Ai đã tạo ra khủng bố quốc tế?
Có một định kiến khá lâu đời tồn tại ở Nga từ nhiều năm nay do các nhà chiêm tinh học reo rắc và được nữ sĩ Nga Anna Akhmatova nhắc lại: trong những dịp kỷ niệm chẵn ngày sinh hay ngày mất của nhà thơ lớn Yuri Lermontov (15/10/1814 – 27/7/1841) hay xảy ra những chuyện kinh hoàng.
Ảnh: I.T.
Có thể dẫn ra đây một số sự kiện: trong dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Lermontov (1914) đã bùng nổ chiến tranh thế giới thứ nhất. Năm 1939, năm kỷ niệm 125 ngày sinh nhà thơ, đã bùng nổ cuộc chiến tranh thế giới thứ hai. Năm kỷ niệm 100 năm ngày mất của Lermontov (1941) đã bắt đầu cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại ở Liên Xô. Và năm kỷ niệm 150 năm ngày ngày sinh Lermontov (1964) tại Liên Xô đã diễn ra “cuộc đảo chính cung đình” trong Điện Kremli, loại bỏ Tổng Bí thư đảng Cộng sản Liên Xô Nikita Khrushchev, người từng gõ giầy trên diễn đàn LHQ ở New York và từng làm Washington giật thột vì hệ thống tên lửa siêu hiện đại.
Năm 1991, năm kỷ niệm 150 năm ngày mất của Lermontov, vào trung tuần tháng 8, tại Liên Xô đã xảy ra vụ chính biến lừng danh, dẫn tới việc Mikhail Gorbachev phải từ chức và bắt đầu quá trình thực sự tan rã của Liên bang Xôviết. Năm 2014, kỷ niệm 200 năm ngày sinh Lermontov, tại Kiev, thủ đô Ukraina đã xảy ra cuộc thay đổi quyền lực đầy kịch tính, chính thức đưa nước cộng hòa này vào vòng xoáy nội chiến và nâng cấp độ đối đầu giữa phương Tây với Nga lên một nấc mới…
Năm nay, kỷ niệm 175 năm ngày mất của Lermontov, dường như trên thế giới lại đang bắt đầu bùng nổ một sự kiện bi thảm mới. Liệu có đúng vậy không?
Trong con mắt của nhà nghiên cứu lịch sử Nga Adrei Fursov, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nga thuộc trường Đại học Tổng hợp khoa học nhân văn Moskva, mùa hè này, thế giới thực sự đã sa chân vào vực thẳm hỗn loạn. Hàng loạt sự cố nối nhau dồn dập tới: Brexit trên “hòn đảo sương mù”, đe dọa dẫn đến sụp đổ của toàn bộ Liên minh châu Âu (EU); Hội nghị Thượng đỉnh NATO ở thủ đô Ba Lan Warsaw, trong thực tế đã thực sự tuyên bố bắt đầu chiến tranh lạnh mới đối với Moskva; mưu toan đảo chính thất bại ở Thổ Nhĩ Kỳ với trên dưới 18 nghìn người bị bắt giữ, trong đó có hàng trăm viên tướng; những cản trở đối với các vận động viên Nga trên đường tới Thế vận hội mùa hè ở Rio De Janeiro; một loạt các cuộc tấn công khủng bố kinh hoàng ở Đức, Pháp, Nhật Bản, Iraq, Afghanistan, Syria; những hành động chống lại cảnh sát tại những nơi vốn vẫn bình an và yên lành như Kazakhstan hay Armenia; vụ sát hại nhà báo Sheremet ở Kiev, thủ đô Ukraina...
Tuy nhiên, cũng theo nhà sử học Nga Adrei Fursov trong bài trả lời phỏng vấn báo Komsomolskaya Pravda hồi đầu tháng 8-2016, tình hình quốc tế năm nay dù căng thẳng đến mấy cũng không thể đổ cho “vía đen” của đại thi hào Nga. Những nguyên nhân dẫn tới hiện trạng thế giới cần phải được tìm không phải trong thế giới tâm linh mà ở chính những hành động cụ thể của con người trên mặt đất.
Hiện cuộc chiến chống khủng bố IS đang diễn ra quyết liệt
ở nhiều khu vực trên thế giới, đặc biệt là Iraq và Syria. (Ảnh: Reuters).
Sẽ lại chiến tranh?
PV: Liệu nước Nga có thể bị đe dọa bởi chiến tranh thế giới thứ ba không? Hiện đang tồn tại quá nhiều dấu hiệu cảnh báo về chuyện đó.
Andrei Fursov: Đúng vậy, tình huống “trước giờ nổ súng” đang được gợi nên bởi chiến dịch bài Nga điên cuồng đang tác oai tác quái ở phương Tây. Trên tất cả các mặt trận, trong đó có các biện pháp trừng phạt kinh tế, những phát ngôn hùng hổ của các nhà lãnh đạo trong khối NATO, “cuộc tấn công doping” nhằm vào các vận động viên Nga tham gia Thế vận hội…
Những chiến dịch như thế vẫn thường được thực hiện để cố gắng thuyết phục đám thị dân của mình tin vào việc cần thiết phải giáng đòn phủ đầu nhằm vào hang ổ của một trung tâm ma quỷ nào đó. Một ác nhân như vậy đang được một số giới nhất định ở phương Tây nhào nặn từ hình ảnh của nước Nga. Người Anh đã hành động tương tự như thế khi chuẩn bị cuộc chiến tranh Crym trong những năm 1853-1856 bằng việc khởi động dự án “bài Nga” từ năm 1830. Và họ đã thuyết phục người châu Âu về sự cần thiết phải tấn công chống lại Nga. Khi đó nước Nga đã bị tấn công bởi liên minh các nước Anh, Pháp cùng đế chế Ottoman và Vương quốc Sardinia.
Vậy nghĩa là, không nay thì mai sẽ lại một cuộc chiến tranh mới?
- Tình hình hiện nay không giống như trước. Chúng ta hiện nay có một di sản từ Stalin và Beria để lại – vũ khí hạt nhân. Vì vậy, chắc phương Tây khó dám công khai đối chiến với nước Nga, ít ra là ở giai đoạn hiện nay. Nhưng họ có thể làm cho đục nước ở khu vực ngoại vi, thí dụ như xây dựng bàn đạp cho mình tại Ba Lan, hay tại những “chú lùn Baltic", hay tại một nước Ukraina bị phát xít hóa… Đó là chiến lược “hỗn loạn có kiểm soát”.
Như trong "Mùa xuân Arab”?
- Đúng thế, nếu xét theo phương thức hành động. Nhưng xét theo đối tượng thì không phải như vậy. Nước Nga – đó không phải là một nhà nước Arab và thậm chí cũng không phải là một tập hợp các quốc gia Arab. Như trong bài hát rất hay mà ca sĩ Alexander Marshall mới thể hiện gần đây khi hướng về khán giả Mỹ: “Nước Nga – đó không phải là Việt Nam và cũng không phải là Bosnia”.
Hiện nay, ưu tiên hàng đầu của Mỹ là hỗn loạn hóa châu Âu. Tầng lớp chóp bu của Mỹ bây giờ gần như không giấu giếm việc này.
Nạn nhân của bất cứ hành vi khủng bố hay “trò chơi vương quyền”
nào cũng đều là dân thường. (Ảnh: AFP).
Những cuộc chơi của “vương quyền tây phương”
Nhưng châu Âu là đồng minh thân cận nhất của Washington! Bởi NATO, bởi các biện pháp trừng phạt chống Nga.
- Một trong những mục tiêu chiến dịch bài Nga là cột chặt liên minh châu Âu lại với Washington, khiến nó dễ bảo hơn bằng cách làm căng thẳng hơn các mối quan hệ giữa Nga với châu Âu.
Rất hấp dẫn đấy!
- Quá trình hỗn loạn hóa đang diễn ra trước mắt chúng tôi. Đó là hàng triệu người tị nạn, đột nhiên ào vào châu Âu từ các nước đang bị “Mùa xuân Arab” xâm chiếm, từ nước Libya mình đầy thương tích bởi bị IS và bởi các tổ chức khủng bố “một vừa hai phải” hành hạ, từ các quốc gia láng giềng ở phía Đông và từ châu Phi. Cần phải thấy rằng, không ngẫu nhiên mà người Mỹ gây nên “mùa xuân Arab”. Họ biết cái đích mà họ cần hướng tới. Nhưng quá trình bất ổn hóa châu Âu bằng chiến dịch “khủng hoảng nhập cư” – đó mới là một phần của cuộc chơi lớn hơn nhiều, trên thực tế đó là cuộc chơi toàn cầu, cuộc chiến của "vương quyền Tây phương" nhằm giành giật tương lai.
Ông hãy giải mã những bí ẩn đó đi!
- Không có gì bí ẩn cả. Tất cả của những thứ gọi là bí ẩn đều nổi lều phều trên bề mặt. Để hỗ trợ cho nền kinh tế của mình mà không cần tới một cuộc chiến tranh quy mô lớn, “vương quyền Anglo – Saxon”, tức là nước Mỹ - sẽ phải nuốt chửng một số nền kinh tế trong khu vực Đông Nam Á. Để làm việc này, họ đã nghĩ ra TPP - Trans-Pacific Partnership (Hiệp ước đối tác xuyên Thái Bình Dương). Hiệp ước thương mại giữa 12 nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Mỹ, Australia, Canada, Mexico, Malaysia, Việt Nam, Chile, Nhật Bản… Hiệp định này đã được ký ngày 4/2/2016. Các bước tiếp theo – sẽ ký với Indonesia, Thái Lan, Đài Loan, Philippines, Hàn Quốc. Nhưng đây mới chỉ là một món tráng miệng tân kỳ.
Món chính sẽ là Liên minh châu Âu. Đối với họ, người Mỹ đã chuẩn bị một cái thòng lọng khác -TTIP. Hiệp ước đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương. Đó sẽ là khu thương mại tự do lớn nhất thế giới giữa Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ. Với sự giúp đỡ của hệ thống này, người Mỹ muốn làm với EU cái việc như Tây Âu đã làm với Đông Âu sau khi bức tường Berlin sụp đổ. Tóm lại, nền kinh tế Tây Âu - nền tảng của Liên minh châu Âu - sẽ bị nuốt chửng. Bởi lẽ, xét theo tất cả các văn kiện, cả hai khu vực TPP lẫn TTIP đều sẽ phải trao sự tự do đầy đủ để các công ty đa quốc Mỹ tùy nghi hành động. Sẽ diễn ra quá trình phi chủ quyền hóa hàng loạt các quốc gia.
Viễn cảnh này dĩ nhiên không thể khiến “vương quyền Tây Âu” hoan hỉ.
Tôi chưa từng bao giờ nghe nói như thế về điều này!
- Cái gọi là “vương quyền Tây Âu” bao gồm dòng họ Windsors của hoàng gia Anh, những Rothschilds giả định như những nhà quản lý cho mươi mười lăm đại gia tộc tài chính và công nghiệp hàng đầu, các gia đình quý tộc xuất thân từ những người Guelph, sinh ra ở phía bắc Italia và miền nam nước Đức cũng như ở Vatican. Tất nhiên, trong số những “vương quyền” này đang tồn tại rất nhiều mâu thuẫn riêng. Nhưng khi phải đối mặt với mối nguy hiểm chung thì tất cả họ sẽ đều đứng sát bên nhau để chống lại khu vực xuyên đại dương. Do đó, các cuộc đàm phán về TTIP diễn ra rất khó khăn, việc phê chuẩn hiệp ước đang bị trì hoãn khiến ông Obama rất không hài lòng. Sự chống đối lại một trạng thái xuyên đại dương toàn phần sẽ ngày một gia tăng ở châu Âu. Và để đáp lại, - thực tình thì tôi muốn tôi dự đoán sai! – có lẽ sẽ xuất hiện những vụ bùng nổ!
Đã hình thành một tình huống kỳ quặc. Để “hút” châu Âu vào khu vực xuyên đại dương, “vương quyền Anglo-Saxon” cần Liên minh châu Âu, nhưng ở dạng đã bị tán bớt lực. Thế thì mới dễ thương thuyết được với ban lãnh đạo ở Brussels. Còn “vương quyền Tây Âu”, để phá vỡ kế hoạch của đối phương, lại cần phải hủy bỏ Liên minh châu Âu. Bởi lẽ người Mỹ sẽ rất khó đạt được được thỏa thuận với từng thành viên trong số gần 30 nước đó.
Nhưng thậm chí là ngay cả trong trường hợp thành công thì vẫn phải cần thêm nhiều thời gian để quy hoạch khu vực này. Bằng cách đó, cả hai “vương quyền” đều xô đẩy Liên minh châu Âu theo hướng làm giảm sức mạnh của nó. Có điều, một bên muốn dừng lại ở điểm nào đấy giữa chừng, còn bên kia thì lại muốn đưa quá trình giảm lực tới cùng. Chính vì thế nên cuộc khủng hoảng nhập cư đang khiến cả hai bên hài lòng. Quan trọng là khi nào vang lên khẩu lệnh: “Lái tầu, phanh đi nào!”
Brexit – đó cũng là “trò chơi vương quyền”? Nhưng chính ông Obama đã công khai lên tiếng phản đối!
- Cần đánh giá các chính khách không phải qua lời nói mà bằng hành động.
Quả thực là Brexit – đó là một thao tác phức tạp và kéo dài. Mục tiêu ở đây không chỉ là làm suy yếu Liên minh châu Âu. Khi ra khỏi EU, giai cấp thống trị ở Anh được tự cởi trói cho tay mình. Thứ nhất, từ nay họ có thể như trước đây, tự túc quan hệ song phương với Mỹ. Thứ hai, họ sẽ được tự do hơn nhiều so với trước để tham gia vào các dự án với Trung Quốc. Thứ ba, thoát khỏi những vòng xích sắt, họ sẽ thỏa sức hơn trong việc phát triển đế chế tài chính vô hình của mình, từng bắt đầu được xây dựng, hồi phục lên bởi nhà chính khách Anh xuất sắc, Lord Mountbatten, vào những năm 70 của thế kỷ trước.
Và bây giờ, chúng ta trở về với những cuộc tấn công khủng bố. Sau Brexit, trong Liên minh châu Âu rõ ràng đang gia tăng thêm vai trò của Đức và Pháp. Và không ngẫu nhiên mà chính tại những nước này làn sóng khủng bố đã trào lên.
Ai đã gieo gió hồi giáo?
Thì đó là do IS tiếp tay. Nhưng việc này có liên quan gì tới “trò chơi vương quyền”?
- Với IS thì mọi sự cũng không đơn giản như vậy.
Chủ nghĩa Hồi giáo nổi lên vào đầu năm 20 - 30 của thế kỷ trước và sau đó phát triển như là một phản ứng đối với sự kém cỏi của chế độ thế tục trong thế giới Arab trong việc giải quyết các vấn đề phát triển kinh tế và công bằng xã hội tối thiểu. Hầu như ngay từ đầu tình báo MI-6 của Anh đã làm việc với nó. Và từ những năm 50 thì cả CIA và Mossad cũng nhập cuộc. Tới năm 1979, cuộc cách mạng Hồi giáo đã bùng nổ ở Iran và Tehran từ đó đã trở thành tâm điểm thu hút chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.
Tuy nhiên, cơ sở vật chất kỹ thuật cho việc mở rộng toàn cầu của hiện tượng mà về sau đã được đặt tên là “chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo quốc tế”, lại là do chính Mỹ tạo dựng nên. Và đó là “công đức" của họ.
Bằng cách nào mà người Mỹ lại làm được như thế?
- Như nhà báo Alexander Afanasyev đã nhận xét trong cuốn sách “Khu vực ô nhiễm”, trước khi các đơn vị quân đội Xôviết tiến vào Afghanistan, Liên Xô và Mỹ đã tiến hành chính sách đối đầu trong thế giới thứ ba, dù đó có thể là châu Á, châu Phi hay châu Mỹ Latin bằng cách đưa ra những phương án khác nhau để tạo ra một xã hội hiện đại, theo mô hình xã hội chủ nghĩa hoặc tư bản chủ nghĩa. Nhưng câu chuyện ở đây lại liên quan đến chính những mô hình hiện đại. Chính tại Afghanistan, nước Mỹ đã gặp thất bại và lại đặt cược vào lực lượng của thế giới cổ xưa, lực lượng của quá khứ.
Các bộ tộc miền núi, những chiến binh Mujahideen rậm râu...
- Và đã để ác quỷ thoát ra khỏi bình. Sau khi cuộc chiến ở Afghanistan kết thúc, những phần tử Hồi giáo phục hồi sức lực rồi đã lan tỏa đi khắp khu vực Trung Đông. Và họ bắt đầu cắn lại chính chủ của mình.
Bin Laden đã trở thành “phần tử khủng bố số 1” trên thế giới theo phiên bản Mỹ.
- Sau đó biện pháp thanh lọc chủ nghĩa tôn giáo chính thống vì những mục tiêu thế tục đã được lặp lại bởi các sĩ quan thuộc đảng Baath, khao khát báo thù sau khi chế độ của Saddam Hussein bị người Mỹ xóa bỏ. Những con người hoàn toàn mang tính thế tục này đã quyết định làm dấy lên làn sóng Hồi giáo. Và do đó đã nảy sinh cái gọi là “Nhà nước Hồi giáo” hiện vẫn đang bị cấm ở Nga.
Cái tổ chức này trước khi Mỹ chiếm Baghdad mới chỉ là một chi nhánh yếu ớt trong mạng lưới Al-Qaeda của Bin Laden ở Iraq…
- Một điều rất quan trọng là chính cựu Thủ tướng Anh Tony Blair đã thừa nhận trách nhiệm của những người Anglo – Saxon trong sự xuất hiện của tổ chức này.
Tôi xin nhắc lại, chính nước Mỹ bằng những hành động của mình tại Afghanistan trong những năm 80 của thế kỷ trước đã tạo ra một động lực mạnh mẽ để làm gia tăng cái sức mạnh khủng khiếp và man rợ đó trong thế kỷ XXI – chủ nghĩa Hồi giáo.
Một điều khác là, ngay hồi đầu thế kỷ XXI này, họ đã bị đòn giáng trả - cái boomerang đã quay lại đạp đúng mặt thợ săn. Chuyện đã xảy ra đúng như nhà phân tích tình hình người Mỹ Charles Johnson đã đự báo trong cuốn sách nổi tiếng của ông “Blowback” (Trả lại).
Chính cái sự “trả lại” đó đã được nước Mỹ cố gắng tận dụng cho các mục đích của mình bằng cách định nghĩa nó là “chủ nghĩa khủng bố quốc tế”.
Cần lưu ý rằng, không phải “Lữ đoàn Đỏ” ở Italia, không phải “Chi nhánh Lữ đoàn Đỏ” ở Đức, cũng như không phải các nhóm vũ trang khác tương tự ở thời cuối thế kỷ XX được gọi là chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Thuật ngữ này đã xuất hiện sau vụ khiêu khích “ngày 11-9”, khi người Mỹ cần tới ai đó để gá tội. Rõ ràng ai cũng hiểu, có “tầm quan trọng quốc tế” chỉ có thể là những thứ có ảnh hưởng đến lợi ích của Mỹ hoặc là nhằm chống lại nước Mỹ. Ngoài ra, với sự kết thúc của chiến tranh lạnh, sự sụp đổ của kẻ thù cũ là Liên Xô, xuất hiện nhu cầu cần thiết tìm kiếm và xây dựng hình ảnh một kẻ thù mới, một “cái ác” đối với phương Tây và Hoa Kỳ. Chủ nghĩa khủng bố quốc tế đã được bổ nhiệm vào vai trò của “cái ác” đó. Nhưng nếu không có một màu sắc tư tưởng thì xem ra nó có vẻ hơi loãng để đối đầu với phương Tây. Do đó, nó được đính với đạo Hồi. Hình ảnh “cái ác" ngay lập tức trông rất mạnh mẽ, hoành tráng, hấp dẫn. Còn gì nữa, đó là cả một tôn giáo mang tầm thế giới, một tập hợp các dân tộc! Chính đó là thứ cần cho Hoa Kỳ và các chư hầu của họ.
Giống như trong chiến tranh lạnh - cả một hệ thống tư tưởng tầm cỡ thế giới, một tập hợp các quốc gia cộng sản, xã hội chủ nghĩa. Một khi đang đối mặt với nguy cơ mới thì có thể tiến vào Afghanistan, Iraq, gây ra những “mùa xuân Arab”!
- Trong khi đó, rõ ràng là phần lớn giáo lý Hồi giáo không hề có liên quan gì đến chủ nghĩa khủng bố.
Đến cuối thế kỷ XX đã xuất hiện sự phân chia lại thế giới, cho phép “những tên khủng bố quốc tế” thoát ra khỏi vòng kiềm tỏa của những người giám hộ, và thiết lập các mối quan hệ phức tạp vừa đấu tranh vừa hợp tác.
Bằng cách nào vậy?
- Rõ ràng là những chính trị gia tầm cỡ lớn, như ông Obama chẳng hạn, không có mối liên hệ nào với chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Để làm việc này, có các cơ quan đặc biệt như CIA, MI6, Mossad, và những người khác nữa. Họ phục vụ các nhà nước, các tập đoàn xuyên quốc gia - hạt nhân của hệ thống tư bản chủ nghĩa, những tổ hợp kín siêu quốc gia chuyên về điều phối và quản lý toàn cầu. Và ở một mức độ lớn, họ cũng kiểm soát được các tổ chức khủng bố. Hoặc thậm chí tạo ra chúng rồi sau đó chỉ đạo các hoạt động của chúng. Tuy nhiên, đôi khi con chó đột ngột lên cơn hóa dại và cắn cả chủ của mình. Nhưng đây lại là một câu hỏi khác. Ít nhất thì các tổ chức này đều bị các điệp viên của các cơ quan an ninh phương Tây thâm nhập vào.
Và nếu chúng ta nói cụ thể về những phần tử Hồi giáo cực đoan, thì lợi ích của chúng trùng với lợi ích của các công ty đa quốc gia, tất cả đều có cùng một kẻ thù – đó là một nhà nước thế tục mang tính dân tộc. Không phải ngẫu nhiên tác giả của các cuốn sách best-seller “Những đồng dollars chống khủng bố” và “Sau cánh gà khủng bố”, nhà báo R. Labever, cựu tổng biên tập đài phát thanh Pháp RadioFrance Quốc tế, đã gọi những phần tử Hồi giáo cực đoan là “những chú chó trông nhà của toàn cầu hóa theo kiểu Mỹ”. Tiện thể nói luôn, đối với tầng lớp nhà báo tinh hoa đẳng cấp cao trên trường quốc tế, không có gì bí mật là việc 90% dòng chảy ma túy toàn cầu bằng cách này hay cách khác đều do ba cơ quan an ninh tình báo chính của phương Tây kiểm soát: CIA, MI6, Mossad. Và 10% còn lại bị kiểm soát bởi những tổ chức tội phạm và các nhóm khủng bố quốc tế tràn ngập các điệp viên từ các cơ quan an ninh. Điều này không phải là tình cờ. 50% các ngân hàng trên thế giới cho vay tín dụng cho lĩnh vực buôn bán ma túy - những đồng tiền “sống”, mau mắn, thanh khoản cao, mà nếu thiếu chúng thì các ngân hàng sẽ không thể hoạt động bình thường, và hẳn đã bị phá sản từ lâu. Đấy chính vì thế nên quyền lợi của các cơ quan an ninh với các lực lượng khủng bố đã trùng khít với nhau.
Cần phải phân biệt hai loại hành vi khủng bố. Thứ nhất, đó là những kẻ khủng bố mà các cơ quan an ninh đã lơ là mất cảnh giác. Như ở Nice, nơi mà cuộc tấn công được tổ chức vào đúng thời điểm ngày 14-7, Ngày phá ngục Bastille (Quốc khánh Pháp). Một người Arab bất đắc chí không thể sắp đặt được một việc như thế. Và thứ hai là những vụ khủng bố vô duyên cớ, từ “những cá nhân lên cơn bạo lực”. Như việc một “tiều phu Afghanistan” chém người trên xe lửa...
Hoặc “xạ thủ thành Munich” hay “tay dao rựa Syria”…
- Nói chung, có một hiện tượng là đại dịch sang chấn tâm lý. Những vụ bạo lực bột phát cũng có liên quan đến sự gia tăng căng thẳng xã hội ở Tây Âu, nơi hiện nay đang rất không an toàn.
Hàng loạt các vụ tấn công khủng bố và bùng phát bạo lực vào tháng 7 vừa qua đã thuyết phục người Đức và người Pháp tin rằng, chính phủ của họ đang không kiểm soát được tình hình. Việc này cùng với những chuyện khác nữa đang làm tổn hại tới một bộ phận trong giới thượng lưu châu Âu, như bà thủ tướng Đức Merkel, ông tổng thống Pháp Hollande, các nhà lãnh đạo trong Liên minh châu Âu. Nó sẽ tiếp tục làm suy yếu EU hơn nữa. Và đó không phải điều ngẫu nhiên.
Và trong khi đang tiếp tục diễn ra cuộc chiến bí mật giành giật lấy EU giữa hai nhóm này của tầng lớp tinh hoa phương Tây, giữa hai “vương quyền” thì các cuộc tấn công khủng bố ở châu Âu, than ôi, sẽ vẫn tiếp tục. Đặc biệt là ở phương Tây. Bỡi lẽ, “chủ nghĩa khủng bố quốc tế” – đó là phương tiện để điều hành các quá trình toàn cầu sau khi kết thúc chiến tranh lạnh. Ngoài ra, ở trên toàn thế giới, ở châu Phi, châu Á, ở Trung Đông, sẽ gia tăng số lượng những vùng không được kiểm soát bởi các nhà nước; chính tại những nơi đó, các tập đoàn đa quốc gia rất dễ tìm ra ngôn ngữ chung với các phần tử cực đoan khác nhau, với chính những phần tử Hồi giáo cực đoan đó. Và đứng sát bên nhau, những thế lực này sẽ cùng tấn công các quốc gia dân tộc, trước hết là những nhà nước thế tục...