Trùng tu chùa Cầu: Phương án hạ giải được đồng thuận

Hạ Huyền 19/08/2016 09:45

Hơn 100 nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý Việt Nam và Nhật Bản đã đồng thuận quan điểm hạ giải toàn bộ chùa Cầu - Hội An để trùng tu tại Hội thảo khoa học “Trùng tu chùa Cầu - Quan điểm và giải pháp” vừa được tổ chức ngay tại Quảng Nam.

Trùng tu chùa Cầu: Phương án hạ giải được đồng thuận

Chùa Cầu-Hội An.

Nên hạ giải toàn bộ

Chùa Cầu - biểu tượng của khu phố cổ Hội An, di sản văn hóa thế giới - còn gọi là cầu Nhật Bản hay Lai Viễn Kiều, được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia vào năm 1990. Chùa Cầu được xây dựng vào khoảng thế kỷ 17. Qua khoảng 400 năm, chùa Cầu được tu bổ lớn 7 đợt và nhiều lần tu bổ nhỏ, lần trùng tu gần đây nhất là năm 1986. Hiện nay, hằng ngày chùa Cầu đón tiếp lượng lớn khách tham quan, với trung bình 4.000 lượt khách.

Cùng với đó, dưới cầu là sự biến chuyển của dòng chảy khe nước phía dưới và môi trường ẩm ướt của sông nước nên các mố cầu, trụ cầu bị nứt, nhiều cột, vì kèo hư hỏng, mục ruỗng. Hơn thế, chùa Cầu cũng nằm ngay vùng rốn lũ Hội An, nơi có dòng chảy mạnh nên khi có lũ lụt, nguy cơ mất an toàn của di tích càng cao.

Các ý kiến tại hội thảo vừa rồi tập trung giải quyết vấn đề chính là nên chọn giải pháp hạ giải từng phần hay hạ giải toàn bộ để tu bổ di tích. Đa phần các ý kiến đề nghị lựa chọn giải pháp hạ giải toàn bộ di tích. PGS TS Nguyễn Quốc Hùng đề nghị lựa chọn giải pháp hạ giải toàn bộ di tích để xử lý triệt để các hạng mục của cầu là phù hợp với hiện trạng xuống cấp của di tích hiện nay. Tuổi thọ của cầu sau tu sửa được kéo dài, không phải sửa đi sửa lại nhiều lần hoặc nay sửa chỗ này, mai sửa chỗ khác.

GS TS Trương Quốc Bình- Ủy viên Hội đồng DSVH quốc gia cũng ủng hộ nhóm ý kiến cho rằng nên chọn giải pháp hạ giải toàn bộ, từ phần móng lên, rồi tiến hành tu bổ kết hợp với nghiên cứu khảo cổ. Trước và trong khi gia cố phần móng, cần khảo sát kỹ và nếu cần, có thể tiến hành các công tác khai quật khảo cổ ở khu vực chân móng của công trình.

Hoạt động du lịch vẫn diễn ra bình thường

Tại hội thảo, KTS Lê Thành Vinh và KTS Đặng Khánh Ngọc (Viện Bảo tồn di tích) cùng có chung đề xuất: Cần nghiên cứu giải pháp về kết cấu theo hướng giảm thiểu, cách ly những chấn động do giao thông qua lại cầu ảnh hưởng xấu đến di tích trong quá trình tu bổ cây cầu.

Bên cạnh các hoạt động bảo tồn, trùng tu thiết yếu, cần kết hợp với các giải pháp bổ sung trong quá trình sử dụng, khai thác. Cụ thể là điều tiết lượng người đi qua cầu và đến tham quan di tích một cách hợp lý, đảm bảo kiểm soát tải trọng tương ứng sức chịu tải của công trình, không gây tác động xấu cho di tích.

Tuy nhiên, ông Trần Đình Thành- Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTT&DL) nêu quan điểm, việc tu bổ di tích chùa Cầu nên tập trung một số vấn đề: Xây dựng kế hoạch khảo sát cụ thể để xác định chính xác tình trạng công trình, từ đó đề xuất định hướng tu bổ, bảo tồn phù hợp, phục vụ nhu cầu sử dụng của người dân… mà vẫn đáp ứng các nguyên tắc, công ước quốc tế về bảo tồn di tích.

Hạ giải toàn bộ phần kiến trúc gỗ để tu bổ toàn diện. Khảo sát địa chất, địa tầng, thủy văn và nhu cầu sử dụng công trình để nghiên cứu gia cố, tiếp tục kéo dài khả năng sử dụng của phần móng và phần thân cầu được xây thể khối mà không cần tháo dỡ, hạ giải. Xây dựng phương án thi công phù hợp để hoạt động du lịch trong khu di sản vẫn diễn ra bình thường trong khi thi công.

Theo ông Thành, với giá trị là một trong số 3 di tích kiến trúc “thượng gia hạ kiều” còn lại của quốc gia, là biểu tượng của di sản thế giới, vì vậy việc tu bổ chùa Cầu cần thực hiện dự án tổng thể để giải quyết vấn đề về môi trường lòng sông và hai bên di tích; xử lý hóa chất để tăng cường ổn định vật liệu gỗ chống lại tác động của nước ngập mùa mưa lũ, gia cường để tăng khả năng chịu lực phục vụ hoạt động giao thông của cư dân địa phương và du khách.

Đồng quan điểm với ông Thành, ông Nguyễn Sự - nguyên Bí thư Thành ủy Hội An cũng cho rằng không nên hạn chế lưu lượng người qua lại chùa Cầu, bởi chùa Cầu vừa là phương tiện đảm bảo giao thông, vừa là điểm di tích mang yếu tố tâm linh, tín ngưỡng, gắn với đời sống tinh thần của cộng đồng cư dân Hội An.

Nhiều chuyên gia đến từ Nhật Bản tham dự hội thảo lần này cũng bày tỏ mong muốn sớm tìm ra giải pháp và tiến hành trùng tu di tích chùa Cầu. Ông Toshio Shimada - Cơ quan văn hóa Nhật Bản cho biết, phía Nhật Bản luôn sẵn sàng tư vấn và hỗ trợ thông tin khi được phía Việt Nam yêu cầu, ngay cả đối với vấn đề về di tích này.

Quan điểm cơ bản trong hợp tác mà phía Nhật Bản đưa ra là chuyển từ giai đoạn hỗ trợ ban đầu sang hình thức cùng phối hợp thực hiện và hiện tại đang tiến tới giai đoạn cùng giao lưu, trao đổi.

Tại hội thảo, các đại biểu đồng thuận và tin tưởng rằng việc hạ giải toàn bộ chùa Cầu, áp dụng công nghệ hiện đại vào trùng tu sẽ vẫn bảo đảm được tính chân xác của di tích chùa Cầu. Hi vọng kinh nghiệm từ các di tích từng được hạ giải để trùng tu mà vẫn đảm bảo tính nguyên vẹn là đình Chu Quyến, Phu Văn Lâu… sẽ giúp quá trình trùng tu chùa Cầu thuận lợi hơn.

Hạ Huyền