Thơm ngát mùa báo hiếu
Trong hành trang bước vào sự sống, mẹ đã sinh ra con và những mùa lễ Vu Lan vừa trang trọng vừa gần gũi quê mình như dòng thơm ngọt mát hồn con.
Mùa Vu lan báo hiếu tại Thiền viện Sùng Phúc- Gia Lâm- Hà Nội. Ảnh: Phùng Anh Tuấn.
Mẹ ơi! Mùa Vu Lan lại về!
Xưa mẹ dạy con, mùa báo hiếu được tính từ những ngày đầu trung tuần đến Chính rằm tháng bảy theo âm lịch hằng năm.
Trong tâm thức của mỗi người dân Việt dù là bậc học giả hay nông phu đó là ngày tổ tiên, ngày của cả những linh hồn không nơi nương tựa được trở lại cõi trần nhận ân báo hiếu. Trong trí nhớ của con về những mùa Vu Lan xưa, đó là ngày giữa đất và trời, giữa người sống và những người đã khuất gặp nhau qua lễ vật và những dải khói được thắp lên bởi những nén tâm hương.
Bắt đầu sáng sớm tinh mơ của mùa lễ, khi lũ nhóc chúng con vẫn say ngủ thì mẹ và bà đã thức dậy. Ngoài đình làng, các cụ cao niên đã chờ ở đó. Nổi lửa lên, chõ xôi to, nồi cháo trắng, chỉ chốc lát đã bốc khói thơm. Cẩn trọng và lặng lẽ, ai vào việc nấy, mâm cỗ chay dâng Phật, mâm cỗ mặn dâng cúng Đức Thành hoàng khi mặt trời còn chưa thức dậy là lời thỉnh cầu thành tâm của làng xin được bước vào mùa báo hiếu sẽ kéo dài trong suốt những ngày lễ Vu Lan.
Trước cửa Chùa, Nội chắp tay ngước nhìn Đức Phật và dạy con về Lễ Vu Lan theo Phật thoại rằng: Tôn giả Mục Kiền Liên là một đệ tử xuất chúng của Đức Phật. Người có quyền pháp vô biên nhìn thấu “bốn phương tám hướng”. Nhân một lần dùng tuệ nhãn ngài thấy mẹ mình là bà Thanh Đề đang chịu cảnh tội đồ, gầy héo, khổ đau khôn xiết. Dù biết đó là quả của nghiệp ác do mẹ gây nên nhưng với lòng thương xót Ngài vẫn dùng phép của mình mang cơm dâng mẹ.
Bởi đói khát đã lâu, bà Thanh Đề khi nhận bát cơm lại cố ý che đi tránh không dành phần cho các cô hồn và bởi nghiệp ác còn nặng, bát cơm biến thành than lửa đỏ. Cảm thương với lời thỉnh cầu và cảm thương trước tấm lòng hiếu nghĩa của Mục Kiền Liên, Đức Phật đã chỉ cách để Mục Kiền Liên cứu mẹ.
Theo lời Phật dạy, đến ngày Rằm tháng Bẩy, Ngài Mục Kiền Liên lập bồn Vu Lan (chậu đựng đồ lễ cúng dàng) thỉnh mời Chư Tăng đến chú nguyện. Nhờ ơn ấy mà mẹ ngài Mục Kiền Liên được siêu thoát.
Các vong linh khác cũng nhờ phúc lành của Chư Tăng mà được cứu độ. Lễ Vu Lan từ ấy là ngày lễ để cháu con tín tâm cầu cho cha mẹ, ông bà, tổ tiên mình thoát khỏi cảnh tội đồ. Sau này, nương theo cửa Phật với tâm lành yêu thương nhân loại, độ thoát chúng sinh còn là ngày lễ báo hiếu với các anh hùng liệt sĩ, giải tội cho người đã khuất và cầu phúc cho những người còn sống.
Còn khi ấy chưa hiểu sâu xa điều Nội tâm nguyện nhưng con có thể thuộc lòng bài dạy theo Phật thoại. Bởi năm nào cũng vậy, Nội dường như không chỉ giảng Phật Thoại cốt gieo vào tâm hồn non nớt của con những điều nhân nghĩa. Có lẽ trên hết, Nội đang ôn lại những bài học về sự sống và cái chết khi được làm người.
Nhưng có những điều chắc chắn con còn nhớ rõ, ấy là, trước những ngày lễ trọng, nhà nào trên bàn thờ cũng chuẩn bị sẵn rất nhiều các bộ quần áo xanh đỏ rộn rã sắc màu. Ngoài từng bộ quần áo đầy đủ dâng cúng tổ tiên còn có cả những bộ quần áo chúng sinh dành cho những linh hồn không có chốn nương thân. Nội vẫn thường dạy con: Hàng năm, cứ vào mùa Vu Lan là tổ tiên sẽ được về thăm con cháu.
Cả những người lỡ làm việc sai quấy trên cõi trần khi chết đi bị đầy vào hỏa ngục cũng sẽ được tha bổng vào những ngày này. Nên phải chuẩn bị lễ vật để dành cho tổ tiên và cho tất cả chúng sinh. Cũng theo lời của Nội, chuẩn bị lễ thật sớm để tổ tiên có về với cháu con, nhìn bàn thờ trang trọng, ấm cúng sẽ đỡ chạnh lòng.
Bằng những lời dạy vừa lạ lẫm vừa mơ hồ ấy, con đã thấy niềm tin của Nội truyền sang con thật rõ ràng khi đi dọc con đường làng, ngắm những chiếc bồ đài lá mít uốn hình chiếc phễu. Những chiếc phễu như cái bát chiết yêu nhỏ xíu buộc vào những chiếc cọc tre đựng đầy cháo trắng trông thật giống bàn tay khum lại gợi sự nâng đỡ ấm áp. Trong ý nghĩ của Nội và các cụ già trong làng, thuở xưa, người chết đói rất nhiều nên để an ủi vong hồn họ thì đồ lễ càng nhiều càng tốt.
Lo các vong già yếu, trẻ nhỏ đến sau, lễ xá tội vong nhân bao giờ cũng được cúng làm nhiều đợt trong suốt mùa báo hiếu. Nhìn những gương mặt mãn nguyện của người già khi tíu tít chia lộc cho lũ nhóc, và nhìn những chiếc bồ đài xinh xinh đựng cháo men theo đường làng về từng ngõ nhỏ, con đã nhận được hạt mầm thiện từ ấy để vững bước về sau.
Con cũng còn nhớ như in lúc hoàng hôn đang dần ngả vào đêm khi ngước nhìn trời để nhận ra mặt trời thật giống như trái cam khổng lồ chín mọng treo lơ lửng. Có cảm giác như chỉ cần chạm nhẹ tay vào là trái cam ấy rụng xuống vỡ òa, cái ranh giới giữa trời và đất sẽ tan biến trong màu cam sậm đỏ. Cúi mặt nhìn dòng sông lúc ấy con đã thấy một dòng sông sóng sánh như rót mật. Dường như Đất và trời cũng nghiêng lòng thương cả chúng sinh.
Lặng lẽ đi ngược dòng sông, con bất ngờ chạm phải những đài hoa nho nhỏ và những lễ vật cầu hồn được thả trong ngày lễ trọng. Những lễ vật này, theo phong tục tự xa xưa, được thả xuống sông để gọi và bắc cầu cho những linh hồn chết đuối lên bờ. Trong làn khói hương mơ hồ như rồng rắn nhau cuộn về trời, tâm hồn nhạy cảm của con chợt thức tỉnh một điều linh diệu: Đấy chính là khoảnh khắc cần lắng lại để mỗi người đều có thể nhận ra dường như ẩn sau đất đai và cây cỏ còn có những linh hồn và nghĩa tri ân như sợi dây vô hình nối gần hơn giữa đất với trời, giữa người sống và những người đã khuất…
Thưa mẹ!
Trong hành trang bước vào sự sống, mẹ đã sinh ra con và những mùa lễ Vu Lan vừa trang trọng vừa gần gũi quê mình như dòng thơm ngọt mát hồn con. Con đã hay từ ấy, ân tổ tiên cha mẹ như dòng hương tinh khiết. Con sẽ lạc đường khi không biết bài học đầu tiên làm người là ghi nhớ công ơn.
Thưa mẹ kính yêu!
Mỗi mùa Vu Lan, những dòng hương từ triệu triệu tâm thành sẽ nương về bắc cầu để Phật đài thơm ngát nghĩa tri ân! Để cho khắp nhân gian trên cánh đồng hạt phúc sẽ nảy mầm…