'Chuyện làng Nhô' ở Đắk Lắk-Bài 1: Hoán đổi giàu-nghèo

Nguyễn Tuấn Anh     (Còn nữa) 17/08/2016 10:48

Nhiều người dân thôn Thác Đá (xã Ea Kuêh, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) rất bất bình trước tình trạng không công bằng đến khó hiểu, khi mà một số hộ kinh tế khá giả lại có tên trong danh sách hộ cận nghèo. Còn một số hộ nghèo khó lại bị “nâng cấp” thành hộ cận nghèo. Như vậy, một số hộ nghiễm nhiên được hưởng chính sách của Nhà nước cho hộ nghèo, cận nghèo; trong khi đó những hộ nghèo thật lại bị cắt giảm chế độ hỗ trợ. Sự “hoán đổi” này được cho là lỗi của cán bộ thôn, đáng chú ý, không ít ngườ

'Chuyện làng Nhô' ở Đắk Lắk-Bài 1: Hoán đổi giàu-nghèo

Căn nhà xây kiên cố của hộ cận nghèo Nguyễn Trung Kha.

Ở thôn Thác Đá (xã Ea Kuêh, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) không ít nhiều gia đình quanh năm làm thuê cuốc mướn chỉ mong kiếm đủ cơm cháo qua ngày bỗng dưng chuyển từ hộ nghèo sang hộ cận nghèo để giảm bớt chế độ ưu tiên. Nhưng lại có những hộ mỗi năm thu nhập vài ba trăm triệu, nhà cửa xây cả tỷ bạc, con cái chạy xe tay ga xịn lại được những công bộc của thôn “hóa phép” cho làm hộ cận nghèo, hộ nghèo để hưởng chính sách ưu tiên. Chuyện đó của thôn Thác Đá được nhiều người dân nơi đây gọi với cái tên “Chuyện làng Nhô của ở Đắk Lắk”.

Nhà giàu thích sổ hộ nghèo

Thôn Thác Đá có 251 hộ (trong đó có 238 hộ thường trú) với 970 khẩu. Theo kết quả rà soát theo tiêu chuẩn nghèo đa chiều năm 2016 thì thôn có 52 hộ cận nghèo và 23 hộ nghèo.

Đây được xem là thôn có tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao nhất của xã Ea Kuêh, bởi theo ông Bùi Huy Hùng- Chủ tịch UBND xã Ea Kuêh cho biết, hiện toàn xã có 403 hộ nghèo và 181 hộ cận nghèo sinh sống tại 3 thôn và 8 buôn của xã. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều hộ dân thôn Thác Đá thì tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của thôn này là con số “ma”, bởi trong số những hộ nghèo và cận nghèo thì có những hộ thu nhập mỗi năm cả hàng trăm triệu đồng.

Theo tìm hiểu của PV, cụ thể như gia đình ông Nguyễn Trung Kha thuộc loại giàu nhất nhì thôn Thác Đá, vậy nhưng nhà ông vẫn được xã cấp cho sổ cận nghèo để dễ bề hưởng lợi. Mỗi năm từ 3 hecta cà phê, hồ tiêu gia đình ông Kha thu về hơn 200 triệu đồng.

Bên cạnh đó, chưa kể số thu nhập từ việc làm đậu phụ và chăn nuôi heo. Được biết, muốn vay vốn sinh viên và vốn hộ nghèo để làm ăn thì phải nằm trong danh sách hộ nghèo hoặc cận nghèo. Thế là hộ gia đình nhà ông bỗng nhiên được xã xác nhận cấp sổ cận nghèo. Không chỉ có ông Kha mà cả em trai ông là Nguyễn Trung Khả cũng thuộc hàng gia đình khá giả, nhưng do muốn nghèo như anh mình nên ông Khả cũng xin gia nhập hộ cận nghèo.

Hoặc như gia đình ông Lê Văn Trân có nhà xây uy nghi, đất đai phải thuê người làm, ngoài ra ông bà còn có thêm nghề cho vay tiền ăn chênh lệch thế nhưng cũng được thôn “bình xét” cho danh hiệu cận nghèo. Ngay cả ông Phạm Trần Trọng- Chi hội trưởng Chi hội Nông dân của thôn nhà có cả héc ta trồng cà phê xen tiêu, nuôi một đàn dê, mấy con bò vậy mà cũng cố xin cho được cái sổ cận nghèo vì... không muốn giàu.

Còn trường hợp ông Lê Trọng Lâm sinh năm 1982 có tiệm sửa xe máy to nhất thôn, TV, tủ lạnh cũng thuộc hạng đắt tiền nhất thôn, hai vợ chồng anh thấy người ta làm tiêu trúng cũng gom góp được cả mấy trăm triệu mua một hecta đất để trồng tiêu với mong muốn mau thoát nghèo. Thương hoàn cảnh hai vợ chồng trẻ, cán bộ thôn xếp cho vào diện hộ nghèo nhưng bị các hộ khác phản đối đành phải đưa vào diện cận nghèo.

Không chỉ giúp nhà giàu có sổ hộ nghèo, cận nghèo mà cán bộ thôn này còn ưu ái cấp sổ nghèo cho người nhà của nhau. Vì có mỗi quan hệ thân thuộc với gia đình Bí thư chi bộ thôn Đinh Văn Cương, ông Văn Đức Tuấn Trưởng thôn cũng đưa bà Đinh Thị Bình (SN 1955) chị gái Bí thư thôn vào danh sách hộ cận nghèo vì gia đình bà Bình “chỉ có” gần 3 héc ta rẫy trồng cà phê, tiêu, điều và căn nhà xây kiên cố cạnh mặt đường nhựa.

Cán bộ thôn còn tạo điều kiện cấp sổ hộ nghèo cho ông Đinh Văn Cói (sinh năm 1967) em trai ruột ông Cương vì ông này gần 18 năm nay thuộc diện “nghèo bền vững”. Ông Cói nghèo đến mức còn có tiền mua rẫy làm nhà bên huyện Ea Súp để phát triển kinh tế gia đình. Nhiều năm qua, nhờ vị thế làm cán bộ của ông anh trai mà ông Cói cất giữ sổ hộ nghèo mãi không chịu trả lại cho Nhà nước.

Đã nghèo lại bị thiệt thêm

Điều đáng buồn ở thôn Thác Đá này là nhiều hộ nghèo đến mức nhà cửa không có phải thưng tôn, dựng ván, mưa ngồi trong nhà phải mặc áo mưa, che ô thì lại được các cán bộ thôn cho thoát nghèo bền vững.

Bà Nguyễn Thị Tuyết (sinh năm 1974) bức xúc cho biết, gia đình bà 3 mẹ con côi cút, trước chỉ dựng mấy tấm tôn để ở, nhưng rồi do căn nhà xuống cấp phải vay mượn khắp nơi mới mua được cái nhà gỗ tạm dựng trên 5 sào đất cằn, từ trước đến năm 2015 lúc nào bình xét mẹ con bà cũng đứng đầu bảng là hộ nghèo.

Hiện 2 đứa con, 1 đứa học lớp 10, đứa sau học lớp 6 tiền lo cho các cháu ăn học đều do bà làm mướn mà có. Còn 5 sào đất sỏi chỉ trồng được một vụ ngô. Năm rồi hạn hán mất mùa chỉ thu được có 1 triệu đồng trong khi tiền giống, tiền phân bón phải nợ người ta gần 5 triệu đồng. Vậy mà cán bộ thôn đầu năm 2016 lại xóa tên gia đình bà khỏi hộ nghèo.

“Tôi hỏi thì mấy ông không giải thích. Bực quá tôi viết đơn đi kiện. Ông Tuấn thôn trưởng sợ, đến xin tôi không kiện nữa mới đồng ý đưa mẹ con tôi vào danh sách hộ nghèo”- bà Tuyết cho biết đồng thời nói thêm: “Tôi có muốn làm hộ nghèo đâu nhưng vì gia đình tôi giờ còn 2 đứa con nhỏ đang tuổi ăn, tuổi học. Có cái sổ hộ nghèo các cháu nó đi học cũng được Nhà nước hỗ trợ một phần, coi như tui cũng đỡ vất vả một chút. Vậy mà họ lại đem cho tui hết nghèo”.

Không chỉ gia đình bà Tuyết bị cắt hộ nghèo mà cụ Đặng Thị Hiền 78 tuổi, lưng còng, sức kiệt gần đất xa trời cũng được cán bộ thôn Thác Đá “nâng cấp” từ hộ nghèo chuyển lên hộ cận nghèo. Bà Hiền nói trong nước mắt: “Chú coi giúp tui chứ giờ tui già cả ri rồi, sức mô nữa mà mần nương rẫy. Bữa ni cả ngày chỉ ăn được 3 lưng đọi cơm ké với gia đình đứa cháu ngoại.

Từ năm 2001 vợ chồng tui vô đây đi ở nhờ ở đậu nhà người ta rồi mần thuê mần mướn khắp nơi, gom được chút tiền mua được 5 sào đất đồi sỏi đá. Năm 2012, chồng bị bệnh mất, thấy tui già cả bà con chòm xóm thương tình góp xây cho cái nhà mười mấy mét vuông. Từ khi vô đây năm 2001 đến 2015 gia đình tui thuộc hộ nghèo.

Rứa mà từ đầu năm 2016, các ông ấy tự ý cắt hộ nghèo chuyển tui lên hộ cận nghèo. Tui thấy vô lý nên lên xã hỏi thì ông chủ tịch Hùng nói do thôn báo danh sách lên chứ không phải do xã. Tui về nói mấy ông thôn mà mấy ông cứ để rứa không cho tui xuống lại hộ nghèo. Tui giờ già rồi sống được mấy hơi mô nữa, rứa mà họ không tạo điều kiện. Nếu có sổ hộ nghèo tui đi khám bệnh người ta còn ưu tiên cho thẻ bảo hiểm chứ giờ lên hộ cận nghèo thì đi khám cũng phải nộp tiền chú ạ”.

Còn ông Nguyễn Văn Nuôi, bị tai nạn năm 2005 liệt nửa người, chỉ nằm một chỗ. Gia đình chỉ có 3 sào đất trồng cà phê, thu nhập chỉ trông chờ vào việc làm thuê làm mướn của các con. Hiện các con của ông đứa con trai đầu bị bệnh tiểu đường, 2 đứa con trai sau không có nhà cửa, đất đai canh tác phải đi mượn nhà người ta ở trọ trong rẫy. Ông không có tiền để dựng chòi nên phải ở nhờ nhà con.

Từ năm 2006-2010 ông được xét thuộc hộ nghèo mỗi tháng được nhận trợ cấp người tàn tật 270.000 đồng. Nay sức khỏe ngày càng yếu, sống chết không biết ngày nào ông chỉ mong muốn thôn cho ông xuống hộ nghèo để mỗi tháng được hưởng thêm 90.000 ngàn từ trợ cấp người tàn tật.

Ông Nuôi cho biết: “Tui giờ bệnh tật ri không biết chết khi mô, nếu thôn nó xác nhận cho tui thuộc hộ nghèo thì tui đi khám bệnh họ còn hỗ trợ cho theo chính sách cửa Nhà nước, chứ giờ thôn lập danh sách xã ký cho hộ cận nghèo tui đi khám vừa mất quyền lợi vừa không được nhận trợ cấp thêm 90.000 đồng thì cũng tội cho tui quá”.

Trao đổi với PV, ông Bùi Huy Hùng- Chủ tịch UBND xã Ea Kuêh cho biết, đối với việc rà soát hộ nghèo do thôn thực hiện, còn xã chỉ giám sát và niêm yết danh sách nếu có đơn khiếu nại thì xã sẽ xuống rà soát lại và họp dân để lấy ý kiến công khai.

Dư luận đặt vấn đề, không biết ông Chủ tịch xã có giám sát hay không chứ cứ tin vào cán bộ thôn như thế thì chỉ có người dân chịu thiệt. Trong khi đó lại có một số người hưởng lợi từ chính sách Nhà nước mà đúng ra họ không có quyền được hưởng.

Nguyễn Tuấn Anh     (Còn nữa)