Philippines: Người chết la liệt trên đường phố, 'Kẻ trừng phạt' gặp rắc rối
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, người được mệnh danh là “Kẻ trừng phạt” đối với giới tội phạm của nước này, đã công bố thêm một danh sách hàng loạt các quan chức có dính líu tới buôn bán ma túy, trong bối cảnh ông đang có nguy cơ phải đứng trước một tòa án quốc tế vì chiến dịch mạnh tay của mình.
Tổng thống Rodrigo Duterte đang agwpj rắc rối vì chiến dịch
trấn áp tội phạm quá mạnh tay của mình. (Nguồn: PhilStar).
Tổng thống Dutertes cho hay ông sẽ công bố danh sách những cái tên của “quan chức ngành cảnh sát, chính trị gia và công tố viên”, những người có mối quan hệ với hoạt động buôn bán ma túy trái phép, người đứng đầu lực lượng cảnh sát quốc gia, ông Ronald Dela Rosa hôm 17/8 cho hay.
Ông Dela Rosa cũng cho biết thêm, Tổng thống Duterte là người duy nhất biết được khi nào thì danh sách này được công bố, hay có bao nhiêu cái tên trong đó. “Dù chúng là các trùm buôn bán ma túy hay những kẻ tiếp tay cho bọn chúng”, ông Dela Rosa nói.
Được biết, danh sách này được tạo nên dựa vào các báo cáo tình báo của các đơn vị tình báo thuộc cảnh sát quốc gia Philippines, cơ quan phòng chống ma túy và quân đội. Ông Duterte, người đã nhậm chức Tổng thống vào cuối tháng Sau vừa qua, từng thề sẽ quét sạch tội phạm ở quốc gia Đông nam Á này.
Kể từ đó, chính quyền của Tổng thống Duterte luôn coi ma túy là mối đe dọa “số một” đối với an ninh quốc gia.
Hồi đầu tháng này, ông Duterte từng công bố một danh sách gồm 150 tên các quan chức mà ông nói rằng có liên hệ mật thiết với hoạt động buôn bán ma túy trái phép. Cũng vì điều này mà ông Duterte bị chỉ trích vì đã vi phạm nguyên tắc trong tố tụng vì đưa ra suy luận mà chưa thông qua xét xử hay điều tra.
Trong khi đó, ông Dela Rosa cho rằng dù vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội (một nghi phạm vẫn còn vô tội cho đến khi được chứng minh là có tội), nhưng Tổng thống Duterte vẫn cảm thấy trách nhiệm của mình là phải thông báo trước công chúng danh tính của các bị quan chức tha hóa.
Kế hoạch mới trong chiến dịch thanh trừng tội phạm mạnh tay chưa từng có của Tổng thống Duterte thậm chí còn gây tranh cãi hơn khi danh sách quan chức dính líu tới ma túy của ông còn có tên của một vị thẩm phán đã qua đời cách đây 8 năm nhưng lại vẫn bị đọc tên trên một buổi phát biểu được truyền hình trực tiếp của ông trong tháng này.
Vô vàn chỉ trích
Sự việc xảy ra giữa lúc mà các tổ chức nhân quyền quốc tế đang lên án mạnh mẽ chính quyền của ông Duterte vì cách trấn áp tội phạm đẫm máu của ông, và cho rằng các biện pháp mạnh tay này đã gây nên cái chết của hàng trăm người trong khi họ vẫn chưa được đem ra xét xử.
Danh sách có tên “Kill List” của tờ nhật báo Daily Inquirer của Philippines, một trong những tờ báo ghi nhận chính xác nhất con số người chết vì có liên quan tới ma túy, cho thấy có khoảng 693 nghi phạm ma túy đã bị giết chết trong khoảng thời gian từ 30/6, tức ngày ông Duterte nhậm chức, đến 15/8.
Bản thân ông Dela Rosa cũng dự kiến sẽ phải tham dự một buổi chất vấn trước Thượng viện của nước này trong tuần tới về các vụ giết hại trên đường phố. Ông từng nói rằng đã có 600 người bị tiêu diệt bởi cảnh sát trong khoảng thời gian diễn ra “chiến dịch bài trừ ma túy hợp pháp”.
Hàng trăm nghìn người sử dụng loại chất cấm này ở Philippines cũng đã ra đầu thú trước pháp luật chiếu theo một chính sách bất thành văn mà ông Dela Rosa áp dụng trên toàn quốc. Giới phê bình cho rằng chiến dịch trấn áp tội phạm này đã cố tình phớt lờ quyền tự do dân sự của những người ra tự thú, và dường như nó đang nhằm vào những người dân nghèo ở Philippines.
Trong lúc đang đối mặt với làn sóng chỉ trích, Tổng thống Duterte cũng phải đối mặt với nguy cơ phải đứng trước một tòa án quốc tế vì chiến dịch của mình. Dù vậy, trong hôm 17/8, ông vẫn tuyên bố rằng chính phủ của ông sẵn sàng đối mặt với bất cứ cuộc thẩm vấn nào liên quan tới các chết của hàng trăm nghi phạm ma túy.
“Chúng tôi sẵn sàng tham gia vào bất kỳ cuộc điều tra nào” - Tổng thống Duterte nói trước văn phòng cảnh sát quốc gia, thêm rằng một số vụ giết hại được thực hiện bởi các băng đảng chứ không phải cảnh sát - “Cuộc chiến chống ma túy sẽ tiếp diễn cho đến khi chúng ta hủy diệt được bộ máy đang vận hành toàn bộ quốc gia này”.
Thượng nghị sỹ Leila de Lima, người đứng đầu một ủy ban về luật pháp và nhân quyền của Thượng viện Philippines, sẽ mở một phiên điều trần trong tuần tới liên quan tới các vụ giết hại nghi phạm ma túy trên đường phố, trong đó các quan chức chống tội phạm ma túy và công an được triệu tập.