Bánh Trung thu: Ăn một miếng mà lo ngay ngáy
Càng gần đến Trung thu, thị trường càng xuất hiện nhiều loại bánh nướng, bánh dẻo phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Bên cạnh các thương hiệu lớn đã quen thuộc với người tiêu dùng như Kinh Đô, Hữu Nghị… Năm nay, xuất hiện thêm nhiều cửa hàng bán bánh trung thu “handmade”, tuy nhiên, theo giới chuyên gia, cần phải cảnh giác với vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.
Người tiêu dùng nên lựa chọn sản phẩm bánh trung thu có xuất xứ rõ ràng.
Còn gần một tháng nữa là Tết Trung thu, thị trường đã xuất hiện rất nhiều cửa hàng bày bán các loại bánh nướng, bánh dẻo phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Khảo sát tại các phố Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương, Bà Triệu, Trần Duy Hưng (Hà Nội)… các loại bánh trung thu thương hiệu Kinh Đô, Hữu Nghị, Bibica đã được quảng cáo rầm rộ với cách trang trí bắt mắt.
Ngoài những thương hiệu nổi tiếng đã được người tiêu dùng biết đến lâu nay, năm nay xuất hiện nhiều hơn các dịch vụ bánh trung thu “handmade”. Nhiều nhân viên công sở tranh thủ dịp này cũng thể hiện “nghề tay trái” nhận đặt bánh nướng bánh dẻo và chủ yếu là cho người quen.
Chị Hồ Thu Thủy, nhân viên ngành ngân hàng ở phố Lê Trọng Tấn (Hà Nội) cho biết, chị rất thích làm các loại bánh ngọt, hầu như các dịp sinh nhật bạn bè chị đều tự làm bánh gato để tặng bạn. Trung thu năm nay chị Thủy cũng tự làm bánh, bạn bè thấy đẹp thì đặt chị Thủy làm.
“Thấy mọi người đặt nhiều tôi cũng rất hào hứng làm thử. Mình làm vừa là đam mê, lại có sản phẩm bánh trung thu an toàn để phục vụ bạn bè, người thân”- chị Thủy chia sẻ.
Trên các trang mạng xã hội, cũng xuất hiện ngày một nhiều hơn các facebooker rao bán các loại bánh trung thu “handmade” vô cùng bắt mắt, hấp dẫn.
Lo lắng về an toàn vệ sinh thực phẩm đã thường nhật của mỗi người tiêu dùng, vì thế năm nay người tiêu dùng thích mua bánh trung thu do các gia đình làm, thay vì của hãng lớn. Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên gia ngành thực phẩm, chính các sản phẩm bánh trung thu “handmade” mới tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Lý do là bởi, nếu người tiêu dùng làm cho chính họ và gia đình, người thân ăn với số lượng ít, thì các loại nguyên liệu như nhân bánh, vỏ bánh… họ còn tự làm được, nhưng nếu làm với số lượng lớn thì nguy cơ các sản phẩm bánh handmade sử dụng các chất phụ gia, nguyên liệu mua ở chợ là không tránh khỏi.
Theo tìm hiểu của phóng viên, các loại nhân bánh, phụ gia để làm bánh trung thu được bày bán rất nhiều ngoài các chợ, cửa hàng tạp hóa, và có thể nói chợ Đồng Xuân (Hà Nội) năm nào cũng được coi là “thủ phủ” của các loại nhân bánh Trung thu: từ nhân thập cẩm đến các loại trứng muối, đậu xanh, khoai môn… đều được bày bán sẵn hết và hầu như được đóng gói trong túi nilon không hề ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ, hạn sử dụng. Đây mới chính là nơi tiềm ẩn lớn nhất về vấn đề mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ sinh học, công nghệ thực phẩm), người tiêu dùng nên có sự lựa chọn thật kỹ lưỡng đối với các sản phẩm bánh trung thu trên thị trường, không nên vì ham giá rẻ, hình thức bắt mắt mà mua những sản phẩm không đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Ngày 16/8 vừa qua, Đoàn công tác của Bộ Y tế đã bất ngờ kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại làng nghề bánh kẹo La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội và phát hiện nhiều vi phạm về an toàn thực phẩm trong sản xuất bánh trung thu.
Theo đó, qua kiểm tra cơ sở sản xuất bánh trung thu này, đã phát hiện một số chất phụ gia thực phẩm mà cơ sở này sử dụng không có nhãn mác quy chuẩn hợp quy và không có nguồn gốc rõ ràng.
Theo khuyến cáo của ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, người tiêu dùng cần thận trọng trong vấn đề kiểm tra xuất xứ, nhãn mác, thời gian sử dụng khi mua bánh trung thu. “Bánh trung thu để lâu hoặc ở môi trường nóng, ẩm rất dễ bị mốc, hư hỏng nên cũng phải kiểm tra trước khi mua dù thời hạn sử dụng vẫn còn. Tuyệt đối không mua, không sử dụng bánh trung thu không nhãn mác”- ông Phong nhấn mạnh.