Lấp lỗ hổng quản lý

Duy Khang (thực hiện) 28/08/2016 09:30

Việc cơ quan chức năng cấp khống chứng nhận hơn 800 loại thức ăn thủy sản và sản phẩm xử lý môi trường cho doanh nghiệp mới đây, dư luận hết sức quan tâm. Theo TS Nguyễn Tú Anh- Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, thực hiện cải cách môi trường kinh doanh sẽ lộ ra nhiều mảng tối; nếu không cải cách mạnh mẽ thì những mảng tối này sẽ cứ tối mãi, không cách nào phơi bày ra được.

Chính phủ đang nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh với hàng loạt các chính sách thông thoáng được đưa ra. Tuy nhiên, sự việc hơn 800 loại thức ăn thủy sản và sản phẩm xử lý môi trường được cơ quan quản lý cấp phép khống cho doanh nghiệp (DN) dường như đang phủ nhận những nỗ lực này. Phóng viên Báo ĐĐK có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Tú Anh- Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.

TS Nguyễn Tú Anh.

PV:Thưa ông, việc cấp khống phép hơn 800 loại thức ăn thủy sản và sản phẩm xử lý môi trường tại Trung tâm Khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản (Trung tâm 3K) thuộc Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) mới đây cho thấy việc “làm sạch” môi trường kinh doanh là khó khăn?

TS Nguyễn Tú Anh: Chúng ta thực hiện cải cách môi trường kinh doanh và đã bắt đầu lộ ra nhiều mảng tối. Nếu chúng ta không thực hiện Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 thì những “mảng tối” này sẽ cứ tối mãi, không cách nào phơi bày ra được. Thêm nữa, trong Nghị quyết 35, chúng ta kêu gọi sự lên tiếng của các hiệp hội, các doanh nghiệp và những người bị ảnh hưởng bởi tác động thực hiện chính sách.

Sự lên tiếng đấy đã được ghi nhận và chúng ta nhìn thấy bắt đầu có sự chuyển biến. Tuy nhiên, cũng từ góc độ này, chúng ta nhận ra rằng, để tạo một môi trường kinh doanh tốt hơn, thân thiện hơn, quả thật không đơn giản chỉ dựa trên các văn bản pháp luật, văn bản chính sách mà còn ở tổ chức bộ máy. Khi tổ chức bộ máy và tổ chức thực hiện lại phụ thuộc vào việc làm sao bộ máy đó thực hiện đúng mục tiêu như mong muốn.

Và như vậy, về nguyên tắc, muốn đúng như mục tiêu chúng ta thiết kế ra thì các bộ máy phải luôn có kiểm tra giám sát lẫn nhau. Song, ở đây bộc lộ điểm yếu, đó là dường như chúng ta đang thiếu các cơ chế để kiểm tra, giám sát các cơ quan nhà nước.

Thực tế thì vẫn có, song có vẻ như không hiệu quả và chính sự không hiệu quả này dẫn đến hệ lụy mà chúng ta đã chứng kiến, đó là việc cấp khống hơn 800 loại thức ăn thủy sản và sản phẩm xử lý môi trường trong một thời gian dài mà không ai phát hiện ra. Rõ ràng, điều đó chỉ ra lỗi của hệ thống và chúng ta phải thay đổi về mặt chính sách, thay đổi về mặt pháp luật và thay đổi cơ cấu, tổ chức, bộ máy tổ chức thực hiện.

Chính phủ đã và đang rất quan tâm đến cải thiện môi trường kinh doanh. Nhưng từ vụ việc này cho thấy vẫn còn có độ trễ lớn trong việc triển khai các chủ trương chính sách của Chính phủ, thưa ông?

- Đúng như vậy! Một chủ trương, chính sách khi đưa xuống phải thông qua hệ thống bộ máy, cơ chế vận hành bộ máy, thì chính sách đó mới vào được cuộc sống. Qua vụ việc nói trên, như tôi đã chia sẻ, chính sách văn bản là một câu chuyện nhưng thực hiện nó như thế nào lại là câu chuyện khác, nó phụ thuộc vào hai phần cứng và mềm.

Môi trường kinh doanh thông thoáng đi cùng cơ chế giám sát chặt chẽ để phát triển bền vững.

Phần cứng là bộ máy, là các cơ quan nhà nước thực thi nó và trình độ, năng lực của cơ quan đấy. Còn phần mềm là quyền hạn, chức năng nhiệm vụ được giao cho các cơ quan đó, và sự tương tác của cơ quan đó với doanh nghiệp, người dân và cả tương tác giữa các cơ quan nhà nước với nhau.

Tất cả những cái đó “gói gọn” trong một từ là “thể chế” mà xưa nay chúng ta vẫn nói, nhưng cần phải nói rõ nếu không lại thành chung chung. Như vậy, vấn đề thể chế không chỉ là chính sách mà phải nhìn nhận rộng hơn, phải đi vào tổ chức thực hiện và nâng cao chất lượng bộ máy.

Đặc biệt muốn nâng cao chất lượng bộ máy thì điểm nhấn ở đây là vấn đề kiểm tra giám sát lẫn nhau để làm sao đảm bảo bộ máy đó phải hoạt động theo đúng “thiết kế”.

Trở lại vấn đề của Tổng cục Thủy sản, người ta thiết kế ra bộ phận cấp giấy phép để đảm bảo rằng sản phẩm đáp ứng được tiêu chuẩn cho người tiêu dùng, đáp ứng được an toàn về mặt môi trường, đáp ứng được chiến lược phát triển của ngành thủy sản. Vậy thì xưa nay ai giám sát những điều ấy? Tại sao hệ thống giám sát ấy không cảnh báo khi có vấn đề xảy ra? Điểm yếu trong quản lý của chúng ta nằm ở chỗ này.

Như ông vừa phân tích, có thể thấy, điểm yếu này đang là vấn đề lớn đối với cộng đồng DN trong môi trường kinh doanh hiện nay, tác động trực tiếp đến DN. Làm sao để hạn chế được những điểm yếu, để làm sạch môi trường kinh doanh, thưa ông?

- Để giải quyết vấn đề này, tôi cho rằng, thực hiện theo tinh thần của Nghị quyết 35 là rất quan trọng. Một trong những bước- theo tinh thần của nghị quyết 35- đó là tăng quyền tham gia giám sát của những đối tượng bị tác động, trong đó có cộng đồng DN.

Theo tinh thần Nghị quyết 35, một năm cấp tỉnh phải họp với DN 2 lần và DN có nhiều kênh để phản ánh những vấn đề thực thi chính sách không chỉ thông qua việc báo lên UBND tỉnh, mà còn báo lên các hiệp hội và cuối cùng là VCCI. VCCI phải có trách nhiệm báo cáo lên Thủ tướng về những vấn đề mà DN phản ánh.

Chế biến tôm sú.

Như vậy, hiện nay DN có rất nhiều kênh để phản ánh lại, phản hồi lại những việc thực thi chính sách mà Đảng, Nhà nước đã ban hành. Tôi nghĩ rằng, nếu ngày càng nhiều tiếng nói của DN được ghi nhận thì tự môi trường kinh doanh có một quá trình vận động để làm sao cho toàn bộ thể chế (bao gồm bộ máy thực hiện chính sách) dần được cải thiện. Không thể có một chính sách mà quá trình thực hiện nó tốt ngay từ đầu, nhưng khi chúng ta nhận thấy nó sai và sửa dần, theo thời gian hệ thống sẽ tốt lên.

Ở đây, điều người ta hay nói là “tôi làm đúng quy trình”. Song quan trọng là chúng ta phải hiểu “đúng quy trình” nhưng kết quả nó sai thì quy trình đó phải sửa và chúng ta phải biết là nó sai ở đâu…

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản- ông Vũ Văn Tám mới đây đã nói sẽ “xử lý những cá nhân liên quan”, trong vụ cấp khống nêu trên. Điều này là cần thiết nhưng liệu có đủ để môi trường kinh doanh thực sự minh bạch?

- Theo tôi, xử lý để răn đe những bộ phận khác là quan trọng, để làm sao những bộ phận khác, những người khác không phạm phải những sai lầm như thế. Tuy nhiên, tôi cho là, điều đó không làm tốt hơn cho môi trường kinh doanh, cho DN. Muốn làm tốt hơn, ngoài việc xử lý, chúng ta cần phải biết được tại sao điều đó lại xảy ra và chúng ta phải khắc phục được để nó không lặp lại trong tương lai.

Chuyện xảy ra ở Tổng cục Thủy sản không có nghĩa là nơi khác không xảy ra. Sự việc này là một cảnh báo để chúng ta xem xét lại toàn bộ hệ thống cấp phép, hệ thống đánh giá môi trường kinh doanh… Tôi nghĩ, nếu chúng ta nhìn nhận những vấn đề này ở nhiều góc độ thì thực tế, sự việc này được coi là tín hiệu tốt cho thấy chúng ta đang yếu ở đâu.

Trân trọng cảm ơn ông!

Duy Khang (thực hiện)