Bão suy yếu thành áp thấp; Hà Nội mưa lớn, gió giật cấp 6-8
Bản tin phát lúc 16h15' của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, hiện tại: Bão số 3 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên khu vực Hà Nội. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/h), giật cấp 8-9. Khu vực Hà Nội có gió giật cấp 6-8 và mưa to.
* Bản tin phát lúc 16.15' của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, hiện tại: Bão số 3 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên khu vực Hà Nội. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/h), giật cấp 8-9.
Dự báo: Trong 3-6 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng giữa Tây vàTây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15-20km. Ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên còn có gió giật cấp 7-9; Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Hòa Bình có gió giật cấp 6-7. Khu vực Đông bắc, Đồng bằng- Trung du Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa rất to.
Khu vực Hà Nội có gió giật cấp 6-8 và mưa to.
* Hồi 15 giờ ngày 19/08, bão số 3 tiếp tục ảnh hưởng đến các tỉnh Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/h), giật cấp 10-11. Dự báo: Trong 3-6 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15-20km.
Ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình có gió giật cấp 10-11. Các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên có gió giật cấp 7-9; Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Hòa Bình có gió giật cấp 6-8. Khu vực Đông bắc, Đồng bằng- Trung du Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa rất to.
Khu vực Hà Nội có gió giật cấp 7-9 và mưa to.
Sóng lớn tại khu vực huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Ảnh Tuổi trẻ.
* Hồi 14 giờ ngày 19/8, vị trí tâm bão số 3 ở vào khoảng 20,7 độ Vĩ Bắc; 106,4 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh Hải Phòng, Thái Bình. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 10-12.
Dự báo trong 12 giờ tới (đến 01h ngày 20/8), bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km, tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp đến Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, ở Vịnh Bắc Bộ (bao gồm các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cát Hải, Cô Tô, Vân Đồn) có gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 10-12, sóng biển cao từ 3-5m. Biển động rất mạnh.
Ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình có gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 10-12. Vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Thái Bình có nước dâng do bão kết hợp thủy triều cao 3,0-3,5m. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.
Các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-9; Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa có gió giật cấp 6-8.
Khu vực Hà Nội có gió giật cấp 6-8 và mưa 100-200mm.
Đến 01 giờ ngày 20/8 suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, vị trí ở vào khoảng 21,1 độ Vĩ Bắc; 104,3 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh phía Tây Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 7-8.
Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành vùng áp thấp trên khu vực thượng Lào.
Cảnh báo mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất
Từ nay đến hết ngày 20/8, tiếp tục xảy ra mưa lớn diện rộng trên toàn khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Tổng lượng mưa cả đợt từ đêm 19/8 đến hết ngày 20/8 ở vùng ven biển Quảng Ninh-Hải Phòng, khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ, phổ biến 100-250mm, có nơi trên 250mm; các khu vực khác ở Bắc Bộ, Thanh Hóa-Quảng Bình phổ biến 50-150mm, có nơi trên 150mm. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2.
Mực nước trên hệ thống sông Hồng-Thái Bình, sông Hoàng Long, sông Kỳ Cùng, sông Bằng, sông Đáy, sông Đào sẽ lên nhanh. Biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 2-5m, hạ lưu từ 2-3m. Đỉnh lũ trên sông Cầu, sông Thương, sông Bằng, sông Đáy, sông Đào, hạ lưu sông Thái Bình ở mức báo động I; sông Thao, sông Lục Nam, sông Kỳ Cùng, sông Hoàng Long ở mức báo động II; thượng lưu sông Mã, sông Bưởi lên trên mức báo động II, hạ lưu lên mức báo động I đến báo động II; sông Cả, sông La lên mức báo động I.
Nguy cơ cao xảy ra lũ lớn, lũ ống, lũ quét trên các sông suối nhỏ, sạt lở đất ở Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh và vùng núi các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh; ngập úng ở đồng bằng Bắc Bộ và vùng trũng thấp ở Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh). Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2.
Chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có chỉ đạo cụ thể tới các bộ, ngành và địa phương nằm trong vùng dự báo chịu ảnh hưởng của bão số 3.
Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tập trung chỉ đạo Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia theo dõi sát diễn biến của bão, mưa lũ, dự báo kịp thời, chính xác để cung cấp thông tin đến người dân, giúp người dân chủ động ứng phó.
Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn các cơ quan thông tin đại chúng tăng tần suất, thời lượng phát sóng, cập nhật thường xuyên tình hình, diễn biến bão, những chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong ứng phó với bão.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tập trung chỉ đạo ngành thuỷ sản phối hợp với Bộ đội Biên phòng rà soát, kiểm đếm lại tàu thuyền trên biển, đặc biệt là tàu thuyền hoạt động ở vùng nguy hiểm. Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu các tàu, thuyền phải di chuyển vào nơi tránh trú an toàn, không để tàu thuyền nào còn hoạt động trên biển trong vùng ảnh hưởng của bão.
Bộ NN&PTNT cũng cần chỉ đạo các địa phương rà soát, bảo đảm an toàn đê biển, an toàn hồ, đập, có các biện pháp cấp bách để xử lý, bảo đảm vận hành an toàn cho đê, hồ, đập. Đồng thời, chủ động tiêu nước, chống ngập úng, tổ chức tuần tra, canh gác, hộ đê theo các cấp báo động.
Bộ Công Thương tập trung chỉ đạo vận hành an toàn các đập thuỷ điện, chủ động phòng chống lũ cho hạ du; triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho hệ thống điện, các hầm, lò khai thác khoáng sản, chủ động dự trữ hàng hoá thiết yếu để cung cấp khi có yêu cầu.
Bộ Xây dựng phối hợp với các bộ, ngành, địa phương bảo đảm an toàn hồ, đập, các công trình trọng yếu; cần chủ động bảo vệ các công trình tháp cao, công trình đang xây dựng hoặc có nguy cơ sụp đổ cao.
Bộ Giao thông vận tải tập trung bảo vệ đường, công trình giao thông, bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt, khắc phục nhanh nhất hậu quả nếu có.
Bộ Công an kiểm tra, kiểm soát, bảo đảm giao thông, tăng cường cảnh báo an toàn cho người dân; cần bố trí lực lượng tại các khu vực xung yếu, sẵn sàng hỗ trợ các địa phương. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Lực lượng vũ trang là nòng cốt trong huy động, tổ chức lực lượng”.
Đối với các địa phương, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu UBND các tỉnh theo dõi chặt chẽ diễn biến, thường xuyên cập nhật tình hình, không để xảy ra bị động, bất ngờ với phương châm “4 tại chỗ”; đánh giá cụ thể nguy cơ ảnh hưởng của mưa lũ để chủ động ứng phó; chủ động phương án tiêu thoát nước cho đô thị, sản xuất nông nghiệp; tuỳ tình hình mưa bão để có phương án chủ động cho học sinh nghỉ học nhằm tránh tai nạn.
Các địa phương ven biển tập trung cấm tàu thuyền ra khơi, neo đậu, tổ chức sơ tán người dân khỏi nơi nguy hiểm.
Các tỉnh miền núi, trung du chủ động có phương án phòng chống lũ, giảm thiểu thiệt hại, bảo đảm tính mạng, tài sản cho người dân.
Điện của Bộ Tổng Tham mưu
Bộ Tổng Tham mưu có Điện số 97/TK gửi: Quân khu 1, 2, 3, 4; các Tổng cục: Chính trị, Hậu cần, Kỹ thuật, Công nghiệp Quốc phòng và Tổng cục II; các Bộ Tư lệnh: Quân chủng Hải quân, Quân chủng Phòng không - Không quân, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Thủ đô Hà Nội; các Quân đoàn: 1, 2; Binh chủng: Công binh, Thông tin liên lạc.
Theo đó, Bộ Tổng Tham mưu yêu cầu: Các đơn vị duy trì nghiêm chế độ trực; thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình mưa lũ và diễn biến của ATNĐ/bão, có biện pháp bảo đảm an toàn cho phương tiện, kho tàng, doanh trại; khi có tình huống chủ động tham mưu, hỗ trợ chính quyền địa phương các biện pháp ứng phó, xử lý kịp thời và phát huy triệt để phương châm “4 tại chỗ”. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn khi có lệnh. Chú ý bảo đảm an toàn khi sử dụng lực lượng, phương tiện.
Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng: phối hợp với các địa phương ven biển và ngành Thủy sản kiểm đếm, thông tin, kêu gọi, hướng dẫn cho các chủ phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển về diễn biến của ATNĐ/bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không đi vào vùng nguy hiểm.
Quân khu 1, 2, 3, 4; Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội; Quân đoàn 1, 2: Chỉ đạo Bộ Chỉ huy Quân sự các tỉnh, thành phố, các đơn vị thuộc quyền chủ động phối hợp với chính quyền địa phương và các ngành chức năng, kiểm tra, rà soát các hồ đập đã đầy nước có thể xảy ra sự cố; khu vực có nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, bờ suối, khu vực thấp trũng, ngập úng; khu vực vùng sâu, vùng hẻo lánh, cách trở; các hầm lò khai thác khoáng sản; hỗ trợ chính quyền địa phương cương quyết sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm; điều chỉnh, bổ sung các phương án ứng phó khi có tình huống.
Các Tổng cục: Hậu cần, Kỹ thuật, Công nghiệp Quốc phòng, II; các đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ của mình chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra đơn vị thuộc quyền sẵn sàng ứng phú với mưa lũ, ATNĐ/bão.
Kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú
Ban Chỉ đạo TW về Phòng, chống thiên tai -Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn tiếp tục có Công điện hỏa tốc số 19 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới. Kiểm đếm kêu gọi tàu, thuyền đang hoạt động ở Vịnh Bắc Bộ, đặc biệt là tàu du lịch và các tàu thuyền nhỏ về nơi tránh trú an toàn.
Đồng thời quản lý chặt chẽ các hoạt động du lịch trên đảo, nhất là đối với đảo thuộc tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng; chủ động triển khai các phương án bảo đảm an toàn cho người và phương tiện.
Thực hiện nghiêm túc Công điện số 18, nhất là sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó, đảm bảo an toàn cho người dân ở những khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất.
Công điện của Bộ Công An
Ban Chỉ đạo ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Công an có Công điện gửi Ban Chỉ huy ứng phó biến đối khí hậu, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn Công an; Cảnh sát phòng cháy chữa cháy tỉnh, thành phố: Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Yên Bái, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Giang, Bắc Ninh, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh; Ban Chỉ huy PCTT & TKCN Tổng cục Cảnh sát Thi hành án Hình sự và Hỗ trợ Tư pháp, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động; Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn; Cục Cảnh sát giao thông.
Theo đó, Bộ Công an đề nghị các đơn vị, địa phương chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc Công điện số 18/CĐ-TW ngày 16/8/2016 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn và chỉ đạo của chính quyền địa phương về đối phó với diễn biến của ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão và các tình huống mưa, lũ.
Đối với Công an, Cảnh sát PCCC các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh theo dõi chặt diễn biến của ATNĐ, Bão, mưa lũ phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tại nơi neo đậu, tránh trú của tàu thuyền.
Đối với Công an, Cảnh sát PCCC các tỉnh miền núi Trung du Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ: Theo dõi chặt chẽ diễn biến của ATNĐ, Bão, mưa, lũ trên các phương tiện thông tin đại chúng. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện phối hợp cùng cơ quan chức năng triển khai phương án sơ tán nhân dân tại các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, suối, khu vực hầm lò khai thác khoáng sản và công tác cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Triển khai phương án đảm bảo an toàn giao thông, kịp thời giải tỏa ách tắc giao thông khi cần thiết; bố trí lực lượng để tổ chức hướng dẫn, phân luồng, kiểm soát giao thông tại các khu vực ngầm, đường bị ngập, đò ngang, đò dọc, nơi sạt lở nguy hiểm. Kiên quyết không cho người và phương tiện di chuyển khi không đảm bảo an toàn.
Đảm bảo tuyệt đối an toàn trụ sở cơ quan, doanh trại, trại tạm giam, nhà tạm giữ, trường giáo dưỡng; các mục tiêu kinh tế, chính trị trọng điểm… do lực lượng Công an canh gác, bảo vệ. Chủ động bố trí lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn, nhu yếu phẩm theo phương châm “4 tại chỗ” tại các khu vực xung yếu, nhất là các khu vực dễ bị chia cắt. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24h, thực hiện chế độ thông tin báo cáo hàng ngày trước, trong và sau ATNĐ, Bão, mưa lũ về Ban Chỉ đạo (qua Văn phòng ƯPT: SĐT 069.23.201.60, 069.23.201.52, Fax 069.23.201.52, 069.23.201.60).
Công điện số 18 của Ban chỉ đạo TW PCTT
Để chủ động đối phó với diễn biến của áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai- Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đã có Công điện số 18, ngày 16/8, đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh và các tỉnh miền núi, trung du Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ; các Bộ: Quốc phòng, GTVT, Ngoại giao, TNMT, Thông tin và Truyền thông, NNPTNT; Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Hệ thống Đài Thông tin Duyên Hải chỉ đạo triển khai thực hiện một số nội dung sau:
Các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh: Theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới /bão; thông báo cho chủ các phương tiện tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh, hoặc thoát ra khỏi, không đi vào khu vực nguy hiểm.
Vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới được xác định là Bắc vĩ tuyến 20 (vùng nguy hiểm sẽ được điều chỉnh tùy theo diễn biến của áp thấp nhiệt đới/bão).
Kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu thuyền; giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.
Các tỉnh miền núi, trung du Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ: Thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình mưa lũ, thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền và người dân, nhất là tại các vùng sâu, vùng xa để chủ động các biện pháp phòng tránh; tổ chức kiểm tra, rà soát tại những khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập úng, sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó đảm bảo an toàn về người và tài sản.
Chỉ đạo kiểm tra an toàn đập; vận hành cửa van; xả nước đón lũ để đảm bảo an toàn đập và vùng hạ lưu hồ chứa, đặc biệt là các hồ chứa đã đầy hoặc gần đầy nước. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra.
Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn.
* Tổng cục Đường bộ Việt Nam có Công điện khẩn số 23/CĐ-TCĐBVN về chủ động ứng phó với mưa lớn kéo dài trên diện rộng gửi các Cục Quản lý đường bộ: I và II; Các Sở GTVT: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Giang, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn,Yên Bái, Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An.
Theo đó, để kịp thời khắc phục các thiệt hại do mưa lũ gây ra bảo đảm giao thông thông suốt, Tổng cục ĐBVN yêu cầu các đơn vị thực hiện công tác bảo trì đường bộ tăng cường công tác tuần đường, phát hiện kịp thời các vị trí sạt lở, ngập úng.
Đồng thời, cử người trực gác, hướng dẫn giao thông tại các vị trí có nguy cơ bị ngập sâu, nước chảy xiết, nhất là qua ngầm, tràn, bến phà, cầu phao.
Thực hiện phương châm 4 tại chỗ để khi nước rút đến đâu khẩn trương khắc phục sự cố hư hỏng đến đó; tập trung hót dọn đất đá ở các vị trí sụt lở ta luy dương và gia cố lại vị trí ta luy âm để bảo đảm giao thông.
Đối với các vị trí sạt lở lớn tắc giao thông phải cử ngay Lãnh đạo Cục QLĐB, Lãnh đạo Sở GTVT đến hiện trường, triển khai ngay phương án phân luồng giao thông từ xa; khẩn trương khắc phục sự cố, huy động tối đa máy móc, trang thiết bị và nhân lực hiện có trên địa bàn để bảo đảm thông xe với thời gian nhanh nhất.