Bão vẫn chưa tan

Nam Việt 22/08/2016 09:10

Cũng giống như nhiều trận bão trước, bão số 3 được dự báo là cơn bão mạnh, khó lường. Ngay khi nó còn lởn vởn ngoài khơi, dự báo khẩn cấp đã được đưa ra. Khi nó áp sát đất liền, mưa to gió lớn. Nhưng rồi cũng tan mau, thành áp thấp. Thật mừng. Nhưng, với những trận mưa sau bão, hoàn lưu bão, có tới 9 người chết, 3 người mất tích thì có thể nói dù bão đã đi qua nhưng trong lòng người thì nó vẫn chưa tan.

Sau bão số 3, nước ngập mênh mênh nhiều vùng ở Yên Bái.

Với miền Bắc, trong bão, mưa to gió lớn, nhưng sau bão bao giờ cũng là những trận mưa ở các tỉnh miền núi, gây lụt lội. Mưa to trút xuống khiến nước các dòng sông, con suối dâng lên nhanh chóng, gây ra lũ quét, lũ ống kinh hoàng. Nhiều khu vực bị ngậm nước lâu ngày, đất nhão ra, bị yếu, bị sói lở, trôi trượt, đổ ập xuống.

Những ngày này, dọc Quốc lộ 6, từ Hòa Bình lên Sơn La, Điện Biên, Lai Châu... nhiều đoạn đường bị đất đá đổ xuống, khiến giao thông ngưng trệ. Cũng từ đó, nhiều xã, bản bị cô lập. Cô lập không chỉ do nước dâng, không chỉ do những dòng nước xiết trong lòng suối mà còn do đường giao thông bị cắt đứt.

Hậu bão số 3 không chỉ gây hại dọc tuyến đường này, mà các tỉnh khác như Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Lạng Sơn, Yên Bái cũng bị nước lũ đe dọa, cô lập. Ở Yên Bái- một trong những tỉnh chịu hậu quả nặng nề nhất của hậu bão số 3, nhiều xã của huyện Trạm Tấu nước lai láng, người dân khốn khó, những thửa ruộng trắng nước. Đau đớn thay, tới thời điểm này, hoàn lưu bão đã giết chết 9 người, 3 người mất tích vẫn không biết ra sao.

Mỗi lần bão tan, người ta lại lo hậu bão với những trận nước lên dữ dội và bất ngờ, những trận sạt lở. Những nơi chịu hậu quả của bão lại cũng là những nơi nhiều người nghèo. Miền núi phía Bắc nước ta tới nay vẫn là nơi chậm phát triển nhất, với tỉ lệ hộ nghèo cao. Tài sản của bà con không có mấy, vậy mà chỉ một trận lũ thì ruộng vườn, vật nuôi đều bị nhấn chìm, nhiều hộ trắng tay. Đã nghèo, lại bị mưa lũ cuốn đi tài sản, lại càng nghèo hơn.

Bà con khó có lực để vươn dậy, sự khắc phục là rất chậm. Bao giờ bão vào, cũng có cảnh báo hậu bão, nhưng không phải ai cũng có thể đề phòng, chống cự được. Thiên nhiên có sức mạnh ghê gớm, người nghèo lại yếu đuối, do đó tổn thất càng nặng nề. Dù cho có các phương án phòng., chống; được cứu giúp, hỗ trợ nhưng hậu họa người dân nghèo ở đây phải gánh chịu là khó đo đếm.

Cũng cần nhìn nhận một việc, ấy là công tác phòng chống bão ở ta những năm qua làm khá tốt. Nhưng việc đề phòng hậu quả sau bão chưa tương xứng. Việc dự báo bão được làm sớm, cập nhật. Khi bão còn cách đất liền vài trăm cây số với từ 3 đến 4 ngày trước khi đổ bộ vào đất liền thì cũng đã được cảnh báo chi tiết.

Chính vì thế, kể cả những trận bão không được dự báo chính xác (nơi đổ bộ, sức gió, lượng mưa) thì cũng đều được phòng, chống khá tốt, hậu quả giảm được ở mức tối đa. Tất cả các địa phương có thể bị bão đều được nhắc nhở từng giờ về việc có các phương án ứng phó. Các phương tiện, các đoàn công tác đặc biệt được thành lập để sẵn sàng đến những nơi bão vào cùng nhân dân chống bão, Đó là những việc cần thiết và có hiệu quả.

Vấn đề là cũng cần phải làm tốt như vậy với những địa phương có khả năng chịu hậu quả nước lên sau bão. Dù cũng có những cảnh báo nhưng mức độ sát thực của nó vẫn còn xa với thực tế. Thật khó chấp nhận được một điều là bão không làm chết nhiều người mà sau bão lại nhiều người chết, tài sản bị mất, các công trình bị tàn phá lúc hậu bão. Do đó, công tác dự báo, phòng, chống, ứng phó sau bão cũng phải được làm tốt, quyết liệt như dự báo bão.

Bão qua nhưng chưa tan, nó để lại trong lòng người nhiều day dứt. Không thể cứ lặp đi lặp lại cảnh sau bão là người chết, giao thông ách tắc, vườn tược bị nhấn chìm, gia súc, gia cầm bị nước cuốn trôi.

Miền núi cao, những cánh rừng đã bị đốn hạ, không giữ được nước khiến sinh ra nhiều lũ khi mưa to. Bà con cũng có phần chủ quan, nước lên nhưng vẫn ra suối vớt củi, bắt cá. Những cái chết bất thình lình là rất đau lòng.

Bão tan rồi, nhưng trong lòng người nó vẫn chưa tan.

Nam Việt