Nga bất ngờ rút toàn bộ máy bay ném bom từ Iran về nước
Toàn bộ máy bay chiến đấu của Nga trong hôm đầu tuần đã bất ngờ rời khỏi một căn cứ không quân của Iran sau 1 tuần không kích các mục tiêu khủng bố ở Syria. Giải thích về lý do của hành động này, Moscow và Tehran cho hay việc triển khai của họ đã đạt được mục đích.
Ảnh minh họa.
“Máy bay Nga cất cánh từ căn cứ không quân Hamadan của Iran nhằm tiêu diệt các mục tiêu khủng bố ở Syria đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Các máy bay này đã trở lại Nga” - ông Igor Konashenkov, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, cho hay.
Vị quan chức này thêm rằng, việc triển khai quân đội Nga tới Iran trong tương lai “sẽ dựa vào thỏa thuận giữa hai bên về cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố và tùy thuộc vào diễn biến ở Syria”. Phía Bộ Ngoại giao Iran cũng xác nhận thông tin này.
“Họ đã thực hiện và nay đã hoàn thành chiến dịch” - hãng thông tấn Tasmin dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Bahram Qasemi, cho hay.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Iran Hossein Deghan cho hay việc Nga triển khai không kích từ một căn cứ của họ chỉ là tạm thời, nhưng sẽ kéo dài “miễn là còn cần thiết”.
Việc Nga bất ngờ triển khai các máy bay ném bom hạng nặng Tu-22M3 và máy bay ném bom Su-34 hồi tuần trước đã vấp phải chỉ trích từ Nhà Trắng, gọi sự việc là “tình cờ” và nghi ngờ rằng động thái trên đã vi phạm một nghị quyết của LHQ trong đó cấm chuyển giao máy bay chiến đấu tới Iran.
Bộ trưởng Quốc phòng Iran Hossein Dehghan trước đó từng công khai chỉ trích Nga “phô trương” và “thiếu thận trọng” khi công bố thông tin mượn căn cứ Hamadan. Từ sự việc trên, giới quan sát cho rằng việc Iran đột ngột rút lại quyết định cho phép Nga mượn căn cứ có thể là tín hiệu cho thấy hai bên vẫn thiếu sự hợp tác về thỏa thuận mà đến nay vẫn là một bí mật.
Một số ý kiến khác cho rằng thỏa thuận hợp tác Nga-Iran bị chấm dứt đột ngột có thể do sự can thiệp từ phương Tây. Nếu phương Tây trì hoãn gỡ bỏ lệnh trừng phạt Iran, đó sẽ là một đòn giáng mạnh vào quốc gia Trung Đông này trong bối cảnh họ vừa mới trở lại thị trường dầu mỏ sau thỏa thuận hạt nhân lịch sử với phương Tây hồi tháng 7 năm ngoái.