này- căn cứ trên những tiêu chí đã quy định.
Không thể phủ nhận sự đổi thay đáng kể bộ mặt nông thôn kể từ khi có chương trình. Và cũng không thể phủ nhận sự biến chuyển tích cực ở những xã đạt chuẩn NTM. Ở đó, hệ thống điện- đường- trường- trạm khá đồng bộ, an sinh xã hội được bảo đảm. Đó là những kết quả rất tích cực.
Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng NTM cũng bộc lộ những bất cập, mà rõ nhất là việc huy động sức dân (sự đóng góp tiền bạc, ngày công), khiến cho người dân sống trong làng bức xúc. Gần đây, khi con số nợ trong xây dựng NTM được công khai, người ta thấy rằng chỉ vì chạy theo thành tích để được công nhận xã NTM, nên chính quyền xã ở nhiều địa phương trong cả nước đã làm khá... liều.
Đó là việc “khoán” cho người dân phải đóng góp, kêu gọi doanh nghiệp vào xây dựng cơ sở hạ tầng mà không tính đến chuyện lấy nguồn kinh phí ở đâu để thanh toán. Vì thế, với con số gần 15.000 tỉ đồng nợ trong xây dựng NTM thời gian qua, vấn đề đã trở nên không bình thường. Có những xã, nợ xây dựng NTM lên con số chục tỉ đồng. Xã được công nhận NTM rồi, làm lễ đón bằng công nhận rồi, gắn biển đạt chuẩn rồi..., nhưng người dân lại không vui. Ấy là bởi họ lo rằng số nợ của xã rồi đây rất có thể lại “bổ” vào đầu họ.
Xây dựng NTM là cần thiết vì không gian sống ở nông thôn thời hiện đại không thể thủng thẳng như cả trăm năm trước. Làng quê hôm nay phải chuyển mình, phải thay đổi. Áp lực đô thị hóa ngày càng trở nên mạnh mẽ đối với nông thôn theo kiểu “phố tiến về làng”. Vì thế, nông thôn không thể không thay đổi, phải mới.
Tuy bộ tiêu chí cần phải đạt đối với NTM là cần thiết và đúng đắn nhưng không phải xã nào, địa phương nào cũng có thể nhanh chóng đạt được, vì do nội lực còn yếu. Vấn đề ở đây là chính quyền xã, huyện, tỉnh theo từng cấp một phải nhìn rõ thực tế địa phương mình, từ đó chọn những tiêu chí nào cần thiết nhất để triển khai, chứ không phải là huy động sức dân quá đáng, “bung ra” làm quá nhiều việc cùng một lúc để nhanh nhanh được công nhận đạt chuẩn. Còn thì hệ lụy tính sau. Suy cho cùng, được công nhận xã NTM thực chất thì người dân trong làng được hưởng; còn bằng chỉ là hình thức thì cuối cùng người làng cũng lại phải chịu mà thôi.
Ở đây, cuối cùng thì vẫn phải quay lại thực chất chứ không chỉ danh hiệu. Có thể thấy rằng, nông thôn Việt Nam thời gian qua đã bộc lộ không ít vấn đề rất đáng quan ngại, cần phải được nhìn nhận khách quan từ đó nhanh chóng đưa ra cách tháo gỡ.
Không nhìn nhận, công nhận thực tế thì các giải pháp đưa ra cũng lại rơi vào hình thức. Đã có những nơi người nông dân trả lại ruộng, không làm ruộng nữa vì hộ gia đình đó không còn nhân lực cấy trồng, do con cháu lớn lên đã ly nông lẫn ly hương, bỏ làng ra phố. Vả lại, làm ruộng cũng không đem lại thu nhập khả dĩ cho cuộc sống của họ.
Có nơi người ta ngầm bán ruộng, “sang tay” phần ruộng của mình cho người khác, để rồi sau một thời gian tiền hết, lại trở thành người làm thuê trên chính thửa ruộng của mình. Làm nông phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết tự nhiên, ruộng lúa đang vào độ chín rất có thể trở nên tiêu điều chỉ vì một trận bão, một cơn lũ. Nay, làm nông còn chịu áp lực của thị trường khi mà giá nông sản phập phù, lên xuống vô chừng. Cho nên mới có cảnh được mùa - rớt giá, mới có việc nông dân “treo” ruộng, “treo” vườn, “treo chuồng”, “treo” ao.
Một vấn đề nữa cũng đã và đang diễn ra khiến nhiều làng mất đi vẻ tươi trẻ khỏe khoắn, mà trở nên đìu hiu. Đó là việc thanh niên và trung niên dời làng ra phố, tới các khu công nghiệp, các nhà máy kiếm việc làm.
Người ta không tìm được nguồn lợi cần thiết bảo đảm nhu cầu cuộc sống ngày một cao hơn nên đã bỏ làng ra đi, với cách đặt vấn đề dẫu sao vẫn thu nhập cao hơn ở làng. Người ta rủ nhau đi, để lại làng quê người già và trẻ nhỏ. Thấy cũng buồn.
Đời sống tinh thần của không ít ngôi làng cũng đang có vấn đề. Do người trẻ đi quá nhiều, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao cũng khó triển khai. Bây giờ rất khó kiếm ở xã có một đội văn nghệ hoạt động thường xuyên. Cũng không có những trận bóng đá, sân bóng chuyền mà người ta nườm nượp rủ nhau xem, tự hào làng mình, xã mình “là nhất”.
Đã vậy, lối sống đô thị len lỏi vào làng, trong khi người làng chưa đủ thời gian và nội lực để vừa tiếp nhận vừa từ chối. Nhiều làng cứ nửa tây nửa ta, cũng cách đối xử với nhau là một cái gì đó thật khó nói. Những bờ tường cây xanh giữa các nhà nay đã thay bằng tường gạch cao. Lối sống kín cổng cao tường đang thay cho tình làng nghĩa xóm, tối lửa tắt đèn có nhau. Một làng, một xã như vậy thì khó có thể gọi là NTM cho dù đạt được hầu hết các tiêu chí đặt ra đi chăng nữa.
Trở lại vấn đề nợ đọng trong quá trình xây dựng NTM. Cùng với căn bệnh thành tích của cán bộ lãnh đạo xã thì cũng thấy nổi lên một điều: đó là thiếu sự giám sát cần thiết. Việc huy động vốn, vay tiền để làm công trình là của lãnh đạo xã, nhưng vai trò giám sát cộng đồng rất mờ nhạt, từ đó cũng ít tiếng nói phản biện một cách thẳng thắn và cần thiết. Vậy nên mới có sự trượt dài, đến khi được công nhận NTM rồi nhìn lại mới toát mồ hôi vì nợ nần.
Nói như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cái gốc của NTM đời sống của người nông dân phải tốt hơn. Muốn làm gì thì làm, nói gì thì nói bản chất vấn đề vẫn là như thế. Khi mà xã nợ nần, dân làng phải đóng góp nhiều, thu nhập thấp, cuộc sống văn hóa tinh thần nghèo nàn thì cũng khó có thể nói đã đi đúng hướng. Người sống trong làng phải có được hạnh phúc trong chính làng mình, đó chính là đích đến cuối cùng vậy.
Chính quyền xã, huyện, tỉnh theo từng cấp một phải nhìn rõ thực tế địa phương mình, từ đó chọn những tiêu chí nào cần thiết, phù hợp để triển khai xây dựng nông thôn mới, chứ không phải là huy động sức dân quá đáng, “bung ra” làm quá nhiều việc cùng một lúc nhằm nhanh nhanh được công nhận đạt chuẩn. Hệ lụy tính sau. Suy cho cùng, cán bộ cố gắng để được công nhận xã NTM chỉ vì bệnh thành tích thì hậu quả cuối cùng vẫn là người dân gánh chịu. |