Cải cách thủ tục kiểm tra chuyên ngành: Gỡ càng thêm rối
Mục tiêu của Chính phủ đặt ra là, phải giảm tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành ở giai đoạn thông quan từ 30-35% hiện nay xuống còn 15%. Tuy nhiên, với cách làm của Bộ Công thương, nhiều ý kiến cho rằng, mục tiêu này khó đạt được.
Kiểm tra chuyên ngành khiến doanh nghiệp dệt may gặp khó.
Doanh nghiệp kêu khó
Theo phản ánh của các DN, quy định phải kiểm tra hàng mẫu về hàm lượng formaldehyt và amin thơm được Thông tư 37 của Bộ Công thương “vẽ” thêm ra đã khiến các DN mệt mỏi hơn khi thực thi Thông tư 32 nhiều lần, chứ đừng nói là giảm thủ tục, tháo gỡ rườm rà cho DN. Cụ thể, theo nhận định của đại diện Công ty May 10, chỉ nhập mỗi một bộ quần áo mẫu hay hơn chục mét vải mẫu, DN cũng phải chờ 3,4 ngày mới có kết quả, tốn kém thêm chi phí lưu kho, bãi… điều mà trước đây chưa từng xảy ra.
Theo đại diện Công ty May 10, thông thường hàng mẫu DN nhập về chỉ là một chiếc áo hoặc một vài mét vải, số lượng vải trên 30 mét là rất ít. Và cũng chỉ là hàng mẫu nên cũng không có chuyện tiêu thụ ra thị trường, do đó hoàn toàn không có nguy cơ gây hại đến sức khoẻ người tiêu dùng… Tuy nhiên, với quy định tại Thông tư 37, những món hàng mẫu như vậy cũng mất thời gian để đợi kiểm tra mẫu. Điều này gây ra nhiều bức bối cho DN trong ngành. Tâm tư của đại diện công ty may 10 cũng là tâm tư của nhiều DN xuất nhập khẩu hàng dệt may trong thời gian qua.
Thế nhưng, theo lãnh đạo Bộ Công thương, Thông tư 37 chính là một trong những cải cách đầu tiên được thực hiện đối với công tác kiểm tra chuyên ngành dành cho các lô hàng nhập khẩu. Cụ thể, trong một văn bản gửi Bộ Tài chính do Thứ trưởng Bộ Công thương ông Đỗ Thắng Hải ký đã nêu rõ: Công việc được Bộ Công thương thực hiện đầu tiên trong công cuộc cải cách thủ tục kiểm tra chuyên ngành chính là thông tư này.
Song rõ ràng, với thực tế đang xảy ra đối với các DN ngành dệt may, Thông tư 37 của Bộ Công thương đối với lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành các DN xuất nhập khẩu đã bộc lộ những khiếm khuyết cho thấy công cuộc cải cách đó không hề được cải tiến mà dường như chỉ cải… lùi.
Sao có thể cạnh tranh?
Giảm thời gian thông quan hàng hóa H.H. |
Một quy định khác liên quan đến Bộ Công thương cũng được không ít DN “tố” là chỉ hành DN là chính. Đó là thủ tục dán nhãn năng lượng và kiểm tra hiệu suất năng lượng tối thiểu theo Quyết định 51/2011/QĐ-TTg quy định danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng, áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu và lộ trình thực hiện và Quyết định 78/2013/QĐ-TTg về việc ban hành danh mục và lộ trình phương tiện thiết bị sử dụng năng lượng phải loại bỏ và các tổ máy phát điện hiệu suất thấp không được xây dựng mới. Theo đó, từ ngày 1/1/2015 DN không được phép nhập khẩu và sản xuất các thiết bị có mức hiệu suất năng lượng thấp hơn mức hiệu suất năng lượng tối thiểu. Theo phản ánh của một số DN xuất nhập khẩu lĩnh vực này, một container hàng nhập về phát sinh thêm mấy chục triệu đồng chỉ để dán nhãn năng lượng, chi phí đội thêm như vậy, làm sao cộng đồng DN có thể nâng được sức cạnh tranh. “Với những kiểu thủ tục kiểm tra chuyên ngành như hiện nay, chắc chắn hàng hóa của DN trong nước sẽ không thể địch nổi với hàng hóa ngoại nhập” – một DN than thở.
Là một trong 13 “mắt xích” của quá trình cải cách thủ tục kiểm tra chuyên ngành, tạo điều kiện thuận lợi cho DN, thế nhưng có những văn bản của Bộ Công thương dù đã gỡ nhưng càng thêm rối cho DN, khiến DN bị đội thêm nhiều chi phí, mất thêm nhiều thời gian, công sức, thậm chí tước đi nhiều cơ hội kinh doanh của cộng đồng DN. Nhiều ý kiến cho rằng, chính sự chậm trễ của một trong 13 “mắt xích” đó sẽ khiến cho mục tiêu giảm tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan từ 30-35% hiện nay xuống còn 15% đến hết 2016 của Chính phủ khó có thể đạt được.
Theo nhận định của giới chuyên gia, hiện số lượng lô hàng xuất khẩu phải kiểm tra chuyên ngành rất lớn. Trung bình mỗi năm Việt Nam có khoảng 8,4 triệu lô hàng nhập khẩu, với tỷ lệ kiểm tra khoảng 30-35%, tức là gần 3 triệu lô hàng buộc phải kiểm tra chuyên ngành. Với con số khổng lồ này, nếu kiểm tra chuyên ngành vẫn không có sự cải tiến nhằm tạo thuận lợi hơn cho hoạt động của các DN, thì đừng mong DN có thể nâng cao được sức cạnh tranh, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Vô hình trung, DN trong nước bị chính các quy định, chính sách của nhà quản lý “hạ gục” trước các đối thủ trên sân chơi đầy tính cạnh tranh khốc liệt tới đây.