Không chỉ chuyện cướp lộc tháng Bảy

Vi Cầm 19/08/2016 09:20

Hình ảnh phật tử tại lễ cúng Rằm tháng Bảy ở chùa Quán Sứ- Hà Nội có hành động xô đẩy, chen lấn nhau vào cướp lộc sau khi làm lễ vào tối 15/8; hoặc cảnh cướp đồ cúng, hay hàng trăm người lao vào tranh giành nhặt tiền lẻ cúng cô hồn từ trên cao thả xuống tại TP HCM… đang thu hút sự quan tâm của cộng đồng.

Nhiều người lên án những hành động này và cho đó là những việc làm không đẹp mắt, đặc biệt là việc làm giảm đi không khí tôn nghiêm ở những chốn linh thiêng.

Thực chất, lễ cúng cô hồn cũng như việc nhặt lộc bố thí để tin rằng càng nhặt được nhiều lộc, càng may mắn chính là một tập tục lâu đời, tập quán dân gian của người Việt.

Chỉ có điều cái gì “quá” lên cũng thành điều dở. Về việc cướp lộc ở chùa Quán Sứ, không ít người đã lên án rằng: Buồn ở chỗ là sự việc ấy không phải xảy ra ngoài đường, nơi nhốn nháo thập cẩm các loại người, mà ấy là chỗ cửa Phật, là nơi để tâm mỗi người kiếm tìm sự cao cả huyền diệu của Phật giáo. Nếu chỗ ấy không phải là đại diện cho văn hoá Việt thì chỗ nào là đại diện cho văn hoá Việt?

Hơn thế, không chỉ riêng chuyện cướp lộc tháng Bảy, câu chuyện cướp lộc hoa tre đền Sóc bằng bạo lực hay cảnh chen lấn xin ấn đền Trần, cảnh hỗn loạn trong lễ cướp phết cầu may ở Vĩnh Phúc- dù là tập tục, nhưng dường như giờ đây những nghi lễ truyền thống ấy đang được thực hành thái quá trong xã hội hiện đại. Thành thử nó trở thành mâu thuẫn với ý nghĩa của việc đi lễ, hay việc tổ chức lễ hội đầu năm.

Để xảy ra tình trạng chen lấn xô đẩy ở những chốn linh thiêng ấy tất nhiên do cả hai phía: ban tổ chức và ý thức những người tham dự. Thánh thần hẳn sẽ chẳng bao giờ ủng hộ việc cướp lộc bằng bạo lực và sự vô ý thức mà có. Tất cả những sự hỗn loạn lợi dụng những nghi lễ hoặc tập tục truyền thống - đang dấy lên sự bức xúc về tình trạng mất an ninh trật tự trong các hoạt động văn hóa. Những sự quá đà lợi dụng tín ngưỡng và tập tục dân gian rất cần phải điều chỉnh lại.

Vi Cầm