Thiếu vốn, nông dân dính bẫy tín dụng đen

Nguyễn Tuấn Anh 22/08/2016 08:35

Phần lớn đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung dựa vào sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên do chậm được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, một số khoản vay sản xuất thấp, cộng với thủ tục vay rườm rà, người dân không có tài sản thế chấp… đã tạo những rào cản, hàng ngàn hộ đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa lâm vào tình thế khó khăn phải ôm một khoản nợ lớn do vay “tín dụng đen” với lãi suất cao.

Chị H’Sanh Byă (ngoài cùng) và chị H’Rít lo lắng khi những khoản nợ đi vay nóng “tín dụng đen” giờ không biết lấy gì mà trả nợ.

Vay tiền không cần thế chấp

Gia đình có 1 ha đất, để có tiền đầu tư trồng cà phê anh Ma Luân, buôn Gram A, xã Cư Bao, thị xã Buôn Hồ đã đem sổ đỏ đi vay 200 triệu đồng từ Quỹ tín dụng cao su, thế nhưng do điều kiện khí hậu diễn biến phức tạp, thiếu nước tưới, giá tiêu, cà phê mấy năm qua xuống thấp nên dù chăm chỉ làm ăn nhưng anh vẫn chưa hoàn lại được vốn, đồng nghĩa với việc chưa lấy được sổ đỏ về.

Không chỉ nợ Quỹ tín dụng cao su gia đình anh còn nợ đại lý phân bón trong xã gần 100 triệu đồng tiền phân bón chăm sóc vườn cây, tiền vay mua trụ, giống tiêu, tiền vay để tiêu dùng trong gia đình.

Anh Ma Luân cho biết, năm 2015 thời tiết hạn hán nên vườn cà phê của gia đình cho năng suất thấp, sau 1 năm thu hoạch anh mới trả được 100 triệu đồng, hiện còn 200 triệu đồng mỗi năm phải đóng thêm lãi phát sinh là 1,3 triệu đồng.

Anh Ma Luân chia sẻ: Làm miết nhưng chưa khi nào thấy trả hết nợ cho người ta, cứ trả cà phê xong rồi lại tiếp tục mượn nợ cho vụ khác. Nếu cà phê được mùa, được giá một chút thì gia đình tôi còn có thêm đồng lãi, chứ nắng hạn như mấy năm qua và giá xuống thấp như thế này thì nợ chúng tôi năm nay lại tăng hơn năm trước.

Để lâu không có tiền trả thì tiền lãi lại nhân lên. Do muốn có tiền trả nợ nhanh nên khi nghe một số người về giới thiệu góp vốn vào Công ty Phúc Gia Bảo 868 sẽ được hưởng lãi cao và mau chóng làm giàu, anh Ma Luân đã bán hơn tấn cà phê và vay nóng bên ngoài mua gói đầu tư 72,6 triệu đồng từ công ty, tháng đầu tiên anh cũng được nhận 9 triệu đồng tiền lãi nhưng kể từ đó trở về sau anh không còn được nhận thêm một đồng nào nữa.

Biết bị lừa anh phải ngậm ngùi chịu mất gần 64 triệu đồng và sập bẫy đa cấp. Giờ ngoài khoản nợ quỹ tín dụng, nợ đại lý phân bón gia đình anh còn cõng thêm khoản nợ tham gia đa cấp.

Từ ngoài Bắc vào lập nghiệp ở Đắk Lắk, thế nhưng năm 2012 khi cơn bão đa cấp tràn qua thì nhiều hộ gia đình ở thôn 9 xã Ea Ô, huyện Ea Kar nghèo lại thêm nghèo, thậm chí nhiều hộ phải ly tán bỏ nhà ra đi.

Ông Lưu Duy Thượng-Trưởng thôn 9 cho biết: Hộ bà Trần Thị Dung, sau khi vay nóng 10 triệu tham gia đa cấp do nợ nần, bị họ đòi nợ túng quẫn giờ gia đình mỗi người bỏ đi một hướng làm thuê làm mướn, đến giờ không còn ai ở địa phương; còn các hộ trong thôn trước đây tham gia đa cấp giờ có hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn, nhiều hộ tái nghèo lại.

Tuy không dính vào con đường đa cấp nhưng nhiều hộ ở buôn Trinh 1, phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ cũng không tránh khỏi việc vay mượn tiền của tư nhân để phục vụ sản xuất.

Ông Y Văn Niê Buôn trưởng buôn Trinh 1, phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ cho biết, cả thôn có 120 hộ, trong đó có 8 hộ nghèo và cận nghèo còn lại các hộ, khác thuộc diện trung bình, khá giả, thế nhưng phần lớn ai cũng vay nợ các chủ đại lý để có tiền mua phân bón chăm sóc cà phê, tiêu đến mùa thu hoạch mới thanh toán cho chủ nợ. Thường các hộ nợ ít là 5 đến 10 triệu đồng còn nợ nhiều cả trăm triệu đồng.

Đâu là nguyên nhân?

Theo kết quả nghiên cứu về tình trạng mắc nợ của nông dân dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên được công bố tại Diễn đàn Chính sách Nông nghiệp Việt Nam, hiện có tới 90% người dân Tây Nguyên phải ôm một khoản nợ lớn, trung bình mỗi hộ nợ 44 triệu đồng, nợ xấu không có khả năng chi trả lên tới gần 20 triệu đồng. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, gần 70% khoản vay dành để đầu tư cho nông nghiệp và 7% để trả các khoản nợ đã có.

Đáng quan ngại, trong “đống nợ” của bà con, có tới 77% nợ từ các dịch vụ cho vay tư nhân với lãi suất cao lên tới 50-60%. Nguyên nhân người dân vay nặng lãi từ tư nhân được lý giải là do: Họ không có tài sản thế chấp để vay ngân hàng, thủ tục vay ngân hàng quá phức tạp và giải ngân chậm, phải chờ đợi từng đợt vay với lượng tiền quy định, nhiều khi không đáp ứng được nhu cầu đầu tư sản xuất.

Trong khi đó vay từ tư nhân thủ tục đơn giản, không yêu cầu thế chấp, đáp ứng ngay khi có nhu cầu với lượng tiền cho vay cao hơn và cần lúc nào là có lúc đó, nhờ đó mà kịp thời vụ...

Đắk Lắk hiện có 47 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào DTTS chiếm khoảng 33% dân số của tỉnh, thực hiện chính sách cho vay vốn theo Quyết định 54 của Thủ tướng Chính phủ, sau 3 năm (2012-2015), tổng số hộ được vay 2.153 hộ. Mặc dù đã đạt được những kết quả bước đầu, nhưng tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS còn cao so với trung bình chung; công tác xóa đói, giảm nghèo còn thiếu bền vững.

Về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn (gọi chung là nông nghiệp), các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã triển khai khá rộng khắp. Tuy nhiên trên thực tế, vốn tín dụng nông nghiệp được các ngân hàng triển khai vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu vay vốn của người dân.

Ông Tăng Hải Châu-Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đắk Lắk cho biết, mặc dù là tỉnh có diện tích tái canh cây cà phê lớn của vùng Tây Nguyên nhưng cho đến nay tỉ lệ nông dân vay vốn để tái canh cà phê mới chỉ đạt 51 tỷ đồng, đây là tỉ lệ rất thấp so với nhu cầu vốn và diện tích cà phê cần tái canh.

Cùng với đó, hiện nay số hộ nghèo đồng bào DTTS thiếu đất sản xuất còn rất lớn (khoảng 9.000 hộ) nhưng việc thu hồi đất của các doanh nghiệp để cấp cho các hộ dân theo chủ trương của Chính phủ còn gặp nhiều khó khăn và không khả thi. Một số dự án định canh, định cư đã được phê duyệt từ lâu nhưng vẫn chưa thực hiện xong do nguồn vốn phân bổ chậm và thiếu so với thực tế…

Theo tìm hiểu của chúng tôi thì phần lớn các hộ nông dân DTTS khó tiếp cận được các nguồn vay từ các ngân hàng là do các diện tích đất sản xuất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên họ không có tài sản thế chấp. Hoặc nhiều nơi các hộ đã được cấp nhưng do khi con cái lập gia đình cha mẹ đem tài sản là đất rẫy chia cho các con nhưng không đi tách sổ, phần vì không có tiền nộp, phần vì không hiểu luật nên họ ngại. Vì vậy mà khi muốn đi vay ngân hàng cũng không ai vay được vì liên quan đến nhiều người khác trong gia đình.

Do đó người dân chủ yếu sử dụng kiểu vay tín dụng của tư nhân theo hình thức ký nợ phân bón, xăng dầu, thuốc bảo vệ thực vật, hoặc vay mượn tiền mặt để tiêu dùng và chịu tính thêm lãi chờ đến cuối năm thu cà phê, tiêu, nông sản chở sản phẩm ra trả cho chủ đại lý cho vay nợ. Nếu như thời tiết thuận lợi, giá cả cao thì người dân sau khi trừ xong nợ còn lại được chút lãi, còn không thì lại chịu lỗ và kéo sang vụ sau.

Chính những khoản vay tín dụng đen dễ dàng như vậy đã đẩy nhiều hộ dân vào chỗ nợ nần chồng chất, nghèo lại hoàn nghèo và đây là cũng là nguyên nhân khiến nhiều hộ dân dính bẫy đa cấp từ mua hàng hóa hoặc bị dụ dỗ góp vốn hưởng lãi cao vì muốn nhanh chóng có tiền trả nợ và làm giàu.

Để “mở lối” cho tín dụng nông nghiệp thì việc cần thiết là phải đẩy mạnh sự liên kết giữa các doanh nghiệp và người nông dân, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quy hoạch ổn định mang tính bền vững đối với một số cây, con chủ lực để có cơ sở đầu tư tập trung…Các hộ vay vốn cũng cần phải có sự tính toán hợp lý, mang tính khả thi cao đối với mô hình, dự án kinh tế để nguồn vốn vay tín dụng nông nghiệp phát huy hiệu quả.

Nguyễn Tuấn Anh