Người được thuê chặt chân tay có bị tội?

Đức Sơn 25/08/2016 08:58

Luật sư Nguyễn Anh Thơm cũng cho rằng, hành vi của Doãn Văn Doanh, người được chị N. thuê chặt tay chân có dấu hiệu của tội cố ý gây thương tích. Tuy nhiên, việc khởi tố thì lại phụ thuộc vào bị hại có đơn yêu cầu hay không. Theo luật sư Thơm, dù được N. đồng thuận và thuê tiền thì hành vi của Doanh vẫn có dấu hiệu của tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, theo Điều 104 BLHS.

Hiện trường vụ việc. nguồn: anninhthudo.

Để trục lợi bảo hiểm nhân thọ với số tiền khoảng 3,5 tỷ đồng, L.T.N. (30 tuổi, trú tại xã Xuân Phú, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) đã thuê người chặt đứt chân, tay mình với giá 50 triệu rồi dựng hiện trường giả của một vụ tai nạn tàu hỏa. Tuy nhiên, hành vi gian dối của L.T.N. đã bị Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) phanh phui.

Thuê người chặt chân, tay hòng trục lợi 3,5 tỷ đồng

Vào lúc 0h5, ngày 5/5/2016, Công an quận Bắc Từ Liêm nhận được tin báo của anh Doãn Văn Doanh (21 tuổi, trú tại huyện Phúc Thọ, Hà Nội) trình báo có vụ tai nạn đường sắt xảy ra tại phố Kiều Mai, quận Bắc Từ Liêm. Nạn nhân là L.T.N. bị tàu hoả cán cụt một bàn tay và một bàn chân trái.

Công an quận Bắc Từ liêm đã nhanh chóng xuống hiện trường và đưa N. vào bệnh viện 19/8 cấp cứu để nối lại bàn tay và bàn chân đã bị đứt rời. Mấy ngày sau, N. tiếp tục được đưa sang Bệnh viện Việt Đức điều trị. Các bác sĩ xác định vết thương đã bị hoại tử nên phải tháo bàn tay và bàn chân ra. Trong quá trình điều trị vết thương, N. liên tục yêu cầu cơ quan công an cung cấp hồ sơ vụ tai nạn để yêu cầu công ty bảo hiểm mà N. đã mua bảo hiểm nhân thọ bồi thường.

Tuy nhiên, từ khi tiếp cận hồ sơ vụ việc, cơ quan công an xác định có nhiều điểm nghi vấn như: các vết thương có dấu hiệu bị cắt bằng vật sắc nhọn chứ không phải do tàu hoả cán; trên người N. không có những thương tích gì giống như bị tàu hoả hút vào đường ray. Đáng chú ý, N. và anh Doanh có quen biết nhau từ trước.

Sau một thời gian điều tra, Công an quận Bắc Từ Liêm xác định, N. đã thuê Doanh chặt tay và chặt chân mình với giá 50 triệu đồng rồi tạo hiện trường vụ TNGT giả để trục lợi bảo hiểm. Theo hợp đồng bảo hiểm, mà N. đã mua, nếu hành vi được thực hiện trót lọt thì phía công ty bảo hiểm sẽ phải bồi thường cho N. số tiền 3,5 tỷ đồng.

Nói về nhân thân N., theo ông Hoàng Văn Thịnh- Trưởng Công an xã Xuân Phú, huyện Phúc Thọ cho biết, N. vốn là người từ tỉnh Tuyên Quang về làm dâu tại xã Xuân Phú. Năm 2015, N. bị cơ quan công an bắt về hành vi môi giới mại dâm, sau đó bị kết án 8 tháng tù giam. Tuy nhiên, N. đã làm đơn hoãn chấp hành án trong vòng một năm với lý do nuôi con nhỏ.

Hết thời hạn, cơ quan công an đến đưa N. đi chấp hành án thì mới biết N. bị tai nạn tàu hỏa. Nói về vụ việc N. tự thuê người chặt tay chân nhằm yêu cầu bảo hiểm bồi thường, ông Thịnh cho hay bản thân ông cùng lãnh đạo tại địa phương mới chỉ biết thông tin vào sáng 24/8. Tất cả đều hết sức ngỡ ngàng trước hành vi của N.

Trao đổi với báo chí, ông P. (bố chồng N.) cho biết, đến sáng 24/8, ông cũng vô cùng bất ngờ trước thông tin trên. Nói về con dâu, ông P. cho hay, N. về làm dâu gia đình từ năm 2009, quá trình sinh sống, N. công việc không ổn định. Vài năm trở lại đây, N. thường xuyên vắng nhà, hai đứa con nhỏ đều để lại cho ông bà chăm sóc.

Hàng tháng, chồng N. gửi tiền về trợ cấp cho các con, N. cũng thỉnh thoảng mang tiền cho con. Ông P. cũng cho rằng, khi xảy ra vụ tai nạn, ông có đến chăm N. tại BV 19/8. Hiện gia đình không biết N. đang ở đâu, làm gì. Lần về nhà gần nhất là cách đây 4-5 hôm, N. chỉ về thăm con rồi lại đi ngay.

Từ ngày N. bị xử tù vì môi giới mại dâm, hai vợ chồng dần lạnh nhạt, ít gặp nhau. Còn bà H., mẹ chồng chị N. cho hay, ngày 23/8, hai người lạ mặt đến thông báo con dâu bà nợ họ 20 triệu đồng, hỏi tung tích N. để yêu cầu trả nợ. Ngoài ra, N. còn nợ nhiều người với tổng cộng khoảng 300 triệu đồng. Trả lời câu hỏi tại sao N. lại nợ nhiều tiền vậy, bà H chỉ lắc đầu ngao ngán, nói không thể biết N. làm ăn gì bên ngoài.

Không khởi tố vụ án

Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội), xác định hành vi của L.T.N. chưa hoàn thành, mục đích trục lợi bảo hiểm chưa thực hiện được, nên ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Theo quan điểm của cơ quan công an, hành vi có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản của N. chưa hoàn thành, phía bảo hiểm chưa bồi thường nên chưa đủ yếu tố cấu thành tội.

Tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” được cấu thành vật chất, nghĩa là người có hành vi phạm tội dùng thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản của ai đó và phải chiếm được tài sản. Trong vụ việc này, phía bảo hiểm chưa chi tiền theo yêu cầu bồi thường của N., Cơ quan điều tra đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn, tài sản chưa chiếm đoạt được nên chưa cấu thành tội phạm.

Nêu quan điểm về vụ việc, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, dù không khởi tố vụ án hình sự, nhưng cơ quan chức năng có thể xử phạt hành chính đối với N. về hành vi báo tin giả đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, theo Nghị định 167/2013.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm cũng cho rằng, hành vi của Doãn Văn Doanh có dấu hiệu của tội cố ý gây thương tích. Tuy nhiên, việc khởi tố thì lại phụ thuộc vào bị hại có đơn yêu cầu hay không. Theo luật sư Thơm, dù được N. đồng thuận và thuê tiền thì hành vi của Doanh vẫn có dấu hiệu của tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, theo Điều 104 BLHS.

Luật sư Thơm nhận định: “Đây là lỗi cố ý trực tiếp, Doanh buộc phải nhận thức hành vi dùng dao tác động vào chân tay người khác là trái pháp luật”. Tuy nhiên, việc xử lý Doanh lại phải theo quy định pháp luật.

Đức Sơn