Dân vẫn chưa yên vì đường chưa hết ngập
Từ đầu mùa mưa đến nay, người dân TP HCM tại nhiều khu vực vùng trũng thuộc Q.2, 6, 8, 11, 12, Thủ Đức, Bình Thạnh, Bình Tân… vẫn phải bì bõm đi về dưới đường ngập nước. Điều đáng nói, dù những cơn mưa chỉ ở mức độ vừa phải, song đường vẫn bị ngập, đặc biệt là tình trạng ngập tại các trục đường cửa ngõ phía Đông.
Mưa lớn, nhiều nơi trong TP HCM bị ngập.
Một số dự án chống ngập đang triển khai xây dựng, nhưng chưa hoàn thiện đồng bộ hệ thống cống thoát nước cũng đã khiến ngập nội bộ tại nhiều tuyến đường. Điển hình như dự án chống ngập trên tuyến đường Kinh Dương Vương mà báo Đại Đoàn Kết đã có loạt bài phản ánh, khi mới được triển khai đã vấp phải sự phản ứng của hàng trăm hộ dân sống hai bên đường.
Lý do công trình chống ngập trên tuyến đường này (kinh phí đầu tư xây dựng 300 tỷ đồng) thi công bằng giải pháp nâng mặt đường Kinh Dương Vương lên cao trung bình 0,7m, phần vỉa hè nâng từ 0,4 - 1,2m. Trong khi đó, cao độ hoàn chỉnh mặt đường được nâng trung bình 0,7m và vỉa hè nâng cao từ 0,4 - 1,2m.
Tuy nhiên điều này cũng đồng nghĩa nhà ở và công trình xây dựng dọc hai bên đường sẽ thấp hơn vỉa hè 0,6 -1 m. Do đó, công trình đã và đang ảnh hưởng thực sự nghiêm trọng đến đời sống, kinh doanh của các hộ dân, trong đó viễn cảnh chua chát, dở khóc dở cười là sẽ có không ít nhà dân trở thành nơi chứa nước mỗi khi có mưa lớn kết hợp triều cường dâng cao.
Không chỉ đối với công trình chống ngập Kinh Dương Vương, một số dự án chống ngập được cho là trọng điểm nhưng tốc độ triển khai vẫn rất chậm chạp. Trong đó, năm 2016 dự kiến xây dựng xong 3 hồ điều tiết, nhưng đến nay các dự án này thậm chí vẫn chưa triển khai xây dựng được. Có dự án, như dự án nâng mặt đường Kinh Dương Vương chống chế rằng, đã hỏi ý kiến người dân và đa số ý kiến người dân đồng thuận về triển khai dự án. Thế nhưng thực tế thì sao?
Sự việc trở thành tâm điểm khi chính Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm đã chất vấn gay gắt vấn đề chống ngập tại kỳ họp lần thứ 2 HĐND TP khóa IX vừa diễn ra, rằng: “Vì sao hỏi ý kiến người dân rồi nhưng khi triển khai người dân lại phản ứng gay gắt như vậy. Ở đây, cần rút kinh nghiệm là khi lấy ý kiến người dân tránh làm theo kiểu hình thức, mà cần thực chất hơn, phải công khai, minh bạch thông tin dự án và giải thích cho người dân hiểu, để có ý kiến sát thực tế”.
Khi các dự án tồn đọng chưa thể nghiệm thu đi vào hoạt động để giải quyết tình trạng ngập cho TP HCM thì UBND TP tiếp tục đầu tư dự án có tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, được coi là công trình chống ngập có mức đầu tư lớn nhất từ trước đến nay ở TP HCM.
Dự án tham vọng giải quyết ngập cho 5 lưu vực ngoại vi thành phố rộng 550km2 thuộc lưu vực trung tâm, phía Bắc, phía Tây, một phần Đông Bắc, Đông Nam của thành phố, với khoảng 6,5 triệu dân sẽ được thoát ngập. Tuy nhiên, viễn cảnh vẫn rất mờ nhạt, chưa nói là rất xa vời.
Theo Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP HCM chỉ tính trong giai đoạn 2016-2020 thành phố cần đến hơn 97.000 tỷ đồng cho quy hoạch thoát nước để chống ngập. Có nghĩa rằng, dự án 10.000 tỷ nêu trên chưa giải quyết triệt để được tình trạng ngập đã tồn tại quá lâu, mãi vẫn không thể giải quyết dứt điểm.