Chữ Quốc ngữ ra đời tại Quảng Nam?
Tại Hội thảo khoa học “Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ”, hầu hết các địa biểu, nhà khoa học đều cho rằng chính giáo sĩ Francisco de Pina (người Bồ Đào Nha) là người đầu tiên sáng tạo ra chữ Quốc ngữ, còn giáo sĩ Alexandre de Rhodes là người hoàn thiện chữ Quốc ngữ mà chúng ta dùng ngày nay và Thanh Chiêm (thuộc xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam ngày nay) chính là nơi ra đời của chữ Quốc ngữ.
Gần 70 nhà khoa học, nghiên cứu và chuyên gia tham gia hội thảo.
Ngày 24/8, Bộ VH-TT&DL, Bộ KH-CN và UBND tỉnh Quảng Nam cùng phối hợp tổ chức hội thảo khoa học “Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ”.
Góp với hội thảo này có đến gần 70 tham luận của các đại biểu là các nhà khoa học, nghiên cứu,… Đây là những công trình nghiên cứu trong thời gian qua có giá trị nói về vai trò, công lao của Francisco de Pina và Alexandre de Rhodes trong sáng tạo, hoàn thiện chữ Quốc ngữ và đầu thế kỳ XVII. Các công trình cũng đã khẳng về vai trò của những người Quảng Nam đã cộng tác với các giáo sĩ phương Tây trong quá trình hình thành chữ Quốc ngữ.
Theo đó, hầu hết cho rằng, chính giáo sĩ Francisco de Pina (người Bồ Đào Nha) là người đầu tiên sáng tạo ra chữ Quốc ngữ, còn giáo sĩ Alexandre de Rhodes là người hoàn thiện chữ Quốc ngữ mà chúng ta dùng ngày nay và Thanh Chiêm (thuộc xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam ngày nay) chính là nơi ra đời của chữ Quốc ngữ.
Các nhà khoa học khẳng định vai trò của Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ trên đất Quảng Nam.
Theo ông Lê Văn Thanh – Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam, năm 1617, giáo sĩ Francisco de Pina được cử vào xứ Đàng Trong giúp đỡ những Nhật kiều Công giáo ở Hội An. Sau đó giáo sĩ chú tâm nghiên cứu, sáng tạo chữ Quốc ngữ; như chính giáo sĩ viết rằng: “Về vấn đề học ngôn ngữ thì luôn luôn ở Kẻ Chàm chính là nơi tốt nhất. Đây là kinh đô của triều đình”.
Liên quan đến Danh trấn Thanh Chiêm, đây là vùng đất có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tổ chức quản lý vùng đất Quảng Nam rộng lớn. Nhiều nhà buôn phương Tây khi đến Hội An đều ghi lại là đến “Nước Quảng Nam”.
Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng Dinh trấn Thanh Chiêm có vai trò quan trọng,
cần được phục dựng, trùng tu để phát triển văn hóa du lịch.
Nhà nghiên cứu Phan Thị Lệ Dung (Đại học Sư phạm Hà Nội) cho rằng: Dinh trấn Thanh Chiêm được coi là thủ phủ thứ hai của Đàng Trong (bên cạnh Dinh trấn Thuận Hóa), được chúa Nguyễn Hoàng cho “cơ chế” toàn quyền định đoạt mọi việc của Dinh trấn; là nơi thực tập, đào luyện các thế tử, là nơi thực thi chính sách mở cửa với các điều kiện tối ưu nhằm xây dựng một hậu phương vững chắc làm bàn đạp mở rộng bờ cõi về phương Nam.
Nhờ quan hệ tốt với thế tử Nguyễn Phúc Kỳ ở Dinh trấn Thanh Chiêm nên linh mục Francisco de Pina đã lập một trụ sở mới ở đây vào khoảng cuối năm 1624, đầu năm 1625 và đến tháng 5-1625, Pina chính thức trở thành Cha bề trên quản nhiệm trú sở truyền giáo.