Tăng cường quản lý vũ khí
Thời gian qua, vẫn liên tục xảy ra những vụ nổ như vụ ông Nguyễn Tấn Long, một người dân ở thôn Phú Vinh, xã Tiên Hà, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam đi rừng, nhặt được quả bom bi mang về cưa lấy thuốc nổ bất ngờ quả bom phát nổ dẫn đến tử vong.
Đồng thời cũng xuất hiện không ít vụ án mạng có sử dụng vũ khí. Như vụ tội phạm được thuê dùng súng giết một giám đốc ở Hà Nam, vụ dùng súng bắn chết Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch HĐND kiêm Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Yên Bái.
Đó đây, cũng liên tục những vụ ẩu đả mà các đối tượng có trang bị vũ khí nóng, có cả súng. Cơ quan chức năng, như các CQĐT, lực lượng 141, CSGT cũng liên tục phát hiện đối tượng tàng trữ vũ khí nóng. Thực trạng cho thấy vấn đề bảo quản, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ đang có dấu hiệu báo động.
Cùng với vũ khí, vật liệu nổ còn sót trong chiến tranh, tình hình tội phạm sử dụng vũ khí nóng cũng diễn biến phúc tạp.
Từ vụ dùng súng, giải quyết mâu thuẫn, đòi nợ ở phường Láng Thượng, quận Đống Đa, TP Hà Nội vào cuối tháng 7, Cơ quan CSĐT CA TP Hà Nội đã vào cuộc điều tra, và đến giữa tháng 8/2016, đã bắt 4 đối tượng thu giữ cả một kho vũ khí gồm 11 khẩu súng (3 súng dài, 8 súng ngắn), hàng trăm viên đạn, 9 dao, 6 kiếm cùng rìu, nỏ....
Đó đây, liên tục xảy ra các vụ việc, liên quan đến vũ khí nóng. Nguồn cung của các loại vũ khí nóng này cũng không khó kiếm. Đặc biệt từ các chợ vùng biên, vũ khí nóng đã ngấm ngầm về các tỉnh, thậm chí bày bán công khai. Bên cạnh đó, tội phạm, kể cả người dân còn ngấm ngầm sản xuất, tàng trữ vũ khí nóng như súng bắn đạn hoa cải, súng săn...Ngay công tác bảo quản, sử dụng súng của cá nhân các cơ quan được giao nhiệm vụ bảo quản nhiều khi cũng còn tùy tiện.
Vấn đề quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ lâu nay đã được quy định bằng pháp lệnh và một số các văn bản liên quan. Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia, vẫn còn nhiều kẽ hở, buông lỏng.
Mới đây, ngày 23/8, Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội đã họp, thẩm tra Dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Tới đây, khi Luật được ban hành sẽ là văn bản pháp luật điều chỉnh thống nhất về lĩnh vực này.
Để nâng cao tính răn đe, đảm bảo tính thống nhất, các quy định của các luật khác liên quan cũng rất cần được xem xét. Điều 230 BLHS đã quy định về Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, mức phạt tù cao nhất lên đến 20 năm.
Điều 232 quy định về Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ, khung hình phạt cao nhất cũng đến chung thân. Điều 233 quy định Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ, hình phạt cao nhất cũng đến 5 năm... Quy định pháp luật khá nghiêm, nhưng không ít người vẫn vi phạm, chỉ khi bị ra Tòa, bị tuyên án mới hết sức ngỡ ngàng.