Đưa người nghiện đi cai: Cắt giảm nhiều thủ tục không cần thiết

Lê Bảo 25/08/2016 09:08

Để “cởi trói” về mặt thủ tục cho công tác đưa người nghiện đi cai, hiện Bộ LĐ-TB&XH đang xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 221/2013/NĐ-CP. Đại diện Bộ LĐTB&XH cho biết, theo tính toán, việc triển khai sẽ góp phần giảm 40% thời gian và chi phí lập hồ sơ.

Việc xác định tình trạng nghiện đòi hỏi phải có sự hợp tác của người cần xác định.

Vướng mắc từ chính sách

Phản ánh từ nhiều địa phương cho biết, theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, để áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với một người, cơ quan lập hồ sơ phải chứng minh người đó nghiện ma túy, tức là phải xác định tình trạng nghiện hiện tại của người đó. Việc xác định tình trạng nghiện đòi hỏi phải có sự hợp tác của người cần xác định.

Tuy nhiên, trường hợp xác định để đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, người nghiện không hợp tác gây khó khăn cho cơ quan lập hồ sơ. Hơn nữa, theo quy định của pháp luật về áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với một người, cơ quan lập hồ sơ phải chứng minh người đó đã hết thời gian cai nghiện tại gia đình, cai nghiện tại cộng đồng hoặc bị đưa ra khỏi chương trình điều trị Methadone.

Trong khi đó việc cai nghiện tại gia đình, cai nghiện tại cộng đồng hoặc xét nghiệm để đưa người điều trị Methadone ra khỏi chương trình điều trị Methadone hiện nay nhiều địa phương không thực hiện, gây khó khăn cho việc lập hồ sơ.

Tại Hà Nội, theo Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội Phùng Quang Thức, việc xác định người nghiện ma túy theo quy định hiện hành chỉ được thực hiện khi đối tượng tự giác khai báo tình trạng nghiện. Trong khi trên thực tế, người nghiện ma túy thường không tự nhận và che giấu các triệu chứng lâm sàng nên rất khó xác định họ có nghiện hay không.

Nói về những phức tạp về mặt thủ tục đưa người nghiện đi cai, đại diện Bộ LĐTB&XH thừa nhận, công tác lập hồ sơ đưa người nghiện đi cai đang phải “cõng” quá nhiều thủ tục. Cụ thể Khoản 1, Điều 9, Nghị định số 221/2013/NĐ-CP quy định về hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện có nơi cư trú ổn định phải có tới 9 thành phần hồ sơ. Còn đối người nghiện không có nơi cư trú ổn định cũng phải cần tới 6 thành phần hồ sơ.

Đơn giản hóa nhiều thủ tục

Để đơn giản hóa và phù hợp với Điều 103 Luật Xử lý vi phạm hành chính, Dự thảo Nghị định sửa đổi Điều 9 Nghị định số 221/2013/NĐ-CP, theo đó bỏ các thành phần hồ sơ không cần thiết và nằm ngoài quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, đồng thời quy định bổ sung tài liệu xác định người bị lập hồ sơ là người không có nơi cư trú ổn định.

Cụ thể sẽ cắt giảm 4/9 loại giấy tờ trong hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy có nơi cư trú ổn định và 2/6 loại giấy tờ trong hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định.

Theo đánh giá của các chuyên gia, điểm tiến bộ của việc sửa đổi, bổ sung này là củng cố cơ sở pháp lý của hồ sơ; đảm bảo sự cần thiết, phù hợp thực tiễn, khả thi, rõ ràng, thống nhất, dễ thực và phù hợp với Điều 96 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Đáng chú ý, việc cắt giảm thủ tục sẽ góp phần giảm gần 40% thời gian cũng như chi phí lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Còn đối với người dân sẽ giảm tần xuất làm việc giữa cơ quan, người có thẩm quyền với người dân, qua đó giảm chi phí (thời gian, công sức, tiền bạc) của người dân khi tham gia vào quá trình lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Tuy nhiên, theo đánh giá Nghị định 221 vẫn còn hạn chế mà Dự thảo sửa đổi, bổ sung chưa khắc phục. Theo quy định tại Điều 11, Nghị định 221, sau khi hoàn thành việc lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ quan lập hồ sơ thông báo bằng văn bản về việc lập hồ sơ cho người bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc người đại diện hợp pháp của họ; thời gian đọc hồ sơ trong 5 ngày kể từ ngày nhận được thông báo. Song thực tế phát sinh nhiều trường hợp, sau khi nhận được thông báo, đối tượng bỏ trốn khỏi địa phương.

Một bất cập nữa là từ khi Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực (tháng 1/2014) đến nay, vẫn chưa có quy định để đưa người nghiện vị thành niên đã cai nghiện nhưng không thành công vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc. Trong khi đó, người nghiện ma túy ngày càng trẻ hóa. Đây là hai điểm không phù hợp cần sớm được nghiên cứu, tháo gỡ.

Lê Bảo