Phó Thủ tướng: Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế nông thôn

T.M. 25/08/2016 16:28

Phát biểu tại cuộc làm việc tại Bộ NN&PTNT về tái cơ cấu nông nghiệp sáng 25/8, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh yêu cầu tái cơ cấu nông nghiệp phải gắn với thị trường. Người nông dân không chỉ làm ra những gì họ có thể, mà là làm ra những gì thị trường yêu cầu.

Phó Thủ tướng: Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế nông thôn

Quang cảnh buổi làm việc.

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, những kết quả đạt được trong 3 năm qua kể từ khi Chính phủ phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” là rất quan trọng; khi nông nghiệp chính là lĩnh vực duy trì được phát triển và tăng trưởng khá ổn định. Tốc độ giá trị sản xuất toàn ngành tăng trung bình 3,41%/năm. Tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành tăng mạnh, giai đoạn 2013-2015 đạt 88,3 tỷ USD.

Tuy nhiên, những kết quả đã đạt được mới chỉ là bước đầu và vẫn chưa tạo được chuyển biến rõ rệt. Tăng trưởng của ngành chưa vững chắc. Đáng chú ý, quý 1/2016, lĩnh vực nông nghiệp có sự sụt giảm đáng kể.

Sản xuất theo thị trường

Theo Phó Thủ tướng, trong thời gian tới cần xác định rõ định hướng tái cơ cấu nông nghiệp phải gắn với phát triển thị trường, gắn với cầu của thị trường.

“Không phải thị trường trong nước, mà là quốc tế, không phải chỉ là hôm nay, mà phải tính tới thời điểm hội nhập sâu rộng khi các hiệp định thương mại đa phương, đặc biệt là TPP có hiệu lực”, Phó Thủ tướng nói.

“Tái cơ cấu nông nghiệp để người nông dân không chỉ làm ra những gì có thể, mà làm những gì thị trường yêu cầu”, Phó Thủ tướng khẳng định thêm.

Muốn như vậy, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, phải xây dựng được các tiêu chuẩn sản phẩm mà thị trường trong nước, quốc tế yêu cầu. Bên cạnh đó, phải xác định được các sản phẩm chủ lực, các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh nhằm tạo ra các sản phẩm có quy mô lượng lớn, chất lượng cao.

“Ở đây có vai trò hỗ trợ rất lớn của ngành Công Thương. Phải phát triển những sản phẩm chủ lực ở cấp độ quốc gia, vùng, địa phương. Đồng thời, phải đa dạng hoá sản phẩm nông nghiệp phù hợp với từng vùng, từng địa phương. Đa dạng hoá để khai thác triệt để tiềm nặng, lợi thế, để đáp ứng nhu cầu của thị trường”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Một yêu cầu quan trọng nữa đối với tái cơ cấu nông nghiệp là phải góp phần ứng phó hiệu quả hơn với Biến đổi khí hậu. Đây là yêu cầu mới đặt ra, bởi có thể nói 3 năm trước, khi chuẩn bị đề án tái cơ cấu, chưa lường trước hết được những diễn biến tiêu cực của biến đổi khí hâu, chẳng hạn như tình trạng hạn mặn ở Nam Bộ và Tây Nguyên.

Gắn với sản xuất nông nghiệp

Bên cạnh những yêu cầu nêu trên, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, tái cơ cấu ngành nông nghiệp phải gắn với phát triển kinh tế ngành, nghề ở nông thôn để từ đó tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người nông dân.

Cụ thể, với mức trung bình khoảng 0,3 ha đất cho 1 hộ gia đình như hiện nay, thì rõ ràng không thể công nghiệp hoá nông nghiệp một cách hiệu quả do người nông dân sẽ phải mua máy móc, khấu hao… trong khi diện tích đất cho sản suất quá ít.

“Giải pháp duy nhất là giảm lao động trong nông nghiệp. Phải khuyến khích phát triển các ngành nghề khác ở nông thôn để giảm lao động trong nông nghiệp, nhằm tăng diện tích đất/đầu người, từ đó mới có thể đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại vào sản xuất nông nghiệp”, Phó Thủ tướng nói.

Một yêu cầu nữa cũng được Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu ra trong tái cơ cấu nông nghiệp là phải bảo vệ được nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường.

Phó Thủ tướng: Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế nông thôn - 1

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại buổi làm việc.

Cần giải pháp trước mắt và lâu dài

Từ những yêu cầu nêu trên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị ngành nông nghiệp cần tập trung triển khai thực hiện một số giải pháp cả trước mắt và lâu dài.

Trước hết, cần rà soát lại quy hoạch, cập nhật lại quy hoạch cho phù hợp với thực tiễn, từ đó lập các kế hoạch, lộ trình thực hiện cụ thể dựa trên nguồn lực hiện có, khả năng huy động thêm từ xã hội và hỗ trợ của ngân sách. Cũng dựa trên quy hoạch đã được rà soát, cập nhật, cần tiến hành đầu tư hạ tầng cho các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Trong quá trình đó, cần xác định cụ thể những dự án ưu tiên, cần triển khai sớm hay những dự án trung và dài hạn.

Việc huy động vốn cho sản xuất nông nghiệp phải gắn với đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, trong đó ưu tiên huy động các doanh nghiệp trong nước và quốc tế đầu tư vào sản xuất nông nghiệp.

Phát triển mạnh các hình thức hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã để thể hiện vai trò “bà đỡ” cho người nông dân. Hợp tác xã thực hiện tốt chức năng cầu nối giữa người dân với thị trường, hỗ trợ người dân trong việc cung cấp dịch vụ, tiêu thụ sản phẩm.

Về tổ chức sản xuất, phải tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp với nhau, doanh nghiệp với hợp tác xã, doanh nghiệp với người dân; liên kết vùng, giữa các địa phương… tạo ra sản phẩm có số lượng lớn, chất lượng cao. Cũng cần đặc biệt chú ý trong việc lựa chọn, xây dựng sản phẩm, thương hiệu nông sản của các địa phương, khu vực, tránh tình trạng cạnh tranh lẫn nhau.

Bên cạnh đó, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, muốn xuất khẩu được sản phẩm ra nước ngoài cần đặc biệt quan tâm, quản lý chất lượng giống cây, con, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Cùng với đó, phải tuyên truyền để người dân nhận thức rõ về vấn đề này; có các giải pháp giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao chất lượng của sản phẩm.

Để mở rộng và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm, ngành nông nghiệp và các bộ ngành liên quan cần xây dựng chương trình để tăng cường thông tin về các thị trường mới, những cam kết thương mại song phương, đa phương để người dân kịp thời nắm bắt được những cơ hội, thách thức.

Trong ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, cần đối mới phương thức đầu tư cho khoa học công nghệ thông qua việc xây dựng cơ chế để khuyến khích, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, các tổ chức, các nhà khoa học tham gia nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao sản phẩm cho người nông dân. Bên cạng đó, cũng cần xác định vai trò của doanh nghiệp trong việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp; có cơ chế để hỗ trợ, kích thích cung – cầu về sản phẩm khoa học công nghệ.

T.M.