Khảo sát nhu cầu thị trường để đào tạo đúng hướng

Phương Linh (ghi) 18/08/2016 11:10

Ngày 17/8, tại Hà Nội, Bộ LĐ - TB&XH và Tổng cục Thống kê đã tổ chức Tọa đàm Công bố “Bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam – số 10, quý II/2016”.

Theo Bản tin, trong quý II/2016 cả nước có 1.088.700 nghìn người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp. So với quý I/2016, số người thất nghiệp tăng 16,4 nghìn người và tỉ lệ thất nghiệp tăng 0,04 điểm phần trăm, đạt 2,29%. Người có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp, đại học trở lên có tỉ lệ thất nghiệp cao nhất, tương ứng là 6,6% và 4,0%.

Người lao động thiếu việc làm giảm mạnh cả số lượng và tỉ lệ (1,41 triệu người, chiếm 1,55%). Số giờ làm việc bình quân 1 tuần của lao động thiếu việc làm là 26,45 giờ, giảm 1,58 giờ so với quý I/2016, chỉ bằng 55,5% tổng số giờ làm việc bình quân của lao động cả nước (47,69 giờ/tuần).

Xung quanh vấn đề này, ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐ - TB&XH chia sẻ: Để giảm được số người thất nghiệp, nhất là những người có chuyên môn kĩ thuật cao phải làm tốt công việc đào tạo theo đúng nhu cầu thị trường. Mà muốn đào tạo đúng, trước hết phải làm tốt công việc khảo sát.

Thưa Thứ trưởng, tình hình thất nghiệp trong quý II/2016 so với qúy I vẫn đang có chiều hướng tăng. Có phải do việc đào tạo ngành nghề của chúng ta đã không đúng theo nhu cầu của thị trường?

Khảo sát nhu cầu thị trường để đào tạo đúng hướng

Ông Doãn Mậu Diệp: Sắp xếp lao động đòi hỏi liên quan đến dự báo, thu thập thông tin diễn biến thị trường. Việc này nhiều năm nay rồi chúng ta làm chưa tốt. Chúng ta có thể song song phát triển các chương trình giáo dục đào tạo dạy nghề, đầu tư kinh phí cho dự báo các ngành nghề, xem nhu cầu thị trường lao động như thế nào, nhưng vẫn chưa làm tốt được.

Chúng ta có thể bỏ 2 nghìn tỉ đồng lo việc đào tạo, thì lẽ ra cũng nên bỏ ra khoảng 2 tỉ đồng để làm việc khảo sát nhằm đào tạo đúng hướng. Như thế mới cảnh báo được ngành nghề nào có nguy cơ thừa lao động, giúp người lao động có thể chọn ngành nghề nào để học, sau này đảm bảo có thể có việc làm. Nhưng bản thân thị trường lao động cũng liên tục biến động, bởi vì việc khảo sát phải đảm bảo thường xuyên. Để đảm bảo tiền nhà nước, doanh nghiệp, gia đình bỏ ra cho người học không lãng phí thì nên thường xuyên có khảo sát. Trong 5 năm tới, Bộ LĐ,TB&XH sẽ phối hợp để làm việc này.

Điều tra về việc làm thì Tổng cục Thống kê vẫn thực hiện hàng quý, nhưng khảo sát nhu cầu thị trường thực sự, dự báo tương đối chính xác về triển vọng từng ngành, để cảnh báo nguy cơ lao động nghành nghề nào có thể thừa, thì việc này phải dự báo trong 1 năm, hoặc hơn. Bởi vì tính chu kỳ đào tạo sơ cấp 1 năm, trung cấp 2 năm, cao đẳng 3 năm, đại học 4 năm như thế thì phải dự báo ít nhất trong vòng 3-4 năm. Thường các nước như Úc hay New Zealand họ có dự báo ngắn hạn 3 năm, và thường xuyên cập nhật dự báo.

Trong thị trường lao động hiện đại như bây giờ thì không phải cứ học xong 1 ngành rồi sau đó có việc làm suốt đời được. Nghị quyết số 29 chỉ rõ phải lấy sự chấp nhận của thị trường làm thước đo hiệu quả của các ngành đào tạo.

Thứ hai, xung quanh câu chuyện thất nghiệp của học sinh, sinh viên, đặc biệt là số cử nhân, thạc sĩ… cái này chúng tôi vẫn nói là cần sự góp sức của nhiều ngành. Dự báo ra làm sao, thay đổi nhận thức của thanh niên trước ngưỡng cửa vào giáo dục chuyên nghiệp, đại học hay cao đẳng, trước hết cần nhận thức đúng. Sau đó là có những dự báo để đổi mới các gói giáo dục đào tạo, nhu cầu thị trường như thế này thì số lượng đào tạo cũng chỉ nên như thế thôi.

Chúng ta cần có đoàn tham gia khảo sát để xem nguyên nhân tại sao thất nghiệp và để cảnh báo thanh niên. Nhưng các cơ quan nhà nước cần khảo sát, không phải số thất nghiệp hiện tại mà tương lai anh vào thị trường lao động như thế nào, nhu cầu như thế nào để dự báo, cũng như giới hạn công tác giáo dục đào tạo.

Ngay cả khảo sát thị trường, nhu cầu thị trường, trình độ kĩ năng cần đào tạo, trình độ ngoại ngữ, kĩ năng mềm như thế nào cũng rất cần thiết, để thay đổi nội dung chương trình đào tạo.

Được biết, mới đây Ban Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã có văn bản đề xuất Bộ LĐ,TB&XH đồng ý chủ trương để đơn vị này chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan của Bộ LĐ,TB&XH, Bộ GD&ĐT, Tổng cục Thống kê tổ chức khảo sát, thống kê thất nghiệp của các cử nhân làm cơ sở để xây dựng và triển khai các giải pháp khắc phục tình trạng này. Tại sao Bộ chủ quản không trực tiếp đứng ra chủ trì, thưa Thứ trưởng?

- Đoàn là tổ chức tập hợp thanh niên, học sinh, sinh viên, có thể sẽ khảo sát sau đó phối hợp với Bộ bàn cách giải quyết tình trạng này. Nghĩa là chúng ta cần sự chung tay góp sức. Cũng có thể qua quá trình khảo sát như vậy, các cán bộ của Bộ sẽ tham gia cùng để đảm bảo khảo sát thường xuyên, đưa ra lời giải đáp ứng được câu hỏi mà hiện nay cơ quan nhà nước cần để giải quyết tồn đọng đó.

Hiện nay có một số ngành nghề như ngành nghề kế toán… có thể nói đang rơi vào tình trạng “khủng hoảng”. Chúng ta cần nhìn nhận thực trạng này như thế nào?

- Không chỉ riêng ngành kế toán mà rất nhiều ngành nghề khác hiện nay đang khủng hoảng, ví dụ như ngành sư phạm.

Xin trân trọng cám ơn Thứ trưởng!

Phương Linh (ghi)