'Bắt' đất nở hoa
Thật khó có thể hình dung từ một vùng đất khô cằn, sỏi đá, mỗi năm chỉ sản xuất được 1 vụ Đông Xuân, cựu chiến binh Trương Thuận Lực đã có sáng kiến dẫn nước từ khe suối trên núi cao về, làm hồi sinh vùng đất chết, bắt đất phải nở hoa.
Nuôi cá mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình ông Lực.
Nằm giữa cánh đồng Phú Sơn là ngôi nhà của vợ chồng cựu chiến binh Trương Thuận Lực, ở thôn Phú Sơn, xã Tịnh Hiệp. Ông chia sẻ, “tôi rất thích câu thơ: Bàn tay ta làm nên tất cả/có sức người sỏi đá cũng thành cơm. Câu thơ là động lực để tôi biến ước mơ của mình thành hiện thực. Từ chỗ trên một cánh đồng không có nguồn nước Thạch Nham tôi đã suy nghĩ tìm một nguồn nước để phục vụ cho chăn nuôi, trồng trọt”.
Sinh ra và lớn lên trên đất đồng gieo, người cựu chiến binh này đã hiểu, nước với đồng gieo quan trọng như thế nào. Mọi sinh vật sống đều phải nhờ tới nước, không có nước, đồng gieo mãi mãi sẽ khô cháy. Vậy là ông bắt tay vào chinh phục đất khó.
Đầu tiên là cải tạo được hai hố bom thành hai hồ nuôi cá, với diện tích 1.000 mét vuông. Để có nguồn nước cung cấp cho 2 hồ cá, vợ chồng ông đã đào giếng, nhưng nguồn nước ở đây nhiễm phèn nên cá chậm lớn và chết nhiều. Trong khó khăn, ông đã lóe lên ý tưởng đưa nước từ trên núi cao về.
Từ sườn núi Chóp Chài cách nhà ông 1,5 km, để có được mạch nước ngầm, cựu chiến binh Trương Thuận Lực đã mất bao công sức để đào đắp, đưa nước về tưới cho cánh đồng rộng hơn 1ha, đồng thời phục vụ cho việc sinh hoạt, chăn nuôi của nhiều hộ dân tại địa phương. Ròng rã hơn 3 tháng đào đất và mất hơn 1.500 mét đường ống mới dẫn được nước về.
Hành trình đưa nước về cũng thật lắm gian nan. Vợ chồng Lực phải vận động người dân cho lắp ống nước nơi có đường ống đi qua, rồi nghiên cứu kỹ cách thức lắp đặt ống...Sau bao vất vả nguồn nước từ chân núi Chóp Chài đã được dẫn về. Bà Đỗ Thị Vân, vợ ông Lực xúc động nói: “Tôi không dám nghĩ là gia đình đã thành công. Có nước tức là mình đã hoàn thành được 80% phần việc rồi”.
Có nước từ núi cao dẫn về, gia đình ông Lực bắt tay vào sản xuất chăn nuôi, trồng trọt. Trước kia, mảnh đất này là căn cứ cách mạng, nên đã từng hứng chịu không biết bao nhiêu là bom đạn của địch và bằng chứng để lại là hơn 20 hố bom rất lớn. Lúc đó, ông Lực là du kích địa phương và vợ là bộ đội Tiểu đoàn 81 của tỉnh. Hai vợ chồng đều là thương binh hạng 4/4 .
Sau chiến tranh hai vợ chồng phải vất vả lao động, xây dựng cuộc sống mới. Từ những hố bom trong chiến tranh, hai vợ chồng đã cật lực ngày đêm vét hố bom thành hồ nuôi cá, rồi lên núi thồ từng tảng đá lớn về kè bờ chống sạt lở. Đến nay, gia đình ông Lực có tổng cộng 4 ao nuôi cá. Mỗi năm thu hoạch hai lần, trừ chi phí bình quân đem về cho ông 300 – 400 triệu đồng.
Ngoài việc đào ao nuôi cá, ông còn mạnh dạn đầu tư chăn nuôi 1 con bò sinh sản, 11 con heo thịt, 10 con heo ki, 50 con gà, vịt, ngỗng. Bên cạnh đó, ông còn khai hoang, phục hóa trồng 10 ha rừng nguyên liệu gồm keo lai giâm hom, trồng 1 ha hoa màu, lúa.
Nhờ có nguồn thu nhập ổn định, ông Lực đã đầu tư nuôi 5 người con ăn học, đến nay các con của ông đều trưởng thành và hiện 4 người con đã có việc làm ổn định. Điều đáng quí của người cựu chiến binh Trương Thuận Lực không những biết làm giàu cho bản thân mà còn chỉ bảo, giúp đỡ các hội viên cựu chiến binh, người nghèo cách thức làm ăn, phát triển kinh tế.
Ở tuổi 66, nhưng ông Trương Thuận Lực vẫn miệt mài, hăng say lao động, sản xuất bên gia trại của mình.