GĐ Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội: Nói gì khi bị tố?

Gia Phong 26/08/2016 07:25

Giám đốc Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Giám đốc Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia cho biết ông tham dự Olympic để góp phần làm công tác chuyên môn, tâm lý cho các VĐV. "Ví dụ như ở môn judo, tôi chỉ cần hô Văn Ngọc Tú ơi cố lên là khác".

GĐ Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội: Nói gì khi bị tố?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng tại buổi họp báo.

Chiều 25/8 tại Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội (Nhổn) đã giải trình về đơn tố cáo sai phạm. Trước nhiều đơn tố cáo của chính nhân viên Trung tâm này về việc Giám đốc Nguyễn Mạnh Hùng có nhiều sai phạm trong công tác quản lý như chấm công cho HLV, VĐV hay tư lợi tiền công cho cá nhân..., người đứng đầu Trung tâm Nhổn đã có những chia sẻ thẳng thắn với báo chí.

Nhiều sai phạm được chỉ ra

Trong thời gian qua, Tổng cục Thể dục Thể thao (TDTT) cũng như một số cơ quan báo chí nhận được nhiều đơn thư tố cáo của cán bộ tại Trung tâm huấn luyện thể thao Quốc gia Nhổn về hàng loạt sai phạm xảy ra tại Trung tâm này có liên quan đến trách nhiệm của ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Trung tâm này.

Hàng loạt sai phạm của ông Nguyễn Mạnh Hùng đã được truyền thông liệt kê. Đáng chú ý, sau khi lên chức giám đốc trung tâm, năm 2012 ông Nguyễn Mạnh Hùng đã cho sửa chữa, cải tạo lại phòng làm việc, mua sắm, sử dụng một loạt thiết bị, vật dụng xa xỉ, vượt quá tiêu chuẩn Nhà nước quy định.

Trong các năm 2012, 2013 và 2015, ông Nguyễn Mạnh Hùng bị tố cáo đã làm sai nguyên tắc tài chính khi tự ý cho các đội tuyển tập huấn tại Trung tâm chấm công tập luyện thêm các ngày Chủ nhật, sau đó thu tiền khống vào sổ sách chứng từ để chi tiêu vào mục đích cá nhân, làm thất thoát của Nhà nước hàng trăm triệu đồng.

Ngoài ra, một số gói thầu phát sinh khối lượng, hồ sơ chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt như việc cải tạo nhà tập luyện và thi đấu bóng chuyền phát sinh hơn 1,1 tỷ đồng, cải tạo xử lý nước sinh hoạt, hệ thống dây chuyền nước uống tinh khiết cho VĐV và máy vật lý trị liệu phát sinh tăng hơn 336 triệu đồng...

Một số cơ quan báo chí đã nhận được nhiều đơn tố cáo về việc ông Hùng khai man thành tích để được khen thưởng hay ông Hùng đã tự ý ký hợp đồng thuê vệ sĩ làm bảo vệ tại Trung tâm. Số lượng vệ sĩ theo hợp đồng là 18 người, tiền dịch vụ hằng tháng trung tâm phải trả trên 75 triệu đồng…

Về những vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hùng thẳng thắn: “Các đơn tố cáo gần như không đúng sự thật, các đoàn thanh tra đều đã có câu trả lời. Ví dụ như nhà hồi phục có diện tích như thiết kế, máy móc chuẩn chứ không như đơn tố cáo. Vấn đề chấm công, có những lúc lên tới gần 2.000 người, còn bình thường là 1.500 người ở lễ xuất quân. Toàn bộ số tiền cho những sự kiện này là xin tài trợ. Chúng tôi chấm công theo nhu cầu các đội tuyển. Theo tôi tiền ăn bây giờ phải 300-400 nghìn đồng/ngày, còn tiền công là 400-500 nghìn đồng/ngày mới đủ. Chưa bao giờ tôi để văn bản quá 3 ngày, đặc biệt là tiền ăn, tiền công”.

Cùng chia sẻ với ông Hùng, HLV Vũ Ngọc Lợi đội tuyển điền kinh nói: “Riêng môn điền kinh chúng tôi nhiều lần tập vào thứ Bảy, Chủ nhật. Có những ngày 30-4 chúng tôi phải làm đơn để xin tập vào ngày nghỉ. Bên cạnh đề nghị, chúng tôi làm đơn xin hưởng chế độ vào những ngày đó. Kể từ khi chúng tôi vào trung tâm, hoàn toàn được trả tiền công, lương, thừa ăn vào thẻ. Vì thế không thể lợi dụng chuyện này để tư lợi”.

HLV Nguyễn Thị Nhung thừa nhận: “Vấn đề chấm tiền công, chính xác là kém quá. VĐV 1 tháng thu nhập không có động lực để tập luyện. Chính tôi đã nói với Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện cần tăng tiền ăn, tiền công cho VĐV. Chế độ cho các VĐV hiện tại không đảm bảo”.

Đi Olympic làm gì?

Trong cuộc gặp gỡ báo chí chiều qua, ông Nguyễn Mạnh Hùng cũng giải thích về việc mình đi Olympic làm gì, khi có nhiều tờ báo chỉ trích đã “tranh suất” của các HLV, bác sĩ.

Ông Hùng cho hay: Tôi rất buồn. Nếu các bạn gặp hết các VĐV giành HCV thời gian gần đây, kể các những VĐV không của Trung tâm, nhưng khi đạt thành tích, khi ốm đau, những việc làm âm thầm không nói ra được. Nếu các bạn đi cùng mới thấy rằng, công tác chuẩn bị cho VĐV trước, trong và sau thi đấu rất quan trọng.

Ví dụ như ở môn judo, tôi chỉ cần hô Văn Ngọc Tú ơi cố lên là khác. Tôi rất buồn khi các VĐV đều học qua tâm lý nhưng không được sâu. Hiện nay các chuyên gia tâm lý còn rất ít. Tôi dù chỉ là thạc sĩ nhưng đã phải dạy 300-600 VĐV. Chúng tôi góp phần làm công tác chuyên môn, tâm lý cho các VĐV.

Tôi không ngồi trên khán đài vì không phải quan chức. Chúng tôi chỉ là thầy giáo, chuyên môn giúp đỡ cho VĐV, thu hình, liên hệ các đơn vị tập huấn. Đáng lẽ chúng tôi phải đi nhiều nước nhưng kinh phí không có.

VĐV chỉ mong có đủ ánh mắt, tầm nhìn từ HLV. Nếu HLV sợ thì VĐV sẽ sợ đi rất nhiều. Chúng tôi đi có những việc nho nhỏ như thế. Nói thật chúng tôi còn không có đồng tiền nào về mà mua quà. Mọi người cứ tưởng đi ăn chơi, có được ăn mỳ tôm cũng sướng rồi!

Gia Phong