Xét xử vụ Phạm Công Danh và đồng phạm: Kêu oan vì 'chỉ làm theo chỉ đạo'

Lê Anh 18/08/2016 22:59

Cho rằng các thuộc cấp của bị cáo Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng Việt Nam – VNCB) tại VNCB và Tập đoàn Thiên Thanh (cũng do bị cáo này làm Tổng Giám đốc) chỉ thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật theo chỉ đạo của cấp trên, nhiều luật sư bào chữa đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo, thậm chí xin một số bị cáo được hưởng án treo…

Xét xử vụ Phạm Công Danh và đồng phạm: Kêu oan vì 'chỉ làm theo chỉ đạo'

Các phiên tranh luận giữa đại diện luật sư bào chữa cho các bị cáo thu hút sự theo dõi của nhiều người tại tòa.

Ngày 18/8, tại TP HCM, phiên tòa xét xử Phạm Công Danh và đồng phạm tiếp tục phần tham gia tranh tụng của các luật sư. Cụ thể, tham gia bào chữa tại tòa, Luật sư Nguyễn Minh Tâm bảo vệ quyền và lợi ích cho bị cáo Phạm Việt Thép, nguyên Giám đốc Công ty An Phát. An Phát là công ty con do Danh lập ra, sau đó đưa Phạm Việt Thép về làm giám đốc để hợp thức hóa việc lập hồ sơ khống nhằm rút tiền từ VNCB.

Tuy nhiên, Luật sư Tâm cho rằng, Thép chỉ là nhân viên một chi nhánh của VNCB mà bị cáo Phạm Công Danh cũng là lãnh đạo tại đó nên bị cáo Thép chỉ làm theo chỉ đạo của bị cáo Danh.

Theo Luật sư bào chữa cho bị cáo này, các bút lục lời khai và qua xét hỏi tại tòa đã cho thấy bị cáo Thép chĩ làm giám đốc đại diện pháp luật trên giấy tờ, còn thực chất Công ty không có nhân viên, cũng không hoạt động. Trong khi đó, việc bị cáo đứng ra ký hợp đồng nâng cấp hệ thống CoreBanking và nhận hơn 63 tỷ đồng, sau đó lại ký séc chuyển số tiền này từ Công ty An Phát sang cho Phạm Công Danh.

Thực chất, bị cáo Danh sử dụng khoản tiền này như thế nào thì chính bị cáo Thép cũng không biết. Ngoài ra, bị cáo Thép chỉ nhận khoản lương hàng tháng là 5 triệu đồng và không nhận bất cứ khoản tiền nào khác. Khi biết việc mình làm có thể sai quy định, bị cáo Thép đã chủ động chuyển quyền điều hành An Phát cho người khác và xin thôi việc.

“Chúng tôi cho rằng, thân chủ của mình, cũng như nhiều bị cáo khác khi thực hiện chỉ đạo của Phạm Công Danh đã không ý thức được hậu quả xảy ra là có thể VNCB bị thất thoát tiền, vì nếu hiểu biết đầy đủ thì chắc chắn không ai dám làm”, vị luật sư bào chữa nói, đồng thời đề nghị HĐXX xem xét lại tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước” và xem xét cho bị cáo Thép được miễn trách nhiệm dân sự liên đới bồi thường thiệt hại, mà cho bị cáo Thép được hưởng án treo.

Luật sư Nguyễn Thị Quế (bào chữa cho bị cáo Lê Công Thảo, nguyên Giám đốc Trung tâm CNTT của VNCB) cũng kêu oan cho bị cáo Thảo khi bị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng”. Cáo trạng cáo buộc bị cáo Thảo đã ký 2 phiếu tạm ứng tiền nâng cấp Corebanking và ký tờ trình đề án nâng cấp.

Tuy nhiên, Luật sư Quế cho rằng, việc Thảo ký đề án nâng cấp CoreBanking đã thông qua Hội đồng Cổ đông và bị cáo Thảo chỉ thực hiện theo chức trách của mình là ký 2 giấy tạm ứng và tờ trình lập đề án. Do đó, không có cơ sở để xử lý bị cáo Thảo trách nhiệm hình sự và đề nghị HĐXX xem xét lời kêu oan của bị cáo Thảo.

Bào chữa cho bị cáo Mai Hữu Khương, nguyên Giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn về 2 tội danh “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Vi phạm các quy định cho vay trong các tổ chức tín dụng” (Viện KSND đề nghị mức án từ 22-24 năm tù), Luật sư Nguyễn Tấn Thanh cho rằng, bị cáo Khương khi tham gia đề án CoreBanking và soạn hợp đồng nhưng hoàn toàn không tư lợi riêng. Việc bị cáo này có trách nhiệm trong việc phát hành 2.500 trái phiếu có giá trị 900 tỷ đồng là chỉ ở vai trò cung cấp thông tin cho đối tác theo yêu cầu của lãnh đạo, nên vai trò trong việc này là rất mờ nhạt.

Bị cáo Khương cũng không liên quan đến việc sử dụng số tiền vay 300 tỷ đồng của bà Trần Ngọc Bích. Tuy nhiên, luật sư Thanh thừa nhận việc Khương cho nhóm của bà Trần Ngọc Bích vay 300 tỷ đồng là có thật, có hợp đồng và đã được chứng minh.

Lê Anh