Bão
Bão thường đem đến nhiều thiệt hại cho con người. Đó là hiện tượng thiên nhiên tuy có thể dự báo trước, nhưng đôi khi do sự thất thường của nó nên hậu quả để lại rất nặng nề.
Một trận bão cát ở Iran.
1. Bão được hình thành như thế nào? Theo giới khoa học, bão là một xoáy thuận nhiệt đới được cấu trúc bởi khối khí nóng ẩm với dòng thăng rất mạnh xung quanh mắt bão, tạo hệ thống mây, mưa xoáy vào vùng trung tâm bão. Vùng gió xoáy thuận này có đường kính hàng trăm km và hình thành trên vùng biển nhiệt đới ở Bắc bán cầu. Bão chỉ có thể hình thành khi có đủ 3 điều kiện: Nhiệt, ẩm và động lực để tạo xoáy.
Theo nhà khí tượng Erik palmen, bão hình thành trên biển ở vùng nhiệt độ cao (từ 26-27 độ C trở lên). Với nhiệt độ ấy mới có thể đảm bảo cung cấp đủ lượng hơi nước bốc lên từ mặt biển nhằm cung cấp năng lượng ngưng kết. Từ đó bão hình thành, với những khối xoáy không khí cách mặt đất từ 10-12km, vùng xoáy nhiều khi đạt tới chiều ngang 200km, còn chiều dài khoảng 1.000 km.
Còn mắt bão chính là khu vực có điều kiện thời tiết hầu như yên bình, với vị trí nằm tại trung tâm của các xoáy với cường độ rất mạnh. Mắt của một cơn bão có hình dạng gần tròn và đường kính trung bình khoảng từ từ 30 đến 65km. Bao quanh mắt là thành mắt bão, đó là một vòng tròn mây dông nơi chứa đựng những điều kiện thời tiết nguy hiểm nhất.
Có thể dẫn chứng về sự hình thành của siêu bão Haiyan- cơn bão được cho là một trong những cơn bão lớn nhất từ trước tới nay. Ngày 8/1/2013, bão Haiyan đã tràn vào Philippines với sức gió lên tới 300km/giờ, gây ra những ngọn sóng cao đến 7 mét. Sau khi quét ngang đảo Samar, cách thủ đô Manila 600 km về hướng Đông Nam, bão Haiyan tràn đến thành phố duyên hải Guiuan cắt đứt mọi liên lạc với phần còn lại của quần đảo. Sau khi tàn phá các tỉnh Đông Nam Philippines, siêu bão Haiyan tiến vào Biển Đông. Đáng chú ý, từ một cơn áp thấp, Haiyan đã nhanh chóng phát triển thành siêu bão và đến ngày 6/11/2013, mắt bão được ghi nhận rộng đến 11km.
Bão Haiyan tàn phá Philippines năm 2013.
2. Cùng với bão biển, bão nhiệt đới khá phổ biến, thì bão từ là một loại bão khác mà càng ngày người ta càng thấy cần phải đi sâu tìm hiểu. Bão từ hay còn gọi là bão địa từ trên trái đất. Nguyên nhân gây ra bão từ là do dòng hạt mang điện phóng ra từ các vụ bùng nổ trên mặt trời (còn gọi là gió mặt trời). Từ tháng 5 năm 1806 cho đến tháng 6 năm 1807, một người Đức tên Alexander von Humboldt đã ghi nhận được bằng một la bàn từ ở Berlin. Vào ngày 21/12/1806, ông thông báo rằng la bàn của ông trở nên bất thường trong một sự kiện cực quang sáng. Đó chính là thời điểm đầu tiên người ta phát hiện ra bão từ.
Ngày 2/9/1859, cơn bão từ mạnh nhất đã được ghi nhận xuất hiện. Nó tạo ra nhiều vòng nhật hoa từ mặt trời tác động tới trái đất. Sau này, người ta ghi nhận bão từ ngày một nhiều thêm nhưng tác động của nó thế nào tới trái đất và loài người thì vẫn còn tranh cãi. Tuy nhiên, giới y học cho rằng, mỗi khi bão từ xuất hiện, rất có thể nó đã tác động tới hệ thần kinh, gây ra những trạng thái bất bình thường ở con người. Vì thế, người ta cảnh báo rằng, khi bão từ xuất hiện thì tốt nhất là không nên ra khỏi nhà.
3. Bão cát cũng là hiện tượng thiên nhiên kinh sợ. Trong các sa mạc hoang vu, bão cát thường xuyên xuất hiện. Nhưng chúng là “kẻ giết người không báo trước”, vì không ai biết trước được khi nào nó xuất hiện.
Bão cát sa mạc.
Mặt đất chói chang nóng và bỏng rẫy, chỉ cần một trận gió tràn qua, lập tức bão cát hình thành. Bầu trời mù mịt, cát bay rào rào. Những người gặp bão cát sa mạc thường là khó tránh khỏi cái chết.
Trên sa mạc Sahara mênh mông, người ta kể cho nhau nghe về những tai họa khủng khiếp và những cái chết bất thình lình do bão cát. Không chỉ những con người mong manh mà ngay cả một đàn lạc đà cũng bị bão cát chôn lấp. Vì thế, khi bão cát nổi lên, người ta phải nhanh chóng tìm nơi ẩn náu, phải nằm áp mình dưới đất, nhắm chặt mắt mũi, nút chặt hai lỗ tai vì nếu không cát sẽ ập vào, cùng đó là những bước chân gấp gáp của tử thần.
Sử sách ghi lại, mùa hè năm 1895, trên sa mạc Sahara, một đàn lạc đà 50 con cùng 200 thương lái đã gặp phải một trận bão cát kéo dài hơn 30 phút. Cả người và lạc đà đều bị những đợt cát bay đánh cho tan tác. Khi bão tan, chỉ còn sót lại 3 người. Nhưng cả 3 đều đã bị mù mắt và điếc đặc.
4. Cách đây 10 năm, năm 2006, các nhà khoa học tại Viện Công nghệ Georgia tại Atlanta (Georgia, Mỹ) và Trung tâm nghiên cứu khí quyển quốc gia tại Boulder (Colorado, Mỹ) đã phân tích một loạt số liệu thống kê những trận bão nhiệt đới trên toàn cầu, kể từ khi con người bắt đầu ghi lại được các dữ liệu vệ tinh về bão.
Kết quả cho thấy thời gian gần đây, có sự tăng trưởng số lượng những cơn bão lớn, trong đó có nhiều siêu bão. Cụ thể từ năm 1975 đến 1989, có 171 cơn bão lớn, nhưng từ năm 1990 đến 2004 tăng lên 269 cơn. Thiệt hại xảy ra nhiều nhất với những trận bão thuộc cấp 3 có sức gió từ 111 đến 130 dặm một giờ (1 dặm = 1,6km) và những trận bão có sức gió cao hơn. Cũng thật ghê gớm, nếu tổn thất do bão trong năm 2005 là 200 tỷ USD, thì chỉ trước đó 1 năm ở mức 145 tỷ USD. Có nghĩa là sự thiệt hại do bão gây ra ngày một lớn.
Dựa trên số liệu của 35 năm qua, một nghiên cứu khoa học mang phạm vi toàn cầu cho thấy những cơn bão xảy ra trong thời gian gần đây thực sự mạnh hơn trước. Điều này phù hợp với những bằng chứng rằng những cơn bão lớn nhất đang xuất hiện ngày càng nhiều. Và nó đã và đang đem tới nhiều mối hiểm nguy cho con người.