Hậu sự cố môi trường biển Bắc miền Trung - Bài 1: Nhọc nhằn bám biển

Hạnh Nguyên 24/08/2016 09:05

5 tháng đã trôi qua kể từ khi Formosa xả thải gây ra thảm họa môi trường, cuộc sống của hàng nghìn hộ dân vùng ven biển ở Hà Tĩnh vẫn còn chênh vênh. Không chỉ ngư dân lâm cảnh khốn cùng mà các hoạt động kinh doanh, dịch vụ, du lịch biển cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Biển đang hồi sinh nhưng người dân bám biển mưu sinh vẫn vô cùng khốn khó...

Hậu sự cố môi trường biển Bắc miền Trung - Bài 1: Nhọc nhằn bám biển

Ngư dân vẫn neo thuyền vào bờ mong mỏi ngày ra khơi.

Không đủ trang trải

Theo thông tin từ Sở Nội vụ Hà Tĩnh, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, vừa qua, Sở TN&MT tỉnh này đã tổ chức buổi làm việc, kiểm điểm, tự nhận hình thức kỷ luật. Theo đó, ông Võ Tá Đinh - Giám đốc Sở TN&MT và các cơ quan liên quan xin rút kinh nghiệm. Chỉ có ông Đặng Bá Lục - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tự nhận hình thức kỷ luật khiển trách.

Về ngư phủ xã Kỳ Lợi (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) – nơi nguồn thải của Formosa bắt đầu - những ngày này, hai anh em Đào Văn Huỳnh và Đào Văn Quân (xóm Hải Thanh, xã Kỳ Lợi) ra khơi từ sáng sớm đến chiều muộn mới về, nhưng hải sản thu được chỉ là 3 con mực nhỏ bằng vài ngón tay.

Tâm sự với chúng tôi, anh Huỳnh chia sẻ: Trước đây, mỗi chuyến ra khơi của hai anh em thu về từ 5 trăm nghìn đến 1 triệu đồng, chỉ sợ không có sức khỏe mà đi biển chứ không lo không đánh bắt được “lộc biển”. Bố mẹ đã già yếu, hai anh em Huỳnh và Quân tranh thủ bám biển mưu sinh. Nhưng kể từ khi sự cố môi trường xảy ra đến nay, những chuyến ra khơi của hai anh em cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Bữa nào được nhiều thì khoảng vài cân mực, bán được khoảng 2 trăm nghìn đồng. “Nhớ biển, nhớ nghề thì anh em chúng tôi dong thuyền ra khơi chứ đi về có được ăn thua gì đâu mà có được rồi về bán cũng không ai dám mua. Hai đứa em chuẩn bị vào năm học mới, phải đóng học phí, tôi đang lo không biết kiếm đâu ra mà mua sách vở, đóng tiền học cho các em đây”- anh Huỳnh băn khoăn.

May mắn hơn anh Huỳnh là anh Nguyễn Văn Đức cũng ở thôn Hải Thanh, anh Đức đã là bám biển hơn 20 năm, sau sự cố môi trường, nhận thấy nghề này không còn thu được nhiều nguồn lợi như trước anh Đức đã quyết định rẽ hướng. Đắp thuyền lên bờ, anh Đức lên quyết định lên thị xã làm nghề xây dựng, tháng được 6 triệu đồng chỉ đủ trang trải cuộc sống hằng ngày cho 5 miệng ăn.

Mặc dù, trong giai đoạn này, bám biển mưu sinh sẽ rất nhọc nhằn, song khi được hỏi về mong muốn chuyển đổi nghề nghiệp, hay tiếp tục vươn khơi bám biển, hầu hết câu trả lời nhận được từ ngư dân là vẫn chọn bám biển.

Ông Bùi Đức Trình – Phó bí thư đảng ủy xã Kỳ Lợi cho biết: Xã có gần 2.700 hộ dân với hơn 9.700 nhân khẩu, trong đó ngư nghiệp chiếm 70%. Sau sự cố môi trường, ngư dân đã nhận được nhận được hai lần hỗ trợ gạo, mỗi lần 15kg gạo/người cùng số tiền trị giá 5 triệu đồng/tàu (tàu có lắp máy công suất dưới 90CV) và 3,5 triệu đồng (tàu có lắp máy công suất dưới 90CV); hỗ trợ vay vốn để giúp ngư dân chuyển đổi nghề nghiệp và sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm. Những khoản tiền này đã góp phần sẻ chia những khó khăn với ngư dân. Tuy nhiên thực tế, hỗ trợ đó chỉ là giải pháp tình thế, vẫn còn đó nhiều nỗi lo về việc làm, thu nhập mà ngư dân phải đối mặt khi tần suất đi biển giảm sút đáng kể do nhu cầu thu mua hải sản và giá giảm mạnh.

Hậu sự cố môi trường biển Bắc miền Trung - Bài 1: Nhọc nhằn bám biển - 1

Kinh doanh hải sản ế ẩm. (Ảnh: H. Nguyên).

Du lịch, dịch vụ tê liệt

Xuôi theo con đường từ ngã ba cảng Vũng Áng xuống các bè nổi kinh doanh hải sản ở cảng Sơn Dương (thị xã Kỳ Anh), lượng người, xe cộ, thực khách xuống vùng này thưa thớt, khác hẳn với cảnh nhộn nhịp ở chốn ăn uống nức tiếng này so với trước đây. Hay tin nước biển đã sạch, người làm nghề buôn bán, du lịch có phần mừng thầm. Nhưng hải sản an toàn hay chưa thì vẫn chưa có câu trả lời dứt khoát thế nên thị trường buôn bán hải sản, du lịch vẫn ảm đạm.

Ông Chu Văn Hộ (chủ bè nổi Lý Hộ) cho biết: “Trước đây, mỗi ngày bè chúng tôi đón ba bốn chục lượt khách nhưng từ 5 tháng nay thì tính ra chỉ trên dưới vài chục lượt. Chưa bao giờ buôn bán của chúng tôi lại khó khăn như thế, cả gia đình chỉ trông chờ vào cái bè này, nhưng giờ chỉ ngồi chơi xơi nước thôi. Cơ quan chức năng đã công bố nước biển đã sạch nhưng hải sản thì vẫn chưa biết thế nào. Chúng tôi cũng không biết khi nào mới khôi phục được nghề buôn bán như trước đây”. Thực tế buồn này cũng bao trùm lên các hộ kinh doanh, dịch vụ ăn uống ở thị xã Kỳ Anh và các vùng ven biển ở Hà Tĩnh.

Có một nghịch lý là các hộ kinh doanh nhỏ lẻ ở vùng ven biển như biển Thạch Bằng, Thạch Hải (Lộc Hà), bãi biển Thiên Cầm (huyện Cẩm Xuyên)…thay vì bán “hải vị” như trước đây thì chuyển sang bán “sơn hào”. Khách du lịch dường như quay lưng với hải sản.

Nói về thực trạng ngành du lịch của Hà Tĩnh trong năm nay, ông Lê Trần Sáng – Phó giám đốc Sở VH – TT & DL Hà tĩnh cho biết: Thống kê số lượt khách 6 tháng đầu năm nội địa chỉ đạt 600.000 lượt, giảm 55% và khách quốc tế có 13.000 lượt, giảm 40% so với cùng kỳ. Tổng lượng khách chỉ đạt gần 40% so với kế hoạch năm 2016. Doanh thu giảm 80-90% so với cùng kỳ năm 2015. Các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch gián tiếp ngoài khu du lịch biển cũng bị ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. Doanh thu giảm 30-40% so với cùng kỳ năm 2015. Kinh doanh du lịch, dịch vụ du lịch tại các khu du lịch biển bị ảnh hưởng nghiêm trọng gần như ngừng hoạt động sau khi công bố nguyên nhân gây ra sự cố môi trường biển.

Ngành du lịch, dịch vụ du lịch dường như tê liệt hoàn toàn sau sự cố môi trường biển, điều đó đã kéo theo nhiều hệ lụy đối với kinh tế của Hà Tĩnh trong năm nay. Hiện tại, tỉnh Hà Tĩnh đang triển khai các hoạt động kê khai thiệt hại tại các địa phương để tiến hành đền bù, hỗ trợ ngư dân.

Thành lập Hội đồng khoa học đánh giá mức độ an toàn
hải sản 4 tỉnh miền Trung

Thông tin này được bà Trần Việt Nga- Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) xác nhận chiều ngày 23-8. Hội đồng này bao gồm các chuyên gia đầu ngành đến từ các viện nghiên cứu của Bộ Y tế, tiến hành lấy mẫu tất cả các loại cá biển của các cảng biển lớn của khu vực miền Trung để xét nghiệm các chỉ tiêu cần thiết. “Phương châm của Hội đồng khoa học sẽ tiến hành khẩn trương để công bố kết quả sớm nhất tới nhân dân”- theo bà Nga.

Trước đó, từ ngày 28/4 đến 6/5/2016, Cục An toàn thực phẩm phối hợp với Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia đã cử các đoàn công tác vào 4 tỉnh miền Trung gồm: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên- Huế để lấy mẫu và xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm cho thấy, trong 139 mẫu hải sản tươi sống, mẫu nước sử dụng và rau ăn tại khu vực xuất hiện hiện tượng cá chết, có 97 mẫu hải sản tươi sống đạt chỉ số an toàn. Còn lại là các mẫu rau và nước sử dụng cũng đều nằm trong ngưỡng cho phép. Dù vậy, trong số các mẫu hải sản tươi sống được lấy xét nghiệm đợt trên hầu hết là hải sản đánh bắt xa bờ. Do vậy để có thể đưa tới khuyến cáo rộng rãi tới cộng đồng về chất lượng cá biển miền Trung, theo lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm, cần có thêm các đánh giá để có thể khẳng định chính xác mức độ an toàn của thuỷ hải sản đối với sức khỏe con người vì hiện chất lượng an toàn của hải sản miền Trung có tăng nhưng chưa đủ cơ sở để đánh giá chính xác nguy cơ.

Trần Ngọc Kha

Hạnh Nguyên