Xung quanh vụ rừng Hòn Hèo bị phá: Ai phải chịu trách nhiệm?
Báo Đại Đoàn Kết đã có loạt bài phản ánh tình trạng phá rừng Hòn Hèo, thuộc xã Ninh Phú, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa. Sau khi báo nêu, UBND tỉnh Khánh Hòa có công văn chỉ đạo các ngành chức năng tiến hành kiểm tra tình trạng trên. Qua kiểm tra, các cơ quan chức năng đã phát hiện hàng loạt cây cổ thụ đã bị đốn hạ. Tuy nhiên, trách nhiệm của các cá nhân, tập thể để rừng bị chặt phá còn đang bị “bỏ quên”.
Hình ảnh được phóng viên ghi nhận tại rừng Hòn Hèo.
Tiền hậu bất nhất
Sau khi báo Đại Đoàn Kết ra ngày 20/6/2016 có bài “Rừng Hòn Hèo kêu cứu” phản ánh tình trạng khai thác rừng, vận chuyển gỗ lậu trái phép diễn ra khá phổ biến tại khu vực rừng Hòn Hèo, Tiên Du (xã Ninh Phú, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa), chiều cùng ngày, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Khánh Hòa đã có công văn số 396/CCKL ngày 20/6 chỉ đạo Hạt Kiểm lâm thị xã Ninh Hòa khẩn trương tổ chức lực lượng, phối hợp với chính quyền địa phương và đơn vị nhận khoán bảo vệ rừng (Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hòa) kiểm tra và có giải pháp ngăn chặn kịp thời tình trạng trên.
Ngày 21/6, Hạt Kiểm lâm Ninh Hòa phối hợp với BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hòa, Đồn Biên phòng Vĩnh Lương, Trạm Kiểm lâm Ninh Phú và UBND xã Ninh Phú tổ chức kiểm tra khu vực hồ chứa nước Tiên Du. Qua kiểm tra khu vực xung quanh hồ, toàn bộ khu vực bên phải đường nhựa, đoạn từ cổng hồ Tiên Du đến cuối đường thuộc tiểu khu 85, lực lượng chức năng không phát hiện dấu vết nào của việc khai thác gỗ, cũng không có lán trại nào được cất dựng lên để phục vụ cho việc phá rừng.
Ngày 27/6, báo Đại Đoàn Kết lại tiếp tục có bài “Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm” nêu bản Báo cáo có dấu hiệu “che đậy”, hay việc kiểm tra chưa đến nơi, đến chốn để tìm ra khu vực rừng bị phá. Ngày 29/6, Chi cục Kiểm lâm Khánh Hòa tiếp tục có công văn chỉ đạo Hạt Kiểm lâm Ninh Hòa phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra lại. Đồng thời, ngày 1/7 UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đã vào cuộc và có công văn chỉ đạo UBND thị xã Ninh Hòa tiến hành kiểm tra, xác minh và có biện pháp xử lý kịp thời.
Trong hai ngày 29/6 và ngày 6/7, Hạt Kiểm lâm Ninh Hòa phối hợp với Trạm Kiểm lâm xã Ninh Phú, tiến hành kiểm tra hồ chứa nước Tiên Du và các khu vực lân cận, thuộc xã Ninh Phú. Qua kiểm tra, đoàn phát hiện và lập biên bản tại khoảnh 3,5 tiểu khu 83 có 9 cây gỗ đã bị cưa hạ, trong đó: Cây có đường kính giao động từ 18-35cm, gồm 5 cây giẽ và 4 cây gỗ tạp; tại khoảnh 2, tiểu khu 85 đã phát hiện có 17 cây rừng bị cưa hạ, gồm 11 cây giẽ, 1 cây sơn huyết, 2 cây gỗ tạp và 3 cây trâm hồng có đường kính gốc từ 20-50cm, cá biệt có 1 cây trâm hồng có đường kính gốc 65cm; tại khoảnh 3, tiểu khu 86 có 4 cây rừng đã bị cưa hạ gồm: 1 cây sổ, 1 cây xay và 2 cây trâm có đường kính từ 35-55cm.
Tại các thời điểm kiểm tra phần gỗ đã bị lấy đi chỉ còn lại các bìa bắp và một phần thân gỗ cành ngọn bị bọng, rỗng ruột. Đoàn kiểm tra dự đoán việc chặt hạ cây trái phép diễn ra khoảng trước và sau Tết Nguyên Đán năm 2016.
Ai chịu trách nhiệm?
Đó là những gì mà Đoàn kiểm tra phát hiện, còn theo ghi nhận của phóng viên, có nhiều cây cổ thụ dấu hiệu chặt phá còn rất mới. Còn các chi tiết như bao thuốc lá, chai nước mắm, muối và các nhu yếu phẩm khác Đoàn kiểm tra cũng đã xác nhận và phát hiện là có nhưng đã cũ là không chính xác. Bởi khi phóng viên tác nghiệp trong rừng sâu thì những lán trại vẫn còn rất mới, cảnh bao thuốc, chai nước…cũng như những bếp lửa vẫn còn rất mới.
Với sự việc ông Lê Mai là công nhân của Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Bắc Khánh Hòa phụ trách hồ nước Tiên Du là người “phát dọn” hơn 17.500 m2 trong diện tích chỉ được phát dọn là 7.221 m2, ngày 15/6, Hạt Kiểm lâm Ninh Hòa có công văn số 80/KT-TTPC về việc chuyển hồ sơ vụ việc vi phạm hành chính đến Công an thị xã Ninh Hòa để điều tra hành vi phá rừng trái pháp luật. Người dân băn khoăn đằng sau vụ việc này còn có hỗ trợ nào đó.
Để làm rõ các biện pháp xử lý, cũng như trách nhiệm của các ngành chức năng liên quan, phóng viên đã rất nhiều lần liên hệ với lãnh đạo thị xã Ninh Hòa, nhưng các vị lãnh đạo này đều “bận họp” hay đi “công tác”. Phóng viên đặt lịch làm việc với Chi Cục trưởng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Khánh Hòa thì cũng gặp cảnh “bận họp”...
Rừng đã bị “chảy máu”, dư luận đang đặt ra câu hỏi: Ai sẽ chịu trách nhiệm đây?