Ngành Ngoại giao góp phần tạo đột phá phát triển đất nước

H.Vũ - H.Mai 23/08/2016 21:30

Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh ngành Ngoại giao cần nỗ lực, góp phần tạo đột phá phát triển đất nước trong giai đoạn 2016-2020. Đặc biệt là góp phần tạo chuyển biến có tính đột phá trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Sáng 23/8, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29, Bộ Ngoại giao đã tổ chức Phiên họp với chủ đề “Nâng cao hiệu quả công tác ngoại giao phục vụ phát triển”.

Phát biểu tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao vai trò quan trọng của ngành Ngoại giao và các cơ quan đại diện trong việc hỗ trợ và thúc đẩy các hoạt động kinh tế đối ngoại, đồng thời nhấn mạnh ngành Ngoại giao cần nỗ lực, góp phần tạo đột phá phát triển đất nước trong giai đoạn 2016-2020. Đặc biệt là góp phần tạo chuyển biến có tính đột phá trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Ngành Ngoại giao góp phần tạo đột phá phát triển đất nước

Chủ tịch MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Hội nghị.

Chủ động trước các tác động từ bên ngoài

Hội nghị đã tập trung đánh giá những xu thế phát triển lớn trên thế giới và khu vực, trong đó có chiều hướng tăng trưởng của kinh tế thế giới, xu thế hợp tác quốc tế gắn với phát triển bền vững, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xu thế hội nhập, liên kết kinh tế đa tầng nấc, tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng... trong bối cảnh Việt Nam triển khai mạnh mẽ chủ trương của Đại hội XII Đảng về chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng mà trọng tâm là hội nhập kinh tế, cũng như định hướng chiến lược về tham gia xây dựng, định hình các cơ chế đa phương và tham gia, triển khai các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định công tác đối ngoại của ngành Ngoại giao thời gian qua đã góp phần to lớn và quan trọng giữ gìn môi trường hòa bình, tranh thủ nguồn lực bên ngoài cho phát triển, củng cố nền tảng lợi ích chiến lược lâu dài của ta với các đối tác, tạo thế và lực chưa từng có cho Việt Nam.

Về hội nhập nói chung, hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng, Thủ tướng cho rằng, nguy cơ có thể tụt hậu xa hơn về kinh tế có thể xảy ra. Giữ được tốc độ phát triển cũ cũng là vấn đề khi chúng ta nằm trong khu vực phát triển năng động, cũng là nơi cạnh tranh địa chiến lược gay gắt của các cường quốc, như chiến lược tái cân bằng của Mỹ, sự trỗi dậy của nền kinh tế Trung Quốc với chiến lược mới “một vành đai một con đường”, chủ nghĩa hòa bình của Nhật Bản.

Nhấn mạnh là một quốc gia có độ mở lớn và hội nhập sâu rộng, sẽ dễ bị rơi vào tình trạng thiếu chủ động và chịu những tác động từ bên ngoài, nguy cơ luôn thường trực và khó dự đoán..., Thủ tướng cho rằng, điều này đòi hỏi chúng ta phải làm chắc tay hơn nữa công tác dự báo chiến lược, và luôn có sự nhạy bén thường trực và tinh thần thường trực để đối phó với những cú sốc bên ngoài.

“Ai làm việc đó? Ăng-ten báo cho Đảng và nhân dân chính là ngành ngoại giao, trực tiếp là các Đại sứ, Trưởng đại diện”- Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng cũng lưu ý, ngành Ngoại giao cần học theo tư tưởng, tấm gương và phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh, tiếp tục kiên trì giữ vững nguyên tắc nhưng linh hoạt, sáng tạo trong thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Thủ tướng hoan nghênh Bộ Ngoại giao đã đề cao tư duy mới về ngoại giao phục vụ phát triển với cách tiếp cận liên ngành, đa ngành, đa phương, đóng góp vào việc thay đổi tư duy, nhận thức về đổi mới, sáng tạo, phát triển bền vững đất nước, bắt nhịp với thời đại.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng đề nghị Bộ Ngoại giao tập trung vào các nhiệm vụ chính:

Thứ nhất, định hình những ưu tiên và xác lập tư duy chiến lược cho ngoại giao trong thời kỳ mới.

Thứ hai, chủ động tham gia và đóng vai trò quan trọng hơn nữa trong việc xây dựng thể chế của các định chế hợp tác quốc tế và khu vực.

Thứ ba, chủ động đề xuất, hỗ trợ triển khai, phối hợp tốt với các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp theo phương châm “tham mưu, triển khai, đồng hành và liên kết sâu rộng”.

Thứ tư, phối hợp chặt chẽ và thống nhất giữa các Bộ, ngành và địa phương về nhiệm vụ đối ngoại và quản lý đối ngoại. Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương nghiên cứu giao cho từng Đại sứ quán, Thương vụ các nhiệm vụ đối ngoại và kinh tế đối ngoại cụ thể, đồng thời rà soát các cơ chế, chế độ tài chính nhằm bảo đảm đời sống và điều kiện công tác tốt nhất cho các cơ quan đại diện và cán bộ ngoại giao; có cơ chế đánh giá kết quả các hoạt động đối ngoại dựa trên sự phản hồi của người dân, doanh nghiệp, các Bộ, ngành.

Thứ năm, các cơ quan đại diện ở nước ngoài phải đại diện một cách chân thực nhất hình ảnh của Việt Nam, lợi ích của Việt Nam ở nước sở tại.

Đột phá trong hội nhập và phát triển

Trong phát biểu của mình, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao vai trò quan trọng của ngành Ngoại giao và các cơ quan đại diện trong việc hỗ trợ và thúc đẩy các hoạt động kinh tế đối ngoại, đồng thời nhấn mạnh ngành Ngoại giao cần nỗ lực, góp phần tạo đột phá phát triển đất nước trong giai đoạn 2016-2020. Đặc biệt là góp phần tạo chuyển biến có tính đột phá trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, chúng ta đang nhận đầu tư từ 116 quốc gia và vùng lãnh thổ; đang xuất khẩu đến 80 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhưng để tạo sự đột phá trong thu hút đầu tư, xuất khẩu, không phải tập trung cho tất cả các nước này mà phải đầu tư, tập trung xúc tiến từ 22 quốc gia (trong đó có 16 quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Đức…).

“Hãy kêu gọi 22 quốc gia lớn nhất, quan trọng nhất đầu tư đến Việt Nam; còn về xuất khẩu thì tập trung vào 20 quốc gia có tiềm năng lớn nhất”- Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nói.

Dẫn chứng về thu hút đầu tư nước ngoài, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, 7 năm gần đây, tốc độ giải ngân vốn đầu tư nước ngoài mỗi năm đạt 11,5 tỉ USD; gấp hơn 3 lần giai đoạn 1995-2005 cũng là một thành công. Thành công ấy là nhờ sự ổn định về chính trị - xã hội. Sự ổn định chính là tiền đề cho sự phát triển hiện nay và tiền đề ấy có sự đóng góp của công tác đối ngoại.

Với việc Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với 15 nước, đối tác toàn diện với 10 nước, vị thế đất nước tăng thêm là cũng là một tiền đề cho tương lai phát triển rực rỡ hơn.

Tuy nhiên, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cũng nêu lên một số băn khoăn. Đó là, trong số 23 quốc gia đóng góp 84% đầu tư vào Việt Nam có 16 nước thuộc nhóm nước có nền kinh tế phát triển nhất thế giới nhưng chỉ có 4 nước đầu tư vào Việt Nam trên 20%… Số nước còn lại đầu tư cực kỳ ít.

Chủ tịch đề nghị, với vị trí, vai trò của mình, nền Ngoại giao kiến tạo của ta cần tập trung khai phá những nước có tiềm lực kinh tế lớn đầu tư vào Việt Nam. Với những nước có nền kinh tế lớn nhưng hiện đầu tư ít vào Việt Nam thì cần phải khai phá đầu tư quyết liệt.

Về xuất khẩu, theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, ngành Ngoại giao cần phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan “thâm canh” xuất khẩu vào các quốc gia chúng ta có thị phần lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…; đồng thời cần có các biện pháp thực sự hiệu quả để 9 nền kinh tế lớn nhất thế giới còn lại mà hàng hóa của ta xuất sang đó còn khiêm tốn như Pháp, Ấn Độ, Brazil, Canada… tăng nhanh nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Bên cạnh đó, người đứng đầu Mặt trận cũng cho rằng, ngành Ngoại giao với sự phối hợp của các bộ ngành liên quan cần xây dựng các đề án xúc tiến thương mại cho 9 nước này. Trong đó, chú trọng các giải pháp khắc phục trở ngại do khoảng cách về địa lý gây ra; chú trọng phát triển các tuyến đường biển và đường không đến 8 trong số các thị trường lớn nằm xa Việt Nam nêu trên.

H.Vũ - H.Mai