Xử lý tiêu cực theo kiểu 'giơ cao, đánh khẽ'
Trong thời gian qua, ở Bạc Liêu có khá nhiều vụ việc sai phạm liên quan đến cán bộ, nhưng lại xử lý theo kiểu rút “kinh nghiệm” là chính làm cho dư luận bức xúc.
Nhà khách Hùng Vương nơi xảy ra tiêu cực nhưng xử lý theo kiểu cho “chìm xuồng”.
Sai nhưng vẫn được đề bạt lên chức
Thời gian gần đây, tại Bạc Liêu, dư luận xôn xao xung quanh việc ông Lê Quốc Khởi, nguyên Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Long Thạnh, huyện Vĩnh Lợi dù có nhiều sai phạm trong quá trình quản lý điều hành ở xã Long Thạnh, nhưng sau khi đoàn kiểm tra của huyện Vĩnh Lợi đã kiểm tra và có kết luận mức độ sai phạm của ông Khởi thì không ai xử lý. Chẳng những bỏ qua sai phạm, mà lãnh đạo Huyện ủy Vĩnh Lợi còn ưu ái và đề bạt ông Khởi làm Phó Chủ tịch HĐND huyện nhiệm kỳ 2016-2021, làm cho rất nhiều người băn khoăn, dị nghị! Cách đây không lâu, khi Đại hội Đảng bộ huyện diễn ra, có rất nhiều đơn thư tố cáo lên huyện và tỉnh về 5 vấn đề khi ông Khởi còn đương chức Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Long Thạnh. Đó là: Lợi dụng chức quyền chiếm đất công xây cất nhà ở trái phép; xử lý cán bộ cấp dưới không đúng theo quy định; tự tiện lấy quỹ đất của xã cho thuê 10 năm vượt thẩm quyền; lấy tiền quỹ an sinh xã hội chia cho cán bộ trong ban chấp hành; bao che cấp dưới sử dụng bằng THPT không hợp pháp.
5 vấn đề mà người dân tố cáo ông Khởi thì có đến 4 vấn đề ông Khởi sai phạm, nhưng chỉ rút kinh nghiệm là xong. Nhiều cử tri xã Long Thạnh bức xúc đặt câu hỏi: Vì sao một cán bộ chủ chốt của xã có quá nhiều sai phạm làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng bộ cơ sở nhưng không được xử lý nghiêm khắc mà chỉ kiểm điểm qua loa rồi được đề bạt giữ chức vụ cao hơn? Cũng chính việc “giơ cao, đánh khẽ” của Ban Thường vụ Huyện ủy Vĩnh Lợi, nên ông Khởi lạm quyền bố trí anh em, thân tộc có đến 6 người giữ vị trí cán bộ chủ chốt của xã gồm: Phó Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch UBND, Địa chính, Thương binh và Xã hội, Tư pháp… như kiểu “gia đình trị” gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên ở địa phương.
Xử lý theo hướng “xuồng chìm tại bến”
Không chỉ có vụ ông Khởi ở huyện Vĩnh Lợi mà trong tỉnh Bạc Liêu, nếu tính từ năm 2010 đến nay có đến hơn chục vụ việc tiêu cực đã xảy ra với nhiều cấp độ khác nhau và phần lớn là cán bộ có chức, có quyền. Trong quá trình xử lý cán bộ sai phạm, đa số chỉ xử lý kiểu “giơ cao đánh khẽ”, “xuồng chìm tại bến”, không ai biết vụ việc trên đã được xử lý như thế nào. Sau thời gian lắng xuống thì cán bộ sai phạm trước đó lại được đề bạt, luân chuyển, thậm chí được đảm trách chức vụ cao hơn.
Điển hình là vụ ông Trần Minh Huấn, nguyên Bí thư Tỉnh đoàn; bà Nguyễn Lệ Hằng, nguyên Giám đốc Sở LĐTB&XH; ông Trương Chí Dũng, nguyên Phó Văn phòng UBND tỉnh; ông Nguyễn Văn Hà, Phó Giám đốc Sở VH-TT&Du Lịch; ông Lê Bá Cường, Giám đốc Ban quản lý dự án tỉnh; ông Lê Thanh Hùng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Lê Quốc Việt, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy; ông Phạm Văn Thiều, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy;… đã làm thất thoát hàng chục tỷ đồng từ các công trình dự án và ngân sách của địa phương. Có những vụ sai phạm đã được đoàn giám sát, kiểm tra của Trung ương kết luận và đề nghị tỉnh xử lý, nhưng rồi những vụ việc trên cũng chỉ dừng lại ở hình thức “rút kinh nghiệm” là chính. Gần đây nhất là vụ ông Lâm Thành Nhân, Giám đốc nhà khách Tỉnh ủy bị tố cáo hàng loạt sai phạm trong quản lý, để thất thoát gần 300 triệu đồng, làm Giám đốc không bao lâu mà kinh doanh thua lỗ trên 4 tỷ đồng. Dù UBKT Tỉnh ủy thừa nhận người tố cáo là đúng, nhưng chỉ đề nghị người bị tố cáo nghiêm túc rút kinh nghiệm.
Chính việc xử lý cán bộ sai phạm không đến nơi, đến chốn, không nghiêm túc theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 nên gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên của tỉnh. Thiết nghĩ, đã đến lúc Tỉnh ủy Bạc Liêu cần nghiêm túc đưa ra xử lý những cán bộ sai phạm ở từng vụ việc, từng cá nhân và trách nhiệm như thế nào, đồng thời khi xử lý cũng nên công khai đến từng chi bộ và tổ chức cơ sở đảng để mỗi cán bộ đảng viên lấy đó làm thước đo để rèn luyện bản thân. Có như thế sẽ không còn xu hướng “xuồng chìm tại bến” như dư luận đặt ra.