Lực sĩ Thạch Kim Tuấn: Thất bại và góc khuất
Trong các thất bại của VĐV Việt Nam ở sân chơi Olympic, lực sĩ Thạch Kim Tuấn để lại sự thất vọng nhất, thậm chí còn là cú sốc lớn. Nói như Phó Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao 2, Trưởng bộ môn cử tạ Tổng cục TDTT Đỗ Đình Kháng, đây là thất bại “kinh hoàng” của cử tạ Việt Nam.
VĐV Thạch Kim Tuấn.
Từ chuyện chấn thương...
Có thể nói, cùng với Ánh Viên, thì Thạch Kim Tuấn là một trong những gương mặt trẻ triển vọng nhất của TTVN trong những năm qua. Sau khi có HCV Olympic trẻ 2010, Thạch Kim Tuấn được đầu tư chuyên biệt và anh có bước tiến rất nhanh. Sau tấm HCV để đời ở tuổi 16, đến 17 tuổi Kim Tuấn giành HCV giải trẻ châu Á và HCB giải trẻ thế giới.
Cách đây 2 năm anh đã giành HCB tại ASIAD, và mới năm ngoái còn có HCB ở giải vô địch thế giới. Với những gì đã thể hiện, Kim Tuấn được kỳ vọng rất lớn sẽ có huy chương Olympic 2016.
Tuy nhiên, chỉ vài ngày trước khi Thế vận hội khai mạc, đoàn TTVN đã thông báo Kim Tuấn tái phát chấn thương đầu gối. Không biết thông tin này là thật hay chỉ là đòn “tung hỏa mù” với các đối thủ, nhưng có một thực tế là đoàn TTVN có nhiều VĐV chấn thương khi tới Olympic tranh tài.
Điều đáng nói hơn cả là ngay cả chuyện chấn thương nếu có thật thì cũng phải xem xét lại, bởi cái đầu gối của lực sĩ đang đầu quân cho đơn vị TP Hồ Chí Minh được xác định từ lâu và được chữa trị quyết liệt. Những báo cáo gần nhất của bộ môn cử tạ cũng khẳng định Kim Tuấn đã hoàn toàn bình phục chấn thương, mức tạ nâng được trong tập luyện rất ổn định và nằm trong nhóm VĐV có khả năng cạnh tranh huy chương Olympic.
Tất nhiên, chấn thương trong thể thao luôn khó tránh khỏi, nhưng việc để 1 VĐV trọng điểm được đầu tư 4 năm qua để tranh huy chương ở Olympic không có thể trạng tốt nhất ở đúng thời điểm quan trọng nhất, cũng cần phải xem lại!
Tới tâm lý
Như đã nói, Kim Tuấn được đầu tư lớn, tham gia nhiều sự kiện lớn, nhưng ở sân chơi quan trọng Olympic, đây mới là lần đầu anh tham dự. Có lẽ cũng vì lần đầu được tham dự một sân chơi khốc liệt như Thế vận hội nên lực sỹ này đã không thể hiện tâm lý vững vàng, một trong những yếu tố quan trọng nhất của cử tạ.
Vấn đề là vì sao lãnh đạo đoàn thể thao Việt Nam, ban huấn luyện đội tuyển cử tạ biết Tuấn bị tâm lý lại không có cách giải quyết?
Về vấn đề này, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, Trưởng đoàn TTVN tham dự Olympic 2016 Trần Đức Phấn thừa nhận: “Một trong những hạn chế của thể thao Việt Nam hiện nay là công tác chuẩn bị tâm lý cho VĐV. Chúng ta hoàn toàn chưa có các HLV chuyên làm công tác tâm lý cũng như các nhà tâm lý để giúp các VĐV trong quá trình tập luyện và đặc biệt là trong lúc thi đấu”.
Công tác tư tưởng cho các VĐV rất quan trọng với các VĐV thế giới, nhưng ở Việt Nam lại thường bị xem nhẹ, nói chính xác hơn là chúng ta không có các chuyên gia tâm lý trong lĩnh vực thể thao. Chỉ cần những lời động viên kịp thời, hay những phân tích về trạng thái để có lời khuyên đúng thời điểm từ chuyên gia tâm lý, Thạch Kim Tuấn có thể đã có thể vượt qua tâm lý đè nặng.
Nhìn khuôn mặt Kim Tuấn luôn căng thẳng hơn so với các đối thủ. Điều được thể hiện rất rõ sự tâm lý của lực sĩ này, khi anh thực hiện đều không thành công ở lần cử đầu tiên của giật và đẩy.
Theo giới chuyên môn đánh giá, chỉ cần Thạch Kim Tuấn thi đấu với hơn 90% sức lực, anh chắc chắn có huy chương. Mức tổng cử của VĐV người Thái Lan là 289kg hoàn toàn có thể bị Tuấn đánh bại. Nhưng trong thi đấu đúng là không thể nói trước, nhất là việc các VĐV Việt Nam thường bị tâm lý khi chơi ở những sân chơi lớn.
Góc khuất
Trưởng bộ môn cử tạ và thể hình Đỗ Đình Kháng chia sẻ: “Đây là thất bại kinh hoàng của cử tạ Việt Nam. Tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm về điều này. Các VĐV đã dốc hết sức lực để cố gắng giành chiến thắng, nhưng đã không làm được vì đối thủ quá mạnh. Tôi xin gửi lời xin lỗi đến toàn thể người hâm mộ vì đã phụ lòng mọi người”.
Ông Kháng đã phải nói tới từ “kinh hoàng”, bởi Kim Tuấn không thể trắng tay sau những gì mà anh đã làm được. Một VĐV trọng điểm, được đầu tư tốn kém trong nhiều năm qua, nhưng sự thất bại lại đến quá nhanh theo một kịch bản nằm ngoài tưởng tượng của giới quản lý thể thao nước nhà.
Nhưng rõ ràng là thất bại của Thạch Kim Tuấn cần được mổ xẻ tới nơi tới chốn để rút kinh nghiệm. Ai cũng thấy rằng có vẻ như BHL và Thạch Kim Tuấn đã quá tự tin lẫn nóng vội trong việc cạnh tranh thành tích, dẫn đến việc đưa ra mức tạ khởi điểm, cũng như đẩy hạng cân trong thi đấu chưa hợp lý.
Nói cách khác, BHL đội tuyển cử tạ và Kim Tuấn đã có chiến thuật sai lầm. Vì nếu nói Kim Tuấn đang chấn thương và tâm lý, tại sao lại đưa mức tạ khởi điểm khá cao. Chưa hết, sau khi không nâng được mức tạ đầu tiên này, ban huấn luyện lại nâng mức tạ cao hơn khiến Kim Tuấn càng thêm áp lực, để rồi thực hiện không thành công?
Phải đến sau khi cuộc thi kết thúc, HLV Huỳnh Hữu Chí mới tiếc nuối: “Nếu như Tuấn nâng được 130kg ngay từ lần đầu, mọi chuyện đã khác…”.
Ở Olympic 2016, ngoài xạ thủ Hoàng Xuân Vinh thì các VĐV còn lại của Việt Nam hầu hết không vượt qua chính mình. Thất bại ở sân chơi quá tầm như Thế vận hội là chuyện bình thường, nhưng với riêng trường hợp của Thạch Kim Tuấn lại cần phải mổ xẻ, bởi những lý giải về chấn thương, tâm lý và sự chủ quan là điều khó chấp nhận.
Cử tạ Việt Nam cần rút ra bài học về công tác chuẩn bị cho một sân chơi lớn như Olympic. Bên cạnh đó, có lẽ điều cần thiết không kém khác lúc này chính là chúng ta có sự động viên kịp thời để Thạch Kim Tuấn sớm ổn định tâm lý tiếp tục tập luyện, thi đấu.
“Tôi đã cố gắng hết sức mình, nhưng phong độ không đúng điểm rơi nên thành tích không đạt như mong muốn. Tôi thật sự rất là buồn về điều này. Tôi xin lỗi HLV, lãnh đạo và mọi người đã tin tưởng, đặt nhiều hy vọng vào tôi. Olympic này là kinh nghiệm để tôi học hỏi, biết những lỗi để khắc phục, hướng đến những giải đấu sau, đem về thành tích cho TTVN” - Thạch Kim Tuấn xin lỗi sau thất bại tại Olympic 2016.