ĐBSCL 'rối loạn' nguồn nhân lực y tế
1. Năm 2008 khu vực ĐBSCL bị xếp là vùng có tỷ lệ bác sĩ/ 1 vạn dân thấp nhất cả nước với 4,26 bác sĩ và 0,22 dược sĩ. Nhờ những nổ lực cố gắng mà đến năm 2015, tỷ lệ bác sĩ /1 vạn đã lên được 6,35 bác sĩ và dược sĩ là 1,39 /vạn dân. Tuy nhiên số bác sĩ, dược sĩ này vẫn chưa đáp ứng nhu cầu, nhất là thiếu ở tuyến y tế cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
Khu vực vùng sâu, vùng xa thiếu bác sĩ về làm việc.
Điều mà các địa phương lo lắng là 5 chuyên ngành hiếm gồm (Giải phẫu bệnh, Lao, Phong, Pháp y, Tâm thần) đang bị thiếu trầm trọng. Trong khi lực lượng phục vụ cho ngành này lại đang đến tuổi nghỉ hưu mà chưa có lực lượng kế thừa. Hiện nay 13 tỉnh thành ĐBSCL đều có 13 Trung tâm pháp y, nhưng chỉ có 4 bác sĩ chuyên ngành Pháp y, còn lại là bác sĩ chuyên khoa khác. Mặc dù 8 bệnh viện Lao và bệnh phổi ở các tỉnh đi vào hoạt động từ lâu nhưng số bác sĩ chuyên ngành rất ít, nhiều tỉnh chỉ từ 1 đến 5 bác sĩ. Đặc biệt tỉnh Kiên Giang vẫn chưa có bác sĩ chuyên ngành Lao. Có 5 tỉnh không có bác sĩ chuyên ngành giải phẫu bệnh để phục vụ cho khoa Ung bướu của bệnh viện tỉnh.
“Nhiều năm qua chúng tôi đã dùng đủ cách nhưng sinh viên ngành y vẫn không mặn mà theo học các chuyên ngành hiếm. Hiện sở đang kiến nghị HĐND hỗ trợ học phí cho các em theo học ngành này, đồng thời hạ điểm để khuyến khích, thu hút sinh viên” - Bà Cao Thị Minh Phượng, Giám đốc Sở Y tế Trà Vinh chia sẻ.
Còn ở Bạc Liêu nhân lực ngành y đào tạo theo địa chỉ từ 2009 đến nay có 12 bác sĩ ra trường, 3 bác sĩ loại giỏi. Trong khi nhu cầu của tỉnh cần tới 25 đến 30 bác sĩ chuyên khoa lao thì chỉ có 5 bác sĩ. Khoa Tâm Thần chỉ có 2 bác sĩ, trong khi đó năm sau về hưu 1 người. Ngoài ra một số ngành khác như da liễu, giải phẫu bệnh, y tế công cộng... cũng rất “khát” bác sĩ.
2. Mới đây trong hội nghị về đào tạo nguồn nhân lực y tế cho vùng ĐBSCL, hầu hết các tỉnh, thành đều đề nghị đào tạo thêm chỉ tiêu bác sĩ cho các địa phương. Tuy nhiên có một thực tế, các địa phương phản ánh đó là tình trạng “chảy máu” chất xám khi thời gian gần đây, nhiều bác sĩ bỏ bệnh viện công sang phục vụ bệnh viện tư. Nhiều tỉnh thành phản ánh, hầu hết các sinh viên ngành y sau khi được đưa đi đào tạo về đều không muốn phục vụ cho tỉnh, tìm cách này cách khác để đi.
Về điều này, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch tỉnh An Giang cho biết: An Giang không dám trông gì các ở em đậu đại học y dược chính quy ở TP HCM hay Cần Thơ sau khi tốt nghiệp trở về quê hương phục vụ. Thời gian qua địa phương chỉ trông vào các em được đi học theo địa chỉ trở về. “Đáng lo hơn, từ đầu năm tới nay An Giang có khoảng 20 bác sĩ rời khỏi bệnh viện công đến làm việc cho bệnh viện tư, đây là vấn đề rất nhức nhối mà tỉnh chưa có cách xử lý” – ông Bình cho biết thêm.
Theo ông Từ Quốc Tuấn - Giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang: Thu nhập ở bệnh viện công chỉ khoảng 8 triệu đồng/tháng, trong khi ra bệnh viện tư thì thu nhập cao hơn nhiều nên một số bác sĩ sẵn sàng rời khỏi bệnh viện công. Có một số trường hợp bác sĩ xin nghỉ, tỉnh đã trì hoãn nhưng họ vẫn nhất quyết ra đi, thậm chí tại tỉnh có 3 trường hợp sẵn sàng bồi thường kinh phí đào tạo để ra đi.
3. Hiện rất nhiều bệnh viện tư đang tìm mọi cách để lôi kéo các bác sĩ ở bệnh viện công về làm việc. Ở Bạc Liêu, có một số bác sĩ được tỉnh đưa đi đào tạo theo địa chỉ sử dụng, nhưng khi về làm việc được một hai năm lại bỏ qua bệnh viện tư. “Thậm chí, những bệnh viện tư này còn cho bác sĩ mượn tiền để hoàn trả tiền đào tạo cho tỉnh” - ông Vương Phương Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết.
Theo ông Nam, chỉ mấy tháng từ đầu năm đến nay ở Bạc Liêu có đến 14 bác sĩ bỏ bệnh viện Nhà nước qua bệnh viện tư làm. Ngành y tế Bạc Liêu đang rất đau đầu về việc này. Bác sĩ lành nghề thì xin nghỉ việc. Còn bác sĩ ở các ngành hiếm đã được giao chỉ tiêu thì không vận động được họ vào học. Tôi nghĩ thời gian tới nếu không có cơ chế hay chính sách đặc thù thì ngành y khó hoàn thành nhiệm vụ, rồi việc khám chữa bệnh sẽ như thế nào, nhất là các bệnh hiếm…
Ông Lê Hùng Dũng, Phó ban chỉ đạo Tây Nam bộ cho rằng: “Thiếu bác sĩ thì phải đào tạo và phải đào tạo lâu dài nhưng phải gắn liền với chất lượng. Chất lượng đào tạo là yếu tố sống còn của ngành y vì liên quan đến sức khỏe con người. Bên cạnh đó, phải quan tâm đến môi trường làm việc, điều kiện làm việc. Phải có chế độ đãi ngộ tương xứng mới mong giữ chân họ.