Thận trọng khi vay tiêu dùng để tránh lãi suất cao
Người vay lười đọc hợp đồng, thiếu kế hoạch tài chính dẫn đến bị động trong trả nợ sẽ có thể phải chịu các mức phí phạt trả chậm, lãi suất cao…
Ảnh minh họa.
Người tiêu dùng đang thiếu thông tin
Trong những năm gần đây, cho vay tiêu dùng đã phát triển nhanh, tốc độ tăng trưởng là 21% trong năm 2013 và 18% trong năm 2014. Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trong 7 năm qua tổng dư nợ cho vay tiêu dùng đã tăng trưởng trung bình gần 20%/năm (ước tính hiện có khoảng 15,8 triệu người là khách hàng tiềm năng của các công ty cung cấp tín dụng tiêu dùng).
Một con số thống kê khác từ một công ty tài chính có thị phần lớn ở Việt Nam cho biết: trong 6 tháng đầu năm doanh số cho vay tiêu dùng tăng 109% so với cùng kỳ, trong đó cho vay mua hàng điện tử điện máy đã tăng 154%, cho vay tiền mặt tăng 92%. Miếng bánh cho vay tiêu dùng thật sự vẫn rất màu mỡ.
Năm 2010, Quốc hội đã ban hành Luật các Tổ chức tín dụng. Tuy nhiên hiện nay pháp luật chưa có quy định riêng đối với cho vay tiêu dùng. Hoạt động dịch vụ tín dụng vay tiêu dùng đang siễn ra nhưng nhiều người tiêu dùng thiếu thông tin, thông tin không rõ ràng hoặc không tìm hiểu kỹ dẫn đến thua thiệt khi tham gia dịch vụ này.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Chủ tịch Hội tiêu chuẩn Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nói: “Theo quy định hiện hành, tổ chức tín dụng cho vay tiêu dùng phải đăng ký hơp đồng theo mẫu tuy nhiên trên thực tế việc chấp hành chưa nghiêm nên nhiều điều khoản trong hợp đồng không phù hợp pháp luật gây bất lợi cho người tiêu dùng”.
Ông Trịnh Anh Tuấn- Phó Cục trưởng Cục quản lý cạnh tranh cho biết, khiếu nại liên quan đến tín dụng tiêu dùng chiếm tới hơn 80% tổng số phản ánh, khiếu nại trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng nói chung.
Mặc dù giá trị các tranh chấp này không lớn, nhưng sự việc ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài chính, danh dự, sức khỏe của người tiêu dùng. Mặt khác, sự phát triển bền vững của thị trường tín dụng tiêu dùng cũng bị tác động tiêu cực.
Làm sao để khách hàng không bị động
Tại cuộc họp báo giới thiệu về chương trình vay chủ động, tư vấn kiến thức vay tiêu dùng cho người dân do công ty tài chính TNHH MTV Home Credit Việt Nam tổ chức sáng 16/8, Ông Bruce Allan Butler, Tổng Giám đốc Home Credit Việt Nam, nói, thách thức đối với cho vay tài chính tiêu dùng chính là người vay thiếu kinh nghiệm phân tích chi trả, kỹ năng quản lý tài chính cá nhân thiếu, kiến thức tài chính của đại bộ phận khách hàng vẫn chưa cao.
Nhiều khách hàng vẫn có thói quen không đọc hết các điều khoản trong hợp đồng, và tìm hiểu thông tin liên quan đến khoản vay của mình một cách không cẩn thận. Các chính sách cho vay như nhau với các khách hàng, nên khách hàng thường xuyên phản ánh lãi suất cao.
Theo lời khuyên của các chuyên gia, để người vay phải chịu lãi suất cao, giải pháp đầu tiên là nâng cao nhận thức và kiến thức của người tiêu dùng để “tiêu dùng thông minh và có trách nhiệm”.
Cùng với đó, các cơ quan chức năng phải có cảnh báo, công cụ tư vấn, hỗ trợ thông tin cho người tiêu dùng; Khuyến khích môi trường cạnh tranh lành mạnh trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng; Nâng cao trách nhiệm giám sát và quản lý của cơ quan chức năng đối với hoạt động cho vay tiêu dùng, đặc biệt là minh bạch hóa hoạt động cho vay tiêu dùng.
Để khai thác miếng bánh vay tiêu dùng, hiện nay, các công ty tài chính đang triển khai hàng loạt chương trình khuyến mãi, đến tận các siêu thị, cửa hàng để mời chào vay vốn, đáp ứng nhu cầu mua hàng tiêu dùng trả góp với điều kiện vay vô cũng dễ dãi, không cần tài sản thế chấp.
Theo cảnh báo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, người dân trước khi vay cần phải nghiên cứu kỹ hợp đồng, tránh tình trạng bút sa gà chết.