Nhiều trường đại học công bố chỉ tiêu xét tuyển bổ sung

Phương Linh 19/08/2016 09:02

Trong mùa tuyển sinh 2016, mặc dù không có nhiều biến động, nhưng các trường ĐH hiện vẫn rất lo lắng vì chưa thể xác định chính xác số thí sinh (TS) nhập học. Lo ngại này xuất phát từ việc TS được đăng ký nhiều trường, nhiều ngành trong đợt xét tuyển đầu tiên.

Nhiều trường đại học công bố chỉ tiêu xét tuyển bổ sung

Ảnh minh họa.

Để lọc “ảo”, nhiều trường đã đưa ra mức điểm chuẩn thấp hơn một chút để số TS trúng tuyển cao hơn. Hoặc với những trường nhận được ít hồ sơ, đã ra thông báo xét tuyển bổ sung với hàng trăm, hàng nghìn chỉ tiêu ngay từ sau kết thúc đợt xét tuyển.

Nhiều trường xét cao hơn chỉ tiêu để lọc “ảo”

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, có khoảng 75% TS đăng ký xét tuyển cùng lúc vào 2 trường trong đợt 1. Vì thế, có nhiều trường, để loại trừ TS ảo đã xác định điểm chuẩn thấp để số TS trúng tuyển cao hơn chỉ tiêu từ 15% đến gần 50%.

Bên cạnh đó, theo điểm chuẩn công bố của các trường ĐH, hầu hết những trường tốp trên, mặc dù điểm chuẩn đều ở mức cao, nhưng so với năm 2015 đều giảm nhẹ từ 0,5 đến 2 điểm tùy theo từng ngành. Các trường tốp giữa, tốp dưới đa số đều lấy điểm chuẩn dàn đều theo các ngành từ mức điểm sàn trở lên.

Chia sẻ về vấn đề này, lãnh đạo Trường ĐH Thủy lợi cho biết: Năm nay cơ hội trúng tuyển nhiều hơn, đồng nghĩa với việc các trường phải chấp nhận có TS ảo. Để phòng tránh, nhà trường đã phải nghiên cứu rất kỹ dải điểm, phổ điểm, số lượng TS đăng ký trong nhóm, và xem xét có bao nhiêu TS đăng ký ngoài nhóm. Trên cơ sở đó để lựa chọn hệ số ảo cho phù hợp nhất, cuối cùng tuyển được TS đúng với chỉ tiêu đặt ra.

Tương tự, tại Viện Đại học Mở Hà Nội trong đợt xét tuyển đầu tiên cũng xác định số TS trúng tuyển cao hơn từ 25% đến 45% so với chỉ tiêu tùy theo từng ngành. Cùng với công bố TS trúng tuyển, trường cũng trực tiếp liên lạc với TS bằng nhiều hình thức để xác nhận TS có nhập học hay không.

Các trường ĐH đa số đề đồng tình khẳng định: Những ngành khó tuyển thì cứ lấy vượt chỉ tiêu lên để sau đó xuống là vừa. Những ngành điểm cao dễ tuyển thì lấy chỉ tiêu vượt ít hơn, nhưng cũng có một số ngành phải lấy vượt lên khoảng 30 đến 40%, sau đó “trừ hao” xuống là vừa. Nếu vẫn không đủ thì mới tuyển bổ sung.

Bởi theo lí giải của các trường, để thiếu chỉ tiêu thì sẽ rất khó khăn cho họ trong quá trình tổ chức đào tạo. Tuy nhiên, khi tuyển vượt so với chỉ tiêu, các trường cũng hết sức cân nhắc, bởi nếu tuyển quá chỉ tiêu thì sẽ vi phạm quy chế.

Có trường thiếu hàng nghìn chỉ tiêu

Mặc dù thời gian xét tuyển đợt bổ sung theo quy định của Bộ GD&ĐT, sẽ bắt đầu tuyển sinh từ ngày 21/8, nhưng đến thời điểm hiện nay, các trường đều đã dự đoán tương đối số TS sẽ vào học tại trường mình, nên đã đăng tin xét tuyển bổ sung.

Hầu hết các trường đều thông báo xét tuyển bổ sung với mức điểm nhận hồ sơ cũng bằng ngưỡng điểm xét tuyển (15). Một số trường ĐH tốp trên, do lượng TS đăng ký không dàn đều nên mặc dù nhận được lượng hồ sơ lớn vẫn phải tuyển bổ sung một số ngành nhận được ít hồ sơ.

Trường ĐH Lâm nghiệp vừa ra thông báo tuyển sinh bổ sung với tổng số chỉ tiêu lên tới hơn 1.700 chỉ tiêu. Trong đó, bao gồm 250 chỉ tiêu cho 5 ngành đào tạo bằng Tiếng Anh, hơn 1.200 chỉ tiêu của 28 ngành đào tạo bằng tiếng Việt. Ngoài ra, nhà trường cũng tuyển bổ sung hơn 200 chỉ tiêu theo hình thức xét tuyển bằng học bạ cho 21 ngành khác nhau.

Mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển đợt 2 của trường bằng với mức điểm chuẩn của đợt 1 là 15 điểm bằng mức điểm sàn của Bộ GD&ĐT. Riêng 2 ngành có môn thi năng khiếu nhân hệ số 2, điểm nhận hồ sơ là 17 điểm.

Tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, cũng có khoảng 1.200 chỉ tiêu cho 13 ngành đào tạo khác nhau trong đợt xét tuyển bổ sung, chiếm khoảng hơn 40% tổng chỉ tiêu của trường. Mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển đợt 2 của trường là 15 đối với TS xét bằng điểm thi THPT quốc gia 2016 và 18 đối với thí sinh xét bằng học bạ. Bên cạnh đó, trường cũng tuyển bổ sung 300 chỉ tiêu hệ CĐ cho 9 ngành đào tạo và 420 chỉ tiêu hệ dự bị ĐH.

Với ĐH Đà Nẵng, hiện vẫn còn khá nhiều trường thành viên chưa tuyển đủ chỉ tiêu trong đợt 1.

Cụ thể: Trường ĐH Bách khoa còn 205 chỉ tiêu; Trường ĐH Ngoại ngữ còn 107 chỉ tiêu; Trường ĐH Sư phạm, 580 chỉ tiêu; Viện nghiên cứu và Đào tạo Việt Anh còn 157 chỉ tiêu; Khoa Y Dược 140 chỉ tiêu; Phân hiệu ĐH Đà Nẵng tại Kontum, 380 chỉ tiêu; Trường CĐ Công nghệ, 1.000 chỉ tiêu; Trường CĐ Công nghệ thông tin: 520 chỉ tiêu.

Nhiều ngành dễ xin việc nhưng thí sinh ít chọn

Đó là chia sẻ của một số cán bộ làm công tác tuyển sinh qua đợt 1 xét tuyển 2016. PGS TS Nguyễn Phong Điền- Trường phòng đào tạo- Trường ĐH Bách khoa nhận định: Qua đợt xét tuyển đầu, có nhiều trường trong nhóm lượng TS đăng ký vào rất đông, nhưng không đều ở các ngành. Có những ngành có số lượng ĐKXT thấp, thậm chí rất thấp.

Vì thế, các TS cũng cần chú ý, một số ngành đào tạo ở nhiều trường, có thể không được coi là “hot” (với điểm chuẩn trúng tuyển vừa phải) nhưng lại có sức hút lớn đối với thị trường nhân lực chất lượng cao. Các em nên cân nhắc để lựa chọn những ngành này, ví dụ như Kỹ thuật vật liệu hay Toán tin…

Tương tự, tại ĐH Lâm nghiệp, một số ngành tuyển bổ sung nhiều là: Kỹ thuật cơ khí, Kiến trúc cảnh quan, Công nghệ chế biến lâm sản, Khoa học cây trồng, Lâm nghiệp đô thị… Về những ngành này, lãnh đạo nhà trường cũng chia sẻ rằng, ra trường rất dễ xin việc.

Theo PGS TS Cao Quốc An - Trưởng phòng Đào tạo- Trường ĐH Lâm nghiệp: Hiện nay, trên toàn quốc đang rất thiếu nhân lực ngành Công nghệ chế biến lâm sản. Trong khi cả nước có gần 4.000 nhà máy chế biến gỗ nhưng mỗi năm trường chỉ tuyển sinh đào tạo chế biến lâm sản được vài chục chỉ tiêu. Rất ít em đăng ký vào ngành này bởi học rất khó và khổ. Những ngành khác như Khoa học cây trồng cũng rất dễ xin việc và mức lương khá cao.

Hay tại ĐH Thủy lợi, PGS TS Nguyễn Tuấn Anh- Trưởng phòng Đào tạo cho biết: Có nhiều ngành trong đợt 1 TS ít đăng ký lại những ngành ra trường rất dễ kiếm việc. Ví dụ, tốt nghiệp ngành Kỹ thuật Công trình thủy, có thể đi chỉ đạo thi công các công trình xây dựng thủy lợi, thủy điện; ra trường ngành Kỹ thuật tài nguyên nước, có thể tham gia quy hoạch quản lý các công trình thủy lợi…

Phương Linh