Bão tan, tiếp tục mưa lớn
Chiều muộn ngày 19/8, tâm bão số 3 đã lướt qua các tỉnh Thái Bình, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương, vào tới Hà Nội thì suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, kèm theo mưa to.
Bảo đảm giao thông tại Bãi Cháy (Quảng Ninh) trong cơn bão số 3.
Trưa và chiều 19/8, tâm bão số 3 (Thần sấm) đã đổ bộ trực tiếp vào các tỉnh Đông Bắc Bộ, gây mưa to đến rất to trên diện rộng. Ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình có gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 10-12. Vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Thái Bình có nước dâng do bão kết hợp thủy triều cao 3,0-3,5m.
Các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-9; Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa có gió giật cấp 6-8. Khu vực Hà Nội có gió giật cấp 6-8 và mưa 100-200mm.
Tuy bão đã suy yếu, tại Thanh Hóa, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vẫn yêu cầu tỉnh bảo đảm an toàn cho người dân, kiên quyết không để người dân còn ở lại những khu vực nguy hiểm. “Chúng ta tuyệt đối không được lơ là, chủ quan trong việc triển khai các biện pháp phòng chống bão số 3. An toàn của người dân là trên hết. Sau khi đã di dời người dân ở khu vực nguy hiểm, các đầm nuôi thủy sản cần tiếp tục rà soát để bảo đảm không còn người còn sót lại, ở lại”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Cũng tại Thanh Hóa, thông tin từ UBND huyện miền núi Mường Lát chiều ngày 19-8 cho biết: Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, trên địa bàn huyện xảy ra mưa lớn kéo dài, khiến QL15C nối Mường Lát với các huyện miền xuôi của Thanh Hóa vừa được xử lý sạt lở, thông tuyến lại tiếp tục làm sạt lở ở các điểm sạt lở cũ, khiến cho Mường Lát lại rơi vào cảnh bị cô lập, chia cắt với các huyện khác. Để đối phó với hoàn lưu sau bão, chính quyền và nhân dân địa phương đã và đang chuẩn bị tốt nhất các phương tiện, giải pháp để đối phó với mưa, lũ do bão.
Tại Quảng Ninh, tiếp tục kiểm tra, đôn đốc công tác ứng phó với cơn bão số 3, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng lưu ý, tỉnh cần quan tâm sâu sắc tới các tuyến đê biển xung yếu, trong đó có những điểm trong đê thấp hơn 1m so với mặt nước biển, đang bị xuống cấp hoặc chưa được xây dựng đê bao. Nếu nước sông lên cao có thể tràn đê, ảnh hưởng tới vùng trũng của 8 xã với hơn 6 vạn dân.
Còn tại Hà Nội, trong ngày 19/8, mưa lớn làm nhiều nhà bị tốc mái, 3 người bị thương, nhiều cây cổ thụ bật gốc, “hạ gục” 2 ôtô và 6 xe máy. Theo báo cáo của Công ty TNHH Công viên Cây xanh Hà Nội, địa bàn thành phố có khoảng 100 cây xanh bị đổ, gãy cành. Cùng đó, nội thành Hà Nội có một số tuyến đường bị ách tắc cục bộ do ngập nặng.
Chiều 19/8, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải và Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chủ trì họp trực tuyến với toàn bộ các sở, ngành, quận, huyện, thị xã về công tác ứng phó với cơn bão số 3. Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã nêu 8 vấn đề cần thực hiện triển khai ngay trong công tác ứng phó với cơn bão số 3 và khắc phục hậu quả khi cơn bão đi qua.
Bão số 3 tuy đã suy yếu thành áp thấp, nhưng cơ quan chức năng vẫn tiếp tục lưu ý về sự khó lường của cơn bão này. Đặc biệt, hoàn lưu sau bão là khó dự báo. Mưa lớn sẽ vẫn tiếp tục xảy ra ở một số địa phương Bắc Bộ và miền núi phía Bắc, gây sạt lở; cùng đó nước sông lên cao bất thường dẫn đến lũ lụt. Do đó, các địa phương phía bắc trong phạm vi ảnh hưởng của báo số 3 vẫn cần tiếp tục đề phòng.