Thay đổi cách nhìn về học nghề
Chia sẻ về bước chuyển trong mùa tuyển sinh 2016, khi mà có tới 32% thí sinh lựa chọn đăng ký thi chỉ để xét tốt nghiệp, ông Đào Quang Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội khẳng định đây là tín hiệu tốt cho việc phân luồng, hứa hẹn sẽ đi đúng quỹ đạo. Tức là học sinh sau khi dời trường phổ thông sẽ tìm thấy con đường đi phù hợp năng lực, sở trường của mình, và phù hợp hơn với nhu cầu thị trường lao động.
Sinh viên trường Trung câp KT - CN Hùng Vương thực hành với máy móc hiện đại.
Bên cạnh đó, ông Vinh cũng chia sẻ, để có việc làm ổn định, thu nhập tốt và trụ vững trên thị trường lao động, cần có năng lực, và phải theo học một nghề.
PV: Thưa ông, kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, cả nước có 32% học sinh lớp 12 (hơn 286.000 em) dự thi chỉ để xét tốt nghiệp. Có thể thấy rõ sự chuyển biến trong cách lựa chọn nghề nghiệp của các em. Tuy nhiên, qua đợt xét tuyển đầu tiên, các trường cao đẳng nghề vẫn thu hút được rất ít các thí sinh vào học, có phải các trường còn chưa tận dụng hết cơ hội, khả năng để thu hút thí sinh?
Ông Đào Quang Vinh: Học nghề không phải chỉ có cao đẳng và trung cấp nghề, học nghề là cả các cơ sở dạy nghề khác. Nếu nhìn vào số liệu thì các trường trung cấp và cao đẳng nghề chiếm số lượng rất nhỏ. Trong đó phải đến 1 triệu lao động được đào tạo ở các trung tâm dạy nghề, học chương trình đào tạo nghề khác.
Việc mà các trường nhận được số lượng học sinh đăng ký ít, để đưa ra giải pháp cần sự vào cuộc thay đổi nhận thức của cả xã hội. Chỉ các trường cố gắng chưa đủ mà phải tùy thuộc vào sự nhận thức của các gia đình, sự quan tâm của học sinh. Bởi vì các trường dù có cố gắng, có làm đến mấy mà các em học sinh chưa thực sự nhận thức được mà cứ đua vào các trường đại học thì rất khó. Vấn đề này phải là cả quá trình. Tất nhiên các trường dạy nghề, trung cấp, cao đẳng nghề cũng phải cố gắng để nâng cao trình độ, nâng cao chất lượng đào tạo để thu hút học sinh. Bởi thực tế cho thấy, hiện nay có rất ít các cơ sở đào tạo ở Việt Nam được xếp hạng vào các trường uy tín trên thế giới. Nghĩa là mặt bằng của chúng ta còn thấp.
Chúng ta không kỳ vọng tất cả học sinh tốt nghiệp THPT sẽ vào học đại học, cao đẳng, trung cấp, học nghề, bởi số lượng rất lớn. Ở đây, vấn đề phân luồng rất quan trọng. Những học sinh thật sự có năng lực, thì vào học các bậc học cao như đại học, cao đẳng, những em có khả năng thấp hơn thì học trường nghề và những em chưa có điều kiện thì đi tìm việc làm. Kinh nghiệm của nhiều nước, vừa học vừa làm có ý nghĩa không kém so với đào tạo trong nhà trường. Thông qua quá trình làm việc, các em vẫn có thể tích lũy được kinh nghiệm để sau này có cơ hội tiếp tục đi học. Tôi cho rằng, mỗi người lao động cần quan niệm việc học tập, nâng cao trình độ diễn ra trong suốt cuộc đời. Nên hiểu một cách đầy đủ với nghĩa mọi người sẽ có cơ hội được đào tạo, học tập trong suốt cuộc đời lao động của mình, chứ không phải là khi tốt nghiệp thì đi học ở một trường lớp nào khác.
Nhìn vào số liệu thí sinh đăng ký thi chỉ để xét tốt nghiệp tăng cao, có thể thấy việc phân luồng học sinh đã khá hơn năm ngoái. Vậy theo ông tới đây việc phân luồng nên tiếp tục thực hiện thế nào để các em có thể định hướng nghề nghiệp tốt hơn?
- Tôi nghĩ phân luồng chắc chắn sẽ đi vào đúng theo quỹ đạo. Tức là học sinh sau khi dời trường phổ thông sẽ tìm thấy con đường đi phù hợp năng lực sở trường của mình, và phù hợp hơn với nhu cầu thị trường lao động. Tất nhiên việc này phải diễn ra từ từ, bởi vì nó phụ thuộc nhiều yếu tố, bản thân Bộ GD&ĐT, nhà trường cần có định hướng cho học sinh. Khâu này phải làm rất chu đáo, tỉ mỉ ngay từ cấp học thấp, và có sự vào cuộc của thầy cô giáo. Thứ hai là phải có được sự thay đổi nhận thức của bản thân học sinh, bản thân các phụ huynh các em. Nếu như các em hay phụ huynh chưa thay đổi, vẫn cứ muốn con em mình phải vào được trường đại học, vẫn muốn có 1 tấm bằng thì việc này còn khó khăn cho phân luồng.
Thực tế cho thấy, có nhiều em học sinh khi tốt nghiệp lớp 12 đã đến các doanh nghiệp làm việc. Tuy nhiên, khi không qua bất kỳ trường lớp đào tạo nào, các em cũng sẽ có nguy cơ bị sa thải trong thời gian ngắn. Điều này đã được nhiều lãnh đạo trường nghề khẳng định. Ông có lời khuyên gì cho các em không?
- Hiện nay đang có hiện tượng, đó là có những doanh nghiệp nước ngoài muốn tuyển lao động phổ thông và chỉ đào tạo ngắn sơ bộ cho các em làm công việc giản đơn. Việc này không cơ bản, không bền vững. Bởi vì các em không có được trình độ nghề nhất định để có thể đảm bảo có công việc lâu dài thì sẽ khó khăn cho các em về sau. Cho nên học nghề rất quan trọng. Tôi nhấn mạnh rằng, trước khi đi làm các em cần phải được đào tạo một nghề nào đó. Bởi vì công việc các em có thể có được chỗ này chỗ kia, công việc có thể mất đi rồi có, nhưng nghề sẽ theo các em lâu dài. Nên cái quan trọng nhất đối với người lao động là có được một cái nghề. Tuy nhiên cũng phải nói thêm, các doanh nghiệp khi tuyển dụng lao động cần có ý thức, có sự quan tâm khi sử dụng người lao động. Khi sử dụng họ thì phải có trách nhiệm đào tạo nghề cho họ.
Ông có lời khuyên gì với các em chỉ thi để lấy bằng tốt nghiệp trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua?
- Tốt nghiệp THPT là đánh dấu một giai đoạn các em đã học xong chương trình phổ thông. Nhưng để có cuộc sồng tốt về sau này, các em phải đi học một nghề nào đó. Bởi chỉ có nắm chắc một nghề, có kỹ năng lao động mới giúp các em có việc làm ổn định, thu nhập tốt và trụ vững trên thị trường lao động.
Trân trọng cảm ơn ông!