Vĩnh Linh, Quảng Trị: 10.000 ha rừng bị phá
Liên quan đến vụ việc 10.000 ha rừng lưu vực sông Bến Hải bị phá, ngày 16-8, PV Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị. Ông Đồng cho biết, đang chờ báo cáo đầy đủ từ cơ quan chức năng về vụ phá rừng rất nghiêm trọng vừa bị dư luận và cơ quan chức năng phát giác. Tỉnh Quảng Trị sẽ quyết liệt, nghiêm túc xử lý đến nơi đến chốn vụ việc.
Công an huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị báo cáo kết quả điều tra, truy quét tại rừng lưu vực sông Bến Hải . (Ảnh Bình Nguyên).
Rừng vô chủ?
Những ngày đầu tháng 8, chúng tôi tìm cách thâm nhập vào các cánh rừng thuộc quyền quản lý của BQLRBH ở xã Vĩnh Ô và Vĩnh Hà huyện Vĩnh Linh. Nếu như ở thị trấn Bến Quan, nhan nhản xe trâu và phương tiện cơ giới được “độ”, “chế” lại cho phù hợp với việc vận chuyển gỗ khai thác trái phép thì tại vị trí có tên gọi “18 vòng cua” (bản 4, xã Vĩnh Hà), chúng tôi bắt đầu chứng kiến cảnh vận chuyển gỗ nhộn nhịp từ 17h đến 20h mỗi ngày.
Tại đây 18 lối mòn được mở dẫn vào các cánh rừng lưu vực sông Bến Hải. Vi trí “18 vòng” cua cũng là nơi đóng chốt của lực lượng liên ngành nhưng theo người dân địa phương thì họ (lực lượng liên ngành) chỉ có mặt ở đây vài ngày trước khi báo chí vào cuộc và cơ quan chức năng tiến hành truy quét.
Có thể nói, rừng lưu vực sông Bến Hải liên tục gánh chịu hậu quả hủy diệt từ con người. Đầu tiên là từ những trận bom rải thảm và chất khai quang trong chiến tranh. Tiếp đến là sự tàn phá vô tội vạ vào các thập niên 80, 90 của thế kỷ trước. Rừng lưu vực sông Bến Hải vừa kịp hồi sinh từ 15 năm nay thì lại một lần nữa bị tàn phá không thương tiếc bởi lòng tham và buông lỏng quản lý.
Trước mắt chúng tôi là những gốc cây tươi rói còn tứa nhựa. Ngổn ngang đây đó là thân cành bị chặt hạ, phách gỗ được xẻ vuông vắn, cho thấy việc tổ chức khai thác gỗ trái phép diễn ra hàng ngày mà không hề có sự can thiệp của lực lượng được giao quản lý, bảo vệ rừng.
Từ phản ánh của báo chí và khẩn cầu đầy xót xa của người dân, lực lượng chức năng đã tiến hành truy quét. Tại ngã ba ngọn khe Xà Lờ (bản 4, xã Vĩnh Ô), lực lượng truy quét phát hiện 28 phách gỗ được tập kết chờ đưa ra khỏi rừng. Cách đó không xa là 14 cây gỗ vừa bị hạ.
Nhiều cây đã được cưa xẻ, đưa đi nơi khác. Còn sót lại hiện trường 6 phách gỗ hộp 3 lóng gỗ tròn. Ở khu vực giáp bản Cuôi (xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa) là điểm tập kết khác.
Nơi này còn lại 8 phách gỗ hộp. Cạnh đó là vạt rừng với 7 cây to bị chặt hạ. Theo kết quả kiểm tra hiện trường của cơ quan chức năng, cây rừng bị chặt hạ ở các khu vực rừng Vĩnh Ô, Vĩnh Hà có đường kính gốc từ 22 đến 36 cm, thuộc nhóm gỗ 5 và 6.
Đến ngày 11/8, tổng cộng có 80 m3 gỗ khai thác trái phép được công an huyện Vĩnh Linh và các đơn vị phối hợp phát hiện, đưa ra khỏi rừng phục vụ điều tra, xử lý trước sự “bất ngờ” của lãnh đạo BQLRBH.
Cán bộ quản lý tiếp tay phá rừng
Theo Đại tá Lê Phương Nam - Trưởng Công an huyện Vĩnh Linh tại cuộc họp báo cáo kết quả điều tra, truy quét vụ phá rừng nghiêm trọng ở xã Vĩnh Ô, Vĩnh Hà: Đã có sự móc ngoặc, tiếp tay của đối tượng xấu với những người được giao quản lý, tuần tra bảo vệ rừng.
Tại cuộc họp liên ngành do sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Quảng Trị chủ trì; Ông Khổng Trung - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Trị nói rằng, kiểm lâm biết rừng lưu vực sông Bến Hải bị phá từ lâu và đã cử cán bộ đi điều tra. Không chỉ nắm rõ rừng bị phá như thế nào mà kiểm lâm còn phát hiện, thu giữ 70 m3 gỗ khai thác, vận chuyển trái phép .
Ông Võ Văn Hưng - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm Vĩnh Linh, BQLRBH nhanh chóng khắc phục hậu quả, điều chuyển tất cả cán bộ, nhân viên trực tiếp làm nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ rừng trực, xác minh, kiểm điểm và xử lý kỷ luật nghiêm cán bộ vi phạm. Tích cực phối hợp với cơ quan công an làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật – trong trường hợp có dấu hiệu hình sự.
Ngày 16/8 trao đổi với Báo Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Ngọc Hùng, Phó giám đốc phụ trách BQLRBH thừa nhận, vụ phá rừng lưu vực sông Bến Hải vừa bị báo chí và cơ quan chức năng phát giác, là vụ phá rừng lớn nhất, nghiêm trọng nhất ở Quảng Trị từ trước đến nay.
Hiện tại, 2 cán bộ lãnh đạo Trạm Quản lý bảo vệ rừng Vĩnh Hà là ông Trần Quang Long (Trạm trưởng) và ông Nguyễn Anh Tuấn (Trạm phó) đã bị đình chỉ công tác. 4 cán bộ còn lại của trạm này cũng đang viết tường trình. Theo ông Hùng, đến thời điểm này đã có 10.000 ha (chủ yếu là rừng phục hồi) lưu vực sông Bến Hải bị phá.
BQLRBH được giao quản lý 21.715, 95 ha rừng lưu vực sông Bến Hải (với các hình thái rừng trồng, rừng tự nhiên, rừng phòng hộ) trải dài trên địa bàn xã Vĩnh Hà, Vĩnh Ô (huyện Vĩnh Linh) và tiếp giáp với các xã Hướng Lập, Hướng Sơn (huyện Hướng Hóa), Linh Thượng, (huyện Gio Linh) của tỉnh Quảng Trị. Phía Bắc lưu vực rừng sông Bến Hải là huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.
Theo Giám đốc BQLRBH Nguyễn Ngọc Hùng, nguyên nhân chính dẫn đến rừng bị phá là do lực lượng mỏng – chỉ có 17 người. Mặt khác, là do thiếu kinh phí. 20 năm trước, nhờ kinh phí bảo vệ và khoanh nuôi rừng tái sinh 200.000 đồng/ha/năm nên hàng năm đơn vị ký hợp đồng với 10 đến 15 hộ dân trong các xã, thường xuyên tuần tra, bảo vệ rừng.
Năm 2016 kinh phí không có nên không thể tiếp tục hợp đồng với các hộ dân, dẫn đến rừng bị phá. Nguyên nhận khác, theo ông Hùng, là xuất phát từ nhu cầu gỗ làm nhà của người dân. Họ (người dân) các xã lân cận đã dùng xe trâu, xe bò vào rừng kéo gỗ, không ngăn chặn được.
Tình trạng này âm ỉ từ lâu. Trong báo cáo gửi cấp trên, chúng tôi (BQLRBH) cũng đã báo cáo về tình trạng này, cụ thể là đã bắt giữ gần 106 m3 gỗ quy tròn, thu 1 xe trâu, 1 máy cưa. Ông Nguyễn Ngọc Hùng thừa nhận, để xảy ra tình trạng phá rừng lớn nhất từ trước đến nay ở Quảng Trị tại các xã Vĩnh Ô, Vĩnh Hà là do BQLRBH làm việc thiếu… khoa học!
Đình chỉ công tác 2 lãnh đạo Trạm Quản lý bảo vệ rừng Vĩnh Hà `Ngày 16/8 trao đổi với Báo Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Ngọc Hùng, Phó giám đốc phụ trách BQLRBH thừa nhận, vụ phá rừng lưu vực sông Bến Hải vừa bị báo chí và cơ quan chức năng phát giác, là vụ phá rừng lớn nhất, nghiêm trọng nhất ở Quảng Trị từ trước đến nay. Hiện tại, 2 cán bộ lãnh đạo Trạm Quản lý bảo vệ rừng Vĩnh Hà là ông Trần Quang Long (Trạm trưởng) và ông Nguyễn Anh Tuấn (Trạm phó) đã bị đình chỉ công tác. 4 cán bộ còn lại của trạm này cũng đang viết tường trình. Theo ông Hùng, đến thời điểm này đã có 10.000 ha (chủ yếu là rừng phục hồi) lưu vực sông Bến Hải bị phá. |