CGV chèn ép phim Việt?
Sau sự việc 8 nhà sản xuất và phát hành phim trong nước có đơn khiếu nại đến Cục Điện ảnh, Hội Điện ảnh và các cơ quan chức năng khẳng định đang bị hệ thống rạp CGV chèn ép thông qua tỉ lệ ăn chia doanh thu phòng vé và hình thức chiếu phim ở rạp chưa tìm ra được tiếng nói chung. Mới đây, cũng bởi không đồng thuận về tỉ lệ ăn chia mà bộ phim “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” đã không chiếu tại hệ thống rạp lớn nhất Việt Nam là CGV.
Poster phim 'Tấm cám chuyện chưa kể'.
Cụ thể, theo kiến nghị Hãng Vietnam Artist Agency (VAA) gửi cho Báo Đại Đoàn Kết ngày 18/8 nêu rõ bộ phim “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” không được phát hành từ đơn vị CGV.
Theo thông lệ từ các phim Việt Nam khác, các nhà phát hành sẽ đặt vấn đề chính thức cho việc phát hành phim với một hệ thống rạp khoảng 1 tháng trước ngày khởi chiếu, tuy nhiên vì mức độ đầu tư và nỗ lực của đoàn phim để có thể làm một bộ phim Việt như phim “Tấm Cám: Chuyện chưa kể”, ngay từ rất sớm, vào 8/6, BHD đã chính thức liên hệ đặt vấn đề về việc phát hành tại CGV .
Sau hơn 1 tháng kể từ ngày liên hệ, đại diện của cụm rạp CGV phản hồi với tỉ lệ rất thấp so với các phim Việt Nam do CGV phát hành tại cụm rạp BHD Star. Đại diện CGV yêu cầu được xem bản phim trước khi chốt tỉ lệ cuối cùng. Sau khi xem phim, mặc dù đại diện CGV có tăng tỉ lệ lấy phim tuy nhiên vẫn thấp hơn tỉ lệ của một phim Việt đầu tư trung bình do CGV phát hành và thấp hơn rất nhiều so với tất cả tỉ lệ mà BHD Star đã ký với các đối tác khác như Lotte, Galaxy, và các cụm rạp khác.
Ngô Thanh Vân khóc khi 'Tấm cám chuyện chưa kể' không được chiếu ở cụm rạp lớn nhất Việt Nam CGV.
Với tinh thần như vậy, Hãng phim cũng mong muốn muốn tỉ lệ của chủ phim và chủ rạp trung bình 50% - 50% là hợp lý cho cả hai bên. Thế nhưng đến ngày 12/8, CGV chính thức xác nhận không đồng ý tỉ lệ do BHD đưa ra.
Với mong muốn được sự ủng hộ của cụm rạp CGV, đại diện BHD một lần nữa liên hệ lại với đại diện của CGV và CGV vẫn xác nhận không đồng ý với tỉ lệ của BHD đưa ra.
Đạo diễn Ngô Thanh Vân chia sẻ: Cuối cùng, đứa con tinh thần của mình sẽ không được chiếu trên hệ thống rạp CGV. Lí do bởi phía đơn vị CGV đưa ra những điều khoản không xứng đáng với những nỗ lực của đoàn phim. VAA và BHD không hề đưa ra bất kỳ yêu cầu nào quá cao hay quá đáng. Chúng tôi chỉ xin được đối xử như những phim Việt trước đây.
Sự việc của bộ phim “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” cũng chỉ là “giọt nước tràn ly” bởi sự độc quyền bấy lâu của CGV. Thực tế, sau sự việc 8 nhà sản xuất và phát hành phim trong nước có đơn khiếu nại hệ thống rạp CGV chèn ép thông qua tỉ lệ ăn chia doanh thu phòng vé thì không riêng những trung tâm chiếu phim lớn tại Hà Nội hay TP HCM đang phải xếp “cửa sau” trong việc phát hành phim mà nhiều đơn vị chiếu phim tại các địa phương từ lâu cũng đang phải chịu chung tình cảnh này.
Thực tế phim Việt đang phải đi “đường vòng”. Nhiều phim thường thành công khi mang ra nước ngoài, giành giải thưởng rồi mới về Việt Nam công chiếu. Trong khi việc công chiếu tại Việt Nam đang chịu sự chi phối về doanh thu bởi sự độc quyền của một đơn vị quản lý nước ngoài.
Và rồi, nếu áp công thức phim Việt muốn nổi tiếng nên xuất ngoại rồi hãy “hồi hương” thì xem ra người thiệt nhất vẫn là… khán giả. Sự hạn chế cụm rạp chiếu cũng đồng nghĩa với việc hạn chế độ phủ sóng đến với những người yêu điện ảnh.