Hậu sự cố môi trường biển Bắc miền Trung - Bài cuối: Cứu nghề đi biển
Về bến cảng Thuận An, Vinh Thanh hay các âu thuyền Phú Thuận, Phú Hải huyện Phú Vang tỉnh Thừa Thiên - Huế những ngày này dễ dàng bắt gặp những tàu cá công suất nhỏ vừa cập bến sau chuyến vươn khơi. Trong lúc đó các chủ tàu dịch vụ thu mua hải sản cũng tỏ ra phấn khởi khi ngư dân đã bắt đầu trở lại bám ngư trường.
Gia đình ông Nguyễn Văn Tám ở xã Vinh Thanh chuẩn bị ngư cụ
để tiếp tục bám biển mưu sinh.
Hồi hộp trở lại ngư trường
Đang loay hoay sửa lại hệ thống điện trên con tàu 67 vừa mới đóng hơn một năm trước, ngư dân Phan Văn Chinh ở thị trấn Thuận An (Phú Vang) phấn khởi khi nghe tin Bộ Tài nguyên Môi trường đã có kết luận về nước biển ở miền Trung đang ở mức an toàn. Đối với những người quanh năm đánh bắt cá trên biển như ông Chinh đây thật sự là một tín hiệu vui. Bởi lẽ thời gian qua, hiện tượng cá biển đột ngột chết đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh hải sải của gia đình ông. Bây giờ đã tìm ra nguyên nhân làm cá chết hàng loạt. Đặc biệt là việc đánh bắt cá xa bờ đang an toàn. Điều này “giống như bà con ngư dân miền Trung đã cởi được dây trói trong ruột, trong gan” suốt hơn 3 tháng nay.
Để “cứu sống” nghề biển mấy tháng qua gia đình ông Chinh không còn cách nào khác phải nhập cá sang tỉnh bạn để chế biến xuất khẩu. “Các chuyến biển trong hơn 3 tháng vừa qua đều thu về sản lượng khá, giá hải sản tuy giảm khoảng 30% so với trước nhưng cũng đảm bảo chi trả công cho bạn thuyền và trả nợ ngân hàng. Bây giờ chúng tôi mong muốn các cấp, các ngành sớm công bố cá biển đã “sạch” hoàn toàn hay chưa để động viên bà con tiếp tục nỗ lực vươn khơi, bám biển”. Đồng quan điểm này, chủ tàu Trần Văn Chiến ở Thị trấn Thuận An cho rằng chính tâm lý e ngại cá còn nhiễm độc nên hải sản hiện nay tiêu thụ chưa mạnh tại địa phương “Ngư dân mong cấp trên sớm có biện pháp ổn định giá hải sản nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng để cho mỗi chủ thuyền yên tâm khi ra khơi. Bây giờ mọi thứ đã rõ rồi. Bà con ngư dân không phải ai cũng muốn sống bằng tiền trợ cấp của nhà nước hỗ trợ. Điều tôi lo nhất chính là chưa có Bộ, ngành nào dám công bố, nói rõ cho chúng tôi biết cá biển đã “sạch” hoàn toàn. Nên nhiều lúc đi biển về tôm cá đầy khoang mà anh em cứ lo ngay ngáy. Vì tâm lí người mua vẫn còn “ngán”. Sợ cá biển nhiễm độc tố nên hiện tại rất ít người mua ăn.
Ngư dân thị trấn Thuận An huyện Phú Vang phấn khởi trúng mẻ cá lớn.
Bao giờ biết được cá biển sạch?
Ông Ngô Văn Đủ, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An cho hay, hiện Thuận An có 16 hộ đăng ký xin đầu tư đóng mới tàu có công suất lớn để tham gia đánh bắt xa bờ. Tính đến cuối tháng 8 này thì đã có 8 hộ đưa tàu vào khai thác. Anh Nguyễn Văn Khuông ở tổ Tân Bình, thị trấn Thuận An trước làm nghề giả cào. Do nguồn hải sản ven bờ cạn kiệt nên anh xin vay ở Chi nhánh BIDV Thừa Thiên Huế vốn để nhờ Công ty TNHH Tàu thuyền An Thuận đóng mới con tàu có công suất 820 CV để tham gia đánh bắt xa bờ trị giá 7,15 tỷ đồng. |
Sau hơn 3 tháng từ khi xảy ra hiện tượng cá chết, vùng biển ở xã Vinh Thanh huyện Phú Vang tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn êm ả lạ thường. Cả buổi sáng ngày 26-8 trên bãi biển chỉ có vài ba chiếc thuyền đang đánh bắt gần bờ. Trong lúc đó phía trên bờ ngư dân đang tiếp tục sửa chữa ngư cụ để tiếp tục cho những chuyến đánh bắt dài ngày. Trò chuyện với chúng tôi, ngư dân Nguyễn Văn Tám ở thôn 4 xã Vinh Thanh đang còn “lo sốt vó” bởi lẽ số tiền 5 triệu nhà nước hỗ trợ cho gia đình ông đã đến ngày cạn kiệt. Ông Tám buồn tủi kể: Không phải bà con chúng tôi thích ngồi đợi Nhà nước cho tiền đền bù mà không chịu ra khơi. Chúng tôi chỉ cần các cấp, các ngành hãy trả lời cho nhân dân được biết cá đánh bắt ở biển 4 tỉnh miền Trung đã sạch chưa? Bà con ngư dân chúng tôi không muốn sống nhờ vài cân gạo, đồng tiền trợ cấp. Nếu biển an toàn, cá không còn độc tố thì ngư dân sẽ lại yên tâm ra khơi, không làm gánh nặng cho Nhà nước nữa.
Cùng chung cảnh ngộ với gia đình ngư dân Nguyễn Văn Tám hàng chục ngư dân ở xóm chài ven biển thôn Cự Lại Đông xã Phú Hải huyện Phú Vang hơn 3 tháng nay không đưa thuyền đánh bắt xa bờ, bởi lẽ theo bà con đi biển về cá bán chẳng ai mua thì không đủ để chi trả tiền xăng dầu, nước đá. Những người như ông Lê Thương, Võ Bảy vốn là ngư phủ lâu năm ở làng chài Cự Lại Đông trong những tháng biển buồn hai ông không đi biển được đành phải lên thành phố Huế đi phụ hồ để mưu sinh. “Mấy ngày nay bà con nghe nhà nước tổ chức hội thảo ở Quảng Trị đã xác định những khu vực biển nào ở mức an toàn, cho phép đánh bắt hải sản nên mấy bạn chài rủ nhau về lại làng chuẩn bị ngư cụ bám biển trở lại. “Lâu nay cứ uất ức trong bụng không biết nói răng. Ai đời một mẻ cá nục tươi roi rói mới đánh bắt từ sáng, chiều đem ra chợ bán mà không có một người tới hỏi mua, buộc phải đem về cho lợn ăn. Đau xót lắm. Bây chừ biết là cá đem ra chợ bán vẫn còn ít người hỏi mua nhưng chúng tôi quyết tâm trở lại quê để làm biển, bởi lẽ đó là cái nghề mà từ bao đời nay tổ nghiệp chúng tôi đã gắn bó”.
Theo thống kê chính thức của Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế những thiệt hại do đợt cá chết vừa qua là vô cùng lớn trong đó có 1.703 cá nuôi lồng, bè với hơn 160 tấn cá trong thời gian sinh trưởng. Để tạo thêm động lực cho ngư dân bám biển các hệ thống siêu thị trên địa bàn tỉnh đã tổ chức thu mua toàn bộ sản phẩm hải sản của ngư dân. Trong lúc đó lượng cá biển đánh bắt từ những tàu gần bờ trở về khi đem ra bán ở chợ thì ế ẩm.
Còn về du lịch, nay biển tắm được nhưng mùa hè đã trôi qua. Ông chủ quán “ Sao Biển” ở bải biển Thuận An Nguyễn Xuân Long than thở: Chúng tôi rất mừng vì biết biển đã cơ bản sạch. Nhưng sau khi công bố, bãi tắm vẫn luôn ở tình cảnh đìu hiu. Không chỉ ông Long mà hàng trăm hộ đầu tư kinh doanh dịch vụ ở các bải biển của Thừa Thiên- Huế đều lâm vào cảnh tương tự.
Vậy là cơ hội kinh doanh đã bị bỏ lỡ. Và như nhiều hộ khác, ông Long thắc thỏm lo: “ Không biết nhà nước có hỗ trợ cho chúng tôi không, bởi năm nay dù không có doanh thu nhưng hộ chúng tôi phải trả và đóng 580 triệu đồng thuê mặt bằng và đóng thuế!”. Bãi biển Thuận An nằm cách Huế hơn chục cây số về phía Đông. Hè đến đây là địa chỉ quen thuộc. Chiều xuống người vào ra như trẩy hội. Riêng mùa hè năm ngoái, bình quân ở đây đón 6-7.000 lượt, có ngày lên tới 15.000 người về tắm biển. Để xứng với điểm đến, huyện Phú Vang đã đầu tư hơn 10 tỷ đồng để nâng cấp, chỉnh trang 4 tuyến đường vào hai bãi tắm Thuận An và Phú Thuận. Các tuyến đường đều lát gạch, bó vỉa, trồng cây xanh và và bố trí cả hệ thống đèn chiếu sáng. Các hộ trúng thầu dịch vụ ở bãi biển khấp khởi mừng, nhưng sự cố môi trường biển đã “nhấn chìm” mọi cơ hội...