Công tác dân tộc phải kiên trì, thận trọng, chắc chắn
Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh tại buổi giảng bài về công tác dân tộc cho học viên khóa bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Mặt trận khóa 4 năm 2016 tại Hà Nội, ngày 23/8.
Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh giảng bài cho cán bộ Mặt trận về công tác dân tộc.
Theo Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh, thực tiễn cách mạng Việt Nam từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã chứng minh chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta là đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với đặc điểm các dân tộc ở nước ta, góp phần phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Mỗi dân tộc ở nước ta, đặc biệt là các dân tộc thiểu số dù số dân ít ỏi đến đâu, dù trình độ phát triển kinh tế - xã hội có thấp đến mấy cũng đều có những sắc thái văn hoá độc đáo, nói lên bản sắc dân tộc, góp phần làm cho nền văn hoá Việt Nam thống nhất “muôn sắc, ngàn hương”.
Vùng dân tộc và miền núi nước ta chiếm gần 3/4 diện tích tự nhiên, bao gồm 19 tỉnh miền núi vùng cao, 23 tỉnh có miền núi và 10 tỉnh đồng bằng có các dân tộc thiểu số sinh sống. Suốt dọc biên giới phía Bắc và phía Tây có nhiều cửa ngõ thông thương giữa nước ta với các nước láng giềng trong khu vực và trên thế giới. Các dân tộc thiểu số là lực lượng bảo vệ vững chắc an ninh của Tổ quốc.
Theo đó, nội dung công tác dân tộc của MTTQ Việt Nam là tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số thực hiện đường lối chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Hướng dẫn và phối hợp thực hiện công tác đối ngoại nhân dân đối với 25 tỉnh, thành phố có đường biên giới. Thực hiện chính sách, phát huy vai trò người uy tín tiêu biểu trong các dân tộc thiểu số. Nâng cao chất lượng cán bộ Mặt trận vùng đồng bào dân tộc thiểu số...
Để làm tốt công tác vận động đồng bào các dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới, cán bộ Mặt trận làm công tác dân tộc cần nghiên cứu, nắm vững những nét cơ bản nhất về cơ sở lý luận, về vấn đề dân tộc, tình hình các dân tộc thiểu số và các quan điểm, chủ trương, chính sách về dân tộc của Đảng và Nhà nước và những nội dung, phương thức của Mặt trận về công tác dân tộc.
Vậy những địa phương như Bắc Ninh, Hưng Yên có ít người dân tộc thiểu số nên được coi là tỉnh không có đồng bào dân tộc thiểu số có cần quan tâm, nghiên cứu công tác dân tộc không? Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh cho rằng, các cán bộ Mặt trận dù ở địa phương có đồng bào dân tộc hay không đều phải quan tâm, nắm chắc các tư tưởng về dân tộc. Bởi có nhiều nơi cho rằng, địa phương mình không có đồng bào dân tộc thiểu số nên việc nghiên cứu, tìm hiểu công tác dân tộc này là không cần thiết. Tuy nhiên, thực tế cho thấy có những nơi cán bộ Mặt trận không nắm được bản sắc văn hóa, dân tộc của các địa phương khi đến giao lưu, học tập trao đổi kinh nghiệm ở những vùng có đồng bào dân tộc sẽ gặp không ít khó khăn.
Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh nhấn mạnh, việc thực hiện công tác dân tộc phải kiên trì, thận trọng, chắc chắn. Theo đó, khi tiến hành công tác vận động đồng bào dân tộc thiểu số cán bộ Mặt trận công tác ở vùng này phải quán triệt và thực hiện tốt phong cách công tác dân vận: “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân”. Đồng thời, cần tìm hiểu phong tục, tập quán sinh hoạt của từng dân tộc để đề ra chủ trương, nhiệm vụ công tác đúng đắn, sát hợp, có tính khả thi. Mỗi dân tộc có phong tục, tập quán khác nhau. Có hiểu rõ, hiểu sâu phong tục, tập quán của từng dân tộc thì mới dễ dàng gần gũi với đồng bào. Từ đó, có thể đề ra và thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác dân tộc trên cả hai mặt xoá bỏ cái cũ, lạc hậu và xây dựng cái mới, tiến bộ.