Khuyến khích người tiêu dùng lên tiếng
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã đi vào thực tiễn 5 năm nay, song, thực tế, số người tiêu dùng hiểu luật và biết sử dụng luật để bảo vệ quyền lợi bản thân vẫn là con số khiêm tốn.
Phần lớn người tiêu dùng vẫn chưa chủ động bảo vệ quyền lợi của mình.
Khảo sát mới nhất vừa được Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) công bố cho biết, chỉ khoảng 70% người tiêu dùng cho rằng đã từng được nghe hoặc biết đến Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Tuy nhiên, trong số này, không phải ai cũng biết tìm đến cơ quan chức năng “cầu cứu” khi quyền lợi của họ bị xâm phạm. Bằng chứng là, theo bà Phạm Quế Anh – Tổ chức hợp tác quốc tế Đức (GIZ), biết đến là một chuyện nhưng quan trọng là có khả năng thực hiện quyền đó trong thực tế hay không. “Qua kết quả công bố, có thể nói, người tiêu dùng mới nhận thức được chứ chưa biết làm thế nào để bảo vệ quyền của mình” – bà Quế Anh nhấn mạnh.
Cũng theo kết quả khảo sát của cơ quan Quản lý cạnh tranh, mặc dù số người tiêu dùng từng bị xâm phạm quyền lợi khá lớn (56%) nhưng rất ít người có ý định chủ động khiếu nại trực tiếp tới tổ chức, cá nhân kinh doanh, hoặc yêu cầu các cơ quan, tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hỗ trợ để dành lại quyền lợi cho mình. Theo đó, có tới 44% số người được hỏi chọn phương án “im lặng và bỏ qua sự việc”. Chỉ có 20% có ý định nhờ tới sự trợ giúp của cơ quan chắc năng. Và 36% thực hiện việc “khiếu nại đến tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ”.
Những con số nói trên tiếp tục minh chứng rằng, mặc dù đã có Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, song thực tế, người tiêu dùng vẫn chưa chủ động tìm hiểu rõ Luật và sử dụng Luật này như một “bảo bối” làm công cụ đấu tranh dành quyền lợi cho bản thân khi cần thiết.
Trong khi, hàng ngày, hàng giờ vẫn có nhiều vụ việc xâm hại quyền lợi người tiêu dùng đã và đang diễn ra. Như trường hợp của chị Nguyễn Thu Phương, ở phố Đội Cấn (Ba Đình, Hà Nội) là một ví dụ của việc bị tổ chức kinh doanh xâm hại quyền lợi.
Theo câu chuyện chị Thu Phương kể lại, chị đặt mua một chiếc túi da qua mạng, trên quảng cáo là túi da xịn. Và câu kết của lời quảng cáo còn nhấn mạnh thêm: “Cam kết hàng đúng như hình ảnh”. Tuy nhiên, theo chị Phương, khi nhận được hàng thì chiếc túi hoàn toàn không được như quảng cáo, nhưng vì không mất quá nhiều tiền nên chị Phương cũng không kiện cáo.
Theo chia sẻ của chị Phương, giờ khiếu kiện lại thì liệu mình có nhận được sản phẩm chất lượng hơn không hay chỉ mất thêm thời gian và công sức? Đây cũng là câu hỏi mà nhiều người tiêu dùng băn khoăn mỗi khi mua phải một món hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không đúng với cam kết của nhà sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, theo khuyến cáo của Cục Quản lý cạnh tranh, người tiêu dùng nên loại bỏ tư duy này và cần phải tìm đến cơ quan chức năng để có thể nhận được sự tư vấn hợp lý, tránh những thiệt hại không đáng có.
Theo bà Phạm Quế Anh, ngoài các lĩnh vực người tiêu dùng bị xâm phạm nhiều như hàng tiêu dùng, đồ ăn thức uống... gần đây nhiều ngành hàng như tài chính tín dụng, thương mại điện tử, dịch vụ công như: điện nước, bưu chính viễn thông, dịch vụ y tế… cũng gia tăng vi phạm, song đây là những ngành người tiêu dùng chưa có nhiều ý thức về quyền lợi của mình và cũng chưa được cơ quan chức năng đề cập. “Vì vậy, các cơ quan liên quan cần có thêm hoạt động, phương thức tuyên truyền đến từng lĩnh vực ngành hàng một cách chi tiết. Bên cạnh đó, cần áp dụng quy trình tiên tiến vào cơ chế giải quyết khiếu nại để những người nghèo, vùng sâu vùng xa yếu thế hơn có thể tiếp cận” – bà Quế Anh đề xuất.
Để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thời gian tới, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đề xuất cơ quan chức năng cần tuyên truyền Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đến tận địa phương, tới người tiêu dùng ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa thông qua nhiều hình thức. “Hơn nữa, phải tạo kênh trao đổi thông tin nhanh chóng, thuận tiện giúp mọi người dễ dàng tiếp cận thông tin. Tổng đài tư vấn hỗ trợ người tiêu dùng (1800-6338) nên được mở rộng hơn nữa để tiếp nhận và đáp ứng nhu cầu tư vấn thường xuyên cũng như lâu dài của người dân” – ông Hùng nhấn mạnh.