Đồng bào Mông phát triển cây hồ tiêu

Tùng Lâm 23/08/2016 13:05

Mấy năm qua hồ tiêu được giá nên nhiều hộ dân ở xã Cư Đrăm, huyện Krông Bông (Đắk Lắk) đang mở rộng diện tích trồng cây hồ tiêu. Một số bà con dân tộc Mông ở vùng sâu của xã cũng đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây hồ tiêu.

Vườn hồ tiêu của anh Sùng Seo Páo ở thôn Nao Huh.

Hiện nay 6 thôn đồng bào Mông của xã Cư Đrăm đã trồng được trên 6 ha cây hồ tiêu. Thấy chất đất và thời tiết hợp với cây hồ tiêu, năm 2011 anh Sùng Seo Pao ở thôn Nao Huh đi học hỏi kinh nghiệm trồng, chăm sóc và mạnh dạn đầu tư chuyển đổi hơn 3 sào cà phê kém hiệu quả để trồng 4 trăm trụ hồ tiêu. Diện tích hồ tiêu phát triển tốt và đã cho thu hoạch được 2 năm. Năm 2015 anh chuyển đổi tiếp hơn 2 sào cà phê để trồng 350 trụ. Năm nay anh dự tính sẽ trồng thêm 130 trụ nữa.

Anh Pao cho biết: “Năm vừa qua thu hơn 1 tấn hạt khô từ 400 trụ, bán được 2 trăm triệu đồng. Năm nay ước tính 400 trụ này sẽ thu được khoảng 2,5 tấn hạt khô. Trồng hồ tiêu đầu tư ban đầu lớn nhưng hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng các loại cây khác”.

Ông Vàng Seo Tạ ở buôn Tơng Rang B có hơn 2 ha đất sản xuất. Năm 2012 ông chuyển đổi gần 1 sào đất trồng ngô lai kém hiệu quả để trồng 100 trụ hồ tiêu. Còn lại ông vẫn để đất trồng các loại cây như đậu, ngô lai, cà phê, lúa. Năm vừa qua từ 100 trụ tiêu gia đình ông đã thu được hơn 40 triệu đồng. Ông Tạ cho biết: “Sắp tới gia đình chỉ trồng thêm khoảng 100 trụ nữa để có điều kiện chăm sóc tốt. Trồng nhiều chăm không được sẽ kém năng suất và hay bị sâu bệnh”.

Trồng hồ tiêu đã trở thành phong trào ở 6 thôn đồng bào Mông, xã Cư Đrăm vì hiệu quả kinh tế của nó mang lại khá cao. Hiện nay người dân ở đây đang tiếp tục trồng mới với diện tích ước tính hơn 10 ha. Nhiều nhất là các thôn Ea Hăn khoảng 4 ha, thôn Cư Đhắt 3 ha, thôn Ea Luêh 2,7 ha...

Ông Sùng Minh Hoàng, trưởng thôn Ea Hăn cho biết: “Trong thôn rất nhiều hộ đã và sẽ trồng hồ tiêu. Người ít thì vài chục trụ, người nhiều đến 5 trăm trụ. Hiện nay các hộ đang chuẩn bị chôn trụ và xuống giống. Đa số các hộ tự túc được trụ, mua được giống rẻ của người quen, một số gia đình trồng bằng trụ sống nên đỡ chi phí đầu tư”.

Đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, bạc màu, nhiều cây trồng kém năng suất, hiệu quả kinh tế thấp, tỷ lệ hộ nghèo ở các thôn này vẫn còn trên 30%. Để bà con đồng bào Mông canh tác đất nông nghiệp hiện có, đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp giảm nghèo bền vững, vươn lên làm giàu các ban ngành chức năng cần hướng cho bà con chuyển đổi cây trồng phù hợp với điều kiện đất đai, thời tiết.

Tuy nhiên, cây hồ tiêu là một trong những loại cây công nghiệp “khó tính”, đòi hỏi kỹ thuật cao, vốn đầu tư ban đầu lớn. Trong khi đồng bào Mông chủ yếu trồng theo phong trào, chưa có kinh nghiệm, ít bón phân nên cây hồ tiêu rất dễ bị sâu bệnh hoặc kém năng suất. Vì vậy cần tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật để bà con chuyển đổi phù hợp đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Tùng Lâm