Khai quật khảo cổ di tích lăng mộ vua Trần Hiến Tông
UBND thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) vừa phối hợp với Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) và BQL Di tích và Danh thắng Quảng Ninh tổ chức khai quật khảo cổ di tích Lăng Ngải Sơn (Ngải Sơn lăng) - lăng mộ vua Trần Hiến Tông, tại xã An Sinh, thị xã Đông Triều.
Khu lăng tẩm của nhà Trần còn lại ở Đông Triều.
Vua Trần Hiến Tông là vua thứ 6 của nhà Trần, tên húy là Trần Vượng, con thứ của vua Trần Minh Tông. Ông sinh ngày 15/2 năm Kỷ Mùi (1319), năm 10 tuổi được vua cha Trần Minh Tông truyền ngôi, ở ngôi 13 năm, mất ngày 11/6 năm Tân Tỵ (1341), thọ 23 tuổi.
Về An lăng hiện cũng còn nhiều vấn đề chưa thống nhất, trong đó có vấn đề tên gọi và vị trí xây dựng của lăng.
Xung quanh khu lăng hiện còn lại rất nhiều di vật, trong đó đặc biệt phải kể đến là bộ tượng bằng đá, gồm: tượng quan hầu, tượng thú và rùa. Ngoài các tượng thú, tại An lăng còn có 2 tượng rùa đá của thời Trần, trong đó có một tượng rùa có kích thước rất lớn: dài 1,57m; rộng 0,94m, dày 0,34m, trên lưng rùa có một lỗ mộng lớn cho thấy rùa này cõng bia.
Năm 2002, lăng được xây lại như hình dáng hiện nay, việc tôn tạo không dựa trên những nghiên cứu đã khiến cho công trình hiện nay không phù hợp với diện mạo ban đầu của lăng.
Bộ VHTT&DL lưu ý, trong thời gian khai quật, các cơ quan được cấp giấy phép cần chú ý bảo vệ địa tầng của di tích; có trách nhiệm tuyên truyền cho nhân dân về việc bảo vệ di sản văn hóa ở địa phương, không công bố kết luận chính thức khi chưa có sự thỏa thuận của cơ quan chủ quản và Cục Di sản văn hóa.
Những hiện vật thu được trong quá trình khai quật phải được tạm nhập vào Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh để giữ gìn, bảo quản; Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh, Sở VHTT tỉnh Quảng Ninh có trách nhiệm tiếp nhận, quản lý và báo cáo Bộ trưởng Bộ VHTT&DL phương án bảo vệ và phát huy giá trị những hiện vật đó- chậm nhất 3 tháng sau đợt khai quật.
Đây cũng là lần thứ 2 Lăng Ngải Sơn được tổ chức khai quật khảo cổ. Lăng được khai quật lần đầu vào năm 2014. Để phục vụ cho việc khai quật, đoàn khai quật đã tổ chức mở 7 hố thám sát…
Việc tổ chức khai quật khảo cổ Ngải Sơn lăng lần thứ 2 này là cơ sở cung cấp đầy đủ những cứ liệu khoa học cho việc nghiên cứu, đánh giá vị trí, vai trò của di tích trong hệ thống các di tích nhà Trần tại Đông Triều. Từ đó tiến hành lập dự án đầu tư tu tổ, tôn tạo và phục hồi di tích trong thời gian tới.