Bà trùm 60 tuổi và mạng lưới ngân hàng ngầm ở Trung Quốc
Nhắc tới cụm từ ngân hàng ngầm, người ta thường nghĩ tới hình ảnh một kẻ mafia áo đen xuất hiện trong các quán bar hay hộp đen tối tăm. Nhưng ở Trung Quốc, đôi lúc đó lại là một cụ bà ở độ tuổi lục tuần điều hành đường dây này, trong khi hậu quả mà nó đem lại vẫn ghê gớm như thường.
Ảnh minh họa.
Trong tuần này, giới truyền thông Trung Quốc đã báo cáo vụ phá một đường dây ngân hàng ngầm ở Trung Quốc với tổng trị giá các hoạt động phi pháp lên tới 30 tỷ USD. Đó là một con số đáng rùng mình với nhiều người, nhưng với giới chuyên gia thì đó mới chỉ là phần nổi của một tảng băng trôi.
Vậy ngân hàng ngầm là gì? Đó là các hoạt động tài chính tồn tại bên ngoài ngành ngân hàng chính thống, giống như một kiểu “tín dụng đen”, nhưng quy mô lại lớn hơn nhiều.
Các khoản vay phi pháp này luôn tồn tại trong nền kinh tế Trung Quốc, và nó nảy nở mạnh nhất trong và sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn ra trong khoảng 2008-2009. Ngân hàng ngầm thường đưa ra các lựa chọn vay cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các nhà phát triển bất động sản đang khát vốn.
Chính quyền Trung Quốc có thời điểm đã phải phớt lờ thực trạng này, nhưng khi nhiều ngành công nghiệp ở nước này – như Internet – phát triển, ngân hàng ngầm cũng phát triển theo khiến họ không thể ngó lơ được nữa. Đó là lúc mà các chiến dịch truy quét được triển khai.
Một trong những vụ bắt giữ gây chấn động Trung Quốc mới đây nhất là đường dây ngân hàng ngầm phi pháp của một người phụ nữ tên Sun. Tờ Shanghai Daily cho hay bà Sun năm nay đã ở tuổi 60, nhưng vẫn điều hành một băng đảng chuyên cung cấp dịch vụ ngân hàng ngầm cho khoảng 100 khách hàng muốn mua bất động sản nước ngoài hoặc muốn trả phí cho con cái họ đi du học.
Đường dây vận hành khá trơn tru: Các khách hàng gửi tiền cho bà Sun bằng đồng Nhân dân tệ. Bà cùng mạng lưới các nhân viên sau đó chuyển lại lượng ngoại tệ tương tự vào tài khoản của khách hàng hoặc đến bất cứ đâu mà họ cần, thông qua một kênh trung gian nằm ngoài mạng lưới ngân hàng chính thống.
Rất khó để có thể lần ra những khách hàng sử dụng ngân hàng ngầm là ai, nhưng dường như các công ty, quan chức tham nhũng ở Trung Quốc luôn tìm đến dịch vụ này để chuyển tiền của họ ra nước ngoài. Một số quan chức địa phương thì gửi tiền vào đây vì muốn lãi suất cao, trong khi tầng lớp trung lưu cũng đua nhau đầu tư vào ngân hàng ngầm. Hơn nữa, các cư dân đại lục chỉ có thể đổi 50.000 USD giá trị ngoại tệ mỗi năm, điều này sẽ gây khó nếu ai đó mua hàng có giá trị lớn ở nước ngoài.
Tất cả đều bắt nguồn từ thực tế là Trung Quốc quá thiếu thốn các thể chế tài chính để người dân có thể đầu tư vào. Chính quyền nước này hiểu rõ điều đó và hiện đang phát triển khu vực tài chính, nhưng dù sao thì nó vẫn là một thị trường khá mới mẻ và trẻ đối với họ; trong khi các nhà đầu tư cũng thiếu hiểu biết về ngành này.
Chính quyền Trung Quốc bắt đầu lo sốt vó về hệ thống ngân hàng ngầm này, và ra sức bắt giam các cá nhân và tổ chức đứng đằng sau nó, với nỗ lực ngăn chặn nguồn tiền đổ ra nước ngoài khiến cho đồng NDT trở nên suy yếu và gây tình trạng thiếu vốn. Nhưng dường như đã quá muộn, bởi sau hàng thập kỷ cố tình ngó lơ sự phát triển của ngân hàng ngầm, Trung Quốc thực sự đã tạo nên một “con quái vật” tài chính mà giới chuyên gia cảnh báo là đã vượt ngoài tầm kiểm soát.
Văn phòng phụ trách Đầu tư của Moody mới đây cho hay ngân hàng ngầm ở Trung Quốc sẽ tiếp tục mở rộng một cách nhanh chóng, với tổng số tài sản mà chúng nắm giữ có thể lên tới 78% GDP của nước này. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thì cảnh báo về nguy cơ ngân hàng ngầm có thể khiến Trung Quốc “vỡ nợ” trong tương lai.