Phá trận cát cứ
Liên kết để chia sẻ lợi thế cũng như giảm nhẹ rủi ro là quá trình tất yếu của sự phát triển. Dưới tác động của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, các dòng chảy văn hóa, dịch chuyển dân cư, sự cố môi trường… buộc phải có sự liên kết để cùng nhau giải quyết các vấn đề nảy sinh vượt qua giới hạn của mỗi địa phương. Tuy nhiên, sự liên kết vùng không đơn giản chỉ là phép cộng của tất cả các thành viên trong tâm thế “cát cứ”, chỉ biết giành phần lợi cho riêng mình. Về thực chất khi xử lý công vi
Cần đẩy mạnh liên kết vùng để cùng phát triển lợi thế của từng địa phương.
Bức tranh liên kết của nền kinh tế Vệt Nam từng được các chuyên gia hình dung bởi 64 mảnh ghép, từ sự cấu thành của 63 nền kinh tế địa phương cộng với 1 nền kinh tế trung ương. Điều đáng nói là, tuy nằm chung trong một “bức tranh”, song cả 64 mảnh ghép này mặc dù giống hệt nhau nhưng lại khá độc lập với nhau. Hiện tượng này là kết quả của việc phân cấp, tổ chức nền kinh tế theo đơn vị tỉnh, thành. Trong khi các tỉnh, thành lại độc lập với nhau về quyền lực điều hành và lợi ích, trên cả hai tuyến quản lý hành chính cũng như ngân sách.
Các nền kinh tế này có quy mô nhỏ bé, dân số trung bình 1-2 triệu người với GDP đầu người bình quân năm 2015 chỉ khoảng 2.100 USD. Đa số các tỉnh, thành đều gặp những giới hạn nghiêm ngặt của cơ chế và nguồn lực “đóng cửa” nên hầu như không thể bứt phá. Giới hạn này mang tính nguyên tắc, là đặc điểm cố hữu, tất nhiên của hệ thống cơ chế “kinh tế tỉnh (thành phố) ta”.
Về mặt quản lý nhà nước, trên thực tế hầu như chỉ tồn tại mối liên hệ “dọc” từ trung ương đến địa phương. Trong cơ chế kinh tế kế hoạch hóa tập trung, mối liên hệ dọc này tạo thành cốt lõi của cơ chế “xin-cho”, mảnh đất màu mỡ cho các hiện tượng bất công và tiêu cực.
Tình trạng các tỉnh, thành đua nhau làm khu công nghiệp, đua nhau làm cảng biển, đua nhau thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) bằng cách “hạ giá” địa phương mình, tìm cách gây khó khăn cho địa phương bạn từng xảy ra, nay không còn là chuyện hiếm. Đây là những hiện tượng gây tổn thất to lớn ở tầm quốc gia, dù xét từng địa phương có thể được cho là có hiệu quả.
Theo các chuyên gia, cấu trúc “nền kinh tế tỉnh, thành” chứa đựng những yếu tố và xu hướng phát triển đi ngược lại một nguyên lý cơ bản của kinh tế học - nguyên lý lợi thế quy mô, nguyên lý phân công - hợp tác. Điều này cũng đi ngược lại xu hướng phát triển kinh tế hiện đại là thiết lập và mở rộng phạm vi chuỗi liên kết, mạng sản xuất, cụm công nghiệp, chưa kể khi buộc phải ngăn chặn hay xử lý sự cố, thảm họa môi trường trên diện rộng.
Muốn thoát khỏi giới hạn chật hẹp, kém hiệu quả của cơ chế “kinh tế tỉnh, thành”, không thể chỉ dừng lại ở việc chỉnh sửa, cải tiến hay “cơi nới” cơ chế phân quyền, phân cấp kinh tế hiện tại mà phải thay nó bằng một cơ chế khác đó là thể chế vùng kinh tế.
Nhận ra điều này khá sớm, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về phát triển vùng. Tuy nhiên, trong suốt quá trình thực thi vẫn còn khá nhiều bất cập, hạn chế như các vùng chưa thật sự phát huy tiềm năng, thế mạnh mang tính đặc thù của vùng; trình độ phát triển giữa các vùng còn có sự chênh lệch khá lớn.
Cụ thể, các vùng kinh tế trọng điểm chưa thực sự phát huy vai trò đầu tàu, có tác dụng lan tỏa để hình thành nên các chuỗi giá trị liên kết kinh tế nội vùng và liên vùng. Các quy hoạch tổng thể và quy hoạch ngành theo vùng chưa thực sự là công cụ hữu hiệu trong định hướng, điều phối, phân bổ ngân sách, thu hút đầu tư, quản trị không gian kinh tế-xã hội, đặc biệt là thực hiện vai trò ràng buộc liên kết nội vùng.
TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, việc liên kết vùng hiện nay vẫn dưới dạng tự nguyện, tự phát là chủ yếu, “thích thì làm không thích thì thôi” hoặc làm kiểu chiếu lệ.Thực tế này dẫn đến tình trạng nhiều quy hoạch phát triển kinh tế của các địa phương trong vùng trùng lặp, chồng chéo gây lãng phí nguồn lực phát triển trên quy mô lớn.
Bí thư Thành uỷ TP HCM Đinh La Thăng mới đây cũng tỏ ra lo ngại khi liên kết vùng chưa phát triển so với tiềm năng của vùng trọng điểm kinh tế bởi vì “địa phương nào thì chỉ nghĩ cho lợi ích địa phương đó”. Theo Bí thư Thăng, từ trước đến nay các tỉnh, thành nói liên kết vùng nhưng chưa có cơ chế điều hành thực sự, chưa có giải pháp phù hợp. “Các vấn đề nội vùng được giải quyết một cách phân tán theo lợi ích của từng địa phương” - ông Thăng nhận định.
Các nghiên cứu của Ban Kinh tế Trung ương gần đây cho thấy nguyên nhân của hạn chế trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng về phát triển vùng như: thiếu thể chế, chính sách liên kết vùng; chưa có tổ chức điều phối vùng đủ mạnh; chưa tạo được sự đồng thuận cao giữa các địa phương trong vùng; cũng như sự liên kết các vùng với nhau... Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các địa phương trong việc thi hành chính sách thu hút và phân bổ đầu tư còn nổi lên vấn đề như: “mạnh ai nấy chạy”, giữa các tỉnh, thành tạo ra một tình trạng cạnh tranh, chạy đua thu hút đầu tư, thi nhau “trải thảm đỏ” mời gọi các nhà đầu tư vào địa phương mình, nhiều hình thức ưu đãi được áp dụng (giảm thuế, giảm giá thuê đất, thậm chí cả giảm các điều kiện về môi trường...) khiến lợi ích tổng thể giảm ở cấp độ quốc gia cũng như trong từng vùng, từng địa phương. Một vấn đề khác là chưa tạo sự đồng bộ thống nhất giữa quy hoạch vùng với quy hoạch các ngành và quy hoạch tổng thể các địa phương dựa trên cơ sở lợi thế so sánh từng vùng.
Ngoài ra, cơ sở khoa học cho lập quy hoạch vùng cũng như địa phương tạo các liên kết vùng là hệ thống cơ sở dữ liệu vùng cũng chưa được xây dựng. Điều này là một cản trở lớn trong công tác đánh giá, giám sát, dự báo và lập quy hoạch, kế hoạch theo vùng và có những dự báo tốt cho điều hành vĩ mô.
Lợi ích chiến lược của kinh tế vùng là rõ ràng, nợ xóa bỏ tình trạng manh mún, chia cắt và cát cứ theo tỉnh hiện nay, quy hoạch phát triển vùng sẽ hiệu quả hơn nhờ tránh được chồng chéo, lãng phí. Việc thực hiện quy hoạch phát triển vùng sẽ tránh được các xung đột cục bộ cũng như những phản đối xuất phát từ lợi ích nhóm. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo, việc thay đổi cấu trúc tổ chức hành chính - nhà nước luôn luôn là điều không dễ dàng, luôn luôn chứa đựng khả năng gây xung đột lợi ích nhóm một cách gay gắt.