Cái thời cách mạng sôi nổi ấy

Minh Phúc 19/08/2016 06:24

Trong những ngày kỷ niệm 71 năm Cách mạng tháng 8 (19/8/1945- 19/8/2016), chúng tôi cùng cụ Tạ Đăng Thứ, 95 tuổi, thôn Thu Quế, xã Song Phượng, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội- người đi đầu trong phong trào cách mạng ở đất Đan Phượng và cũng là người có nhiều gắn bó với báo Cứu Quốc- tiền thân của báo Đại Đoàn Kết nhớ lại một thời cách mạng sôi nổi.

Cái thời cách mạng sôi nổi ấy

Cụ Tạ Đăng Thứ kể về những ngày tham gia cách mạng Tháng Tám.

Tháng 8, tiết trời Hà Nội đã vào thu, cụ Thứ nhẩn nha với ấm nước chè rồi bắt đầu nhớ lại những tháng ngày hoạt động cách mạng Tháng Tám sôi nổi trên đất Song Phượng cách đây hơn 70 năm.

Bấy giờ, những năm 1940, có thầy giáo Huy về làng vừa dạy học vừa nằm vùng hoạt động cách mạng. Anh thanh niên Tạ Đăng Thứ thường xuyên đứng ngoài cửa lớp, nghe thầy Huy giảng bài. Lâu ngày những tiết giảng về đạo lí làm người và con đường cách mạng vô tình ngấm vào huyết quản của thanh niên Tạ Đăng Thứ, đưa anh đến với cách mạng như một tất yếu.

Được giác ngộ lí tưởng, sẵn nhiệt huyết chàng trai Tạ Đăng Thứ cùng các anh em trong thôn như Tạ Đăng Tăng, Tạ Văn Nhất, Nguyễn Văn Chuông, Bùi Văn Phương (người còn, người mất) làm lễ tuyên thệ sau đó họp tại thôn thành lập Nhóm Nông dân cứu quốc đầu tiên tại Song Phượng. Cụ Thứ nhớ lại, tôi tham gia vào Mặt trận Việt Minh tháng 3/1942. Đó những ngày đẹp nhất của tuổi trẻ.

Khi được đứng trong hàng ngũ đội viên tuyên truyền, Tạ Đăng Thứ càng ngày hăng hái hơn trong các hoạt động của Mặt trận Việt Minh tại Song Phượng. Năm 1943, nhờ sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Hà Hữu Trung, Tỉnh uỷ viên tỉnh Hà Đông, Uỷ viên Ban Công tác đội Xứ uỷ Bắc Kỳ, Nhóm ngày càng hoạt động sôi nổi, có nhiều đóng góp tích cực trong công tác tuyên truyền cách mạng.

Có thời điểm địch rốt ráo tổ chức những cuộc khủng bố bắt bớ cán bộ cách mạng, song tổ chức Việt Minh vẫn cùng với các Hội Cứu quốc như Thanh niên Cứu Quốc, Nông dân Cứu quốc, Phụ nữ Cứu quốc, Phụ lão Cứu quốc, Tự vệ Cứu quốc…kiên quyết “một tấc không đi, một li không rời”, bám dân, bám đất, bám địa bàn củng cố lực lượng cách mạng và đưa phong trào trong xã phát triển nhanh chóng.

“Đầu năm 1945, cách mạng nhiều nơi ở địa phương có lúc tưởng chừng không thể đứng vững, nhận thấy tình hình nguy cấp, Xứ uỷ Bắc Kỳ điều nhiều cán bộ về địa phương, phần để xây dựng An toàn khu, phần nữa là động viên quần chúng nhân dân tiếp tục giữ vững niềm tin vào cách mạng.

Nguy kịch nhất là thời điểm tháng 4/1945, cơ sở cách mạng đặt ở xã Sài Sơn (Hà Tây cũ) bị địch phát giác, cơ quan báo Cứu Quốc (tiền thân báo Đại Đoàn Kết) có thể không bảo toàn được bí mật, đành phải rời về hoạt động bí mật tại thôn Thu Quế, xã Song Phượng, do đồng chí Xuân Thuỷ trực tiếp phụ trách.

Khi được giao nhiệm vụ, qua khảo sát, nắm bắt tình hình tôi giới thiệu địa điểm chuyển báo về địa phương. Sau khi thống nhất, Ban biên tập báo đặt tại nhà ông Tề ở thôn Thu Quế, xưởng in đặt tại nhà ông Bảy xóm Cống, giấy mực để tại nhà bà Thìn thôn Thu Quế. Mỗi số báo in ra được lặng lẽ chuyển đi khắp nơi để tuyên truyền cách mạng- cụ Thứ nhớ lại.

Do là địa bàn vô cùng quan trọng nên bấy giờ có rất nhiều đồng chí lãnh đạo chủ chốt như Trần Huỵ Liệu, Lê Quang Đạo, Trần Quốc Hoàn, Xuân Thuỷ về nằm vùng ở Song Phượng trực tiếp củng cố Mặt trận Việt Minh, điều hành báo Cứu Quốc, nhờ đó ý thức về lý tưởng cách mạng của người dân không ngừng dâng lên cao.

Phong trào hoạt động của người dân lan ra khắp nơi, kết thành một làn sóng mạnh mẽ. Những lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch vang vang, thấm nhuần trong mỗi lớp người: “Hỡi đồng bào, giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến, toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta. Nhiều dân tộc đang bị áp bức trên thế giới đang ganh nhau tiến bước giành quyền độc lập. Chúng ta không thể chậm trễ”.

Giữa bối cảnh dầu sôi lửa nóng, kẻ thù tăng cường lực lượng lục soát trên khắp địa bàn nhằm tiêu diệt cơ sở cách mạng non trẻ, những ngôi nhà, những người dân Song Phượng đoàn kết chặt chẽ che chở cán bộ cách mạng, nhờ đó Mặt trận Việt Minh và báo Cứu Quốc vẫn được bảo đảm an toàn.

Cụ Thứ vẫn nhớ mãi những lời kêu gọi khởi nghĩa của Mặt trận Việt Minh ngày đó: “Khắp xã, từ già tới trẻ, đàn ông tới đàn bà, đều nóng lòng được tham gia biểu tình của Việt Minh vào ngày 19/8. Người dân đổ xô đi may cờ Việt Minh.

Khắp nội thành đến ngoại thành, ô tô mang cờ đỏ sao vàng phóng nhanh trên đường, dùng loa kêu gọi người dân. Từng tốp xe đạp cắm cờ đỏ sao vàng trên tay lái, vừa đi vừa tung truyền đơn. Nhiều khẩu hiệu dán đỏ chói trên tường - nơi đồng bào dễ xem nhất. Tất cả chờ đợi một sự thay đổi lớn trong vận mệnh dân tộc”.

Nhận thấy thời cơ ngàn năm có một đã đến, hưởng ứng lời kêu gọi của Mặt trận Việt Minh, người dân Song Phương đồng loạt nổi lên cướp chính quyền ở nhiều nơi. Ngay từ sáng sớm, trên khắp các ngả đường thôn xóm, xuất hiện hàng vạn người xếp dài hàng cây số giơ cao khẩu hiệu, biểu ngữ, cổng chào, người cầm súng, kẻ cầm cuốc, xẻng, gậy gộc, dáo mác ầm ầm kéo đến nhà lý trưởng trong vùng đòi trao trả ấn tín, thành lập chính quyền Cách mạng lâm thời.

“Cách mạng là đời tôi. Tôi không sao quên được những ngày tháng đáng nhớ ấy. Cách mạng Tháng Tám là một cuộc cách mạng năng động và sáng tạo, nó nhấn chìm tất cả bè lũ cướp nước và bán nước, cuốn chìm đi tất cả những thứ hủ tục lệ cổ của thời kì phong kiến, mở ra cho người dân một cuộc đời mới, cho dân tộc ta một kỉ nguyên mới: kỉ nguyên tiến vào thời kì thịnh vượng, ổn định và phát triển”- cụ Thứ khẳng định.

Minh Phúc