Xét xử Phạm Công Danh và đồng phạm: Rộ điệp khúc kêu oan
Ngày 23/8, tại TP HCM, Luật sư bào chữa và các bị cáo trong đại án kinh tế gây thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) tiếp tục được Hội đồng Xét xử (HĐXX) cho phép bào chữa bổ sung hoặc các bị cáo tự bào chữa cho mình.
Tự bào chữa trước tòa, bị cáo Lê Khắc Thái bị đại diện Viện KSND giữ quyền công tố đề nghị 5-6 năm tù vì vi phạm các quy định về cho vay đã trình bày quan điểm cho rằng, đại diện Viện KSND đã nhầm lẫn khi cáo buộc bị cáo là dùng chứng thư thẩm định giá. Bởi vì, quy định hiện hành không hề yêu cầu Hội đồng tín dụng phải dùng chứng thư. Trong khi đó, bị cáo Hoàng Đình Quyết (nguyên Phó giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn, Giám đốc VNCB chi nhánh Lam Giang) khi tự bào chữa cho mình, thừa nhận có duyệt các hồ sơ vay, nhưng hoàn toàn dựa trên các quy định của VNCB.
Cụ thể, theo bị cáo Quyết thì tại thời điểm đó các DN nộp hồ sơ vay đều hợp pháp, có phương án kinh doanh hợp lý nên bị cáo đã xét duyệt. Trong khi, kể cả trong trường hợp các tài sản đảm bảo cho các khoản vay chỉ đạt 40-45% thì nếu nâng khống phải lên đến 80-85% chứ không phải thấp như cáo trạng đã truy tố. Cũng theo bị cáo này, việc các khoản tiền vay được gửi đi đâu và sử dụng như thế nào thì bị cáo không hề biết. Do đó, bị cáo này cho rằng việc truy tố bị cáo có liên quan đến các hành vi gây thất thoát cho VNCB hơn 9.000 tỷ đồng là không đúng.
Đối với khoản tiền 5.190 tỷ đồng của “nhóm Trần Ngọc Bích” bị rút ra mà không có chữ ký của chủ tài khoản, bị cáo Quyết cho rằng nguyên nhân bắt nguồn từ việc bị cáo Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT của VNCB) đã chuyển số tiền này cho ông Trần Quý Thanh (cha của bà Trần Ngọc Bích), rồi sau đó ông Thanh đưa tiền cho bà Bích gửi vào VNCB. Bị cáo Quyết thừa nhận có lỗi trong khâu cho nợ chứng từ, nhưng phủ định việc gây thất thoát 5.190 tỷ cho VNCB.
Thậm chí, bị cáo này phản pháo khi tố cáo ngược lại bà Trần Ngọc Bích. “Nếu như được phép tố cáo, bị cáo tố cáo bà Bích lợi dụng lòng tốt của bị cáo để chiếm đoạt tiền. Trong vụ việc này, bị cáo sai khi cho nhóm bà Bích nợ chứng từ, nhưng người thiệt hại là ông Danh, còn người thụ hưởng là VNCB và ông Trần Quý Thanh (cha bà Bích)”- bị cáo Quyết nói như khóc trước tòa.
Cùng tham gia tự bào chữa trước tòa, bị cáo Phan Đinh Cùng cũng xin HĐXX kết luận bị cáo này vô tội; bị cáo Bạch Quốc Hào xin xem xét lại tội danh thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và xin giảm nhẹ hình phạt cho 2 bị cáo khác là thuộc cấp của mình; các bị cáo Lâm Kim Thu, Trần Văn Bình, Doãn Quốc Long, Nguyễn Thị Kim Vân, Lê Công Thảo, Bùi Thị Hà Thu, Nguyễn Văn Cường, Vưu Thị Diệu, Trần Thanh Tùng, Nguyễn An Vinh, Cao Phước Nhàn, … bổ sung các luận cứ, tình tiết giảm nhẹ về kinh tế gia đình, nhân thân để xin giảm nhẹ hình phạt như cáo trạng đã truy tố. Riêng bị cáo Doãn Quốc Long (bị đề nghị 6-7 năm tù vì vi phạm các quy định về cho vay) đồng quan điểm với luật sư bào chữa, cho rằng bị cáo không có tội. Theo lý luận của bị cáo này thì hợp đồng tín dụng mà bị cáo có trách nhiệm liên quan đã bị can thiệp giữa hợp đồng dân sự và hình sự hóa. Nếu hợp đồng tín dụng có xảy ra vấn đề thì VNCB phải được quyền xử lý tài sản đảm bảo, phải được xử lý theo đúng bản chất của hợp đồng tín dụng. Do đó, việc đem ra xử lý hình sự là không hợp lý và bị cáo bị oan.
Hôm nay (24/8), phiên tòa tiếp tục phần bào chữa bổ sung của các luật sư và phần tự bào chữa của các bị cáo trong vụ án. Dự kiến ngày 5/9, HĐXX sẽ tuyên án.